Thứ Bảy sau Chúa Nhật 1 Thường Niên – ngày 14/01/2017

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mc 2, 13-17]

Khi ấy Chúa Giêsu đi dọc theo bờ biển, toàn dân đến cùng Người và Người giảng dạy họ. Khi vừa đi qua, Người thấy ông Lêvi con của Alphê, đang ngồi nơi bàn thu thuế. Người bảo ông: “Hãy theo Ta”. Ông liền đứng dậy theo Người. Và xảy ra là khi Người dùng bữa tại nhà ông, nhiều người thu thuế và tội lỗi cùng đồng bàn với Chúa Giêsu và các môn đệ của Người, vì đã có nhiều kẻ theo Người. Những luật sĩ và biệt phái thấy Người ngồi ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi, liền nói với các môn đệ Người rằng: “Tại sao thầy các ông lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi?” Nghe vậy, Chúa Giêsu bảo họ: “Những người khoẻ mạnh không cần gì đến thầy thuốc, nhưng là những người đau yếu. Ta không đến để kêu gọi những người công chính, mà kêu gọi những người tội lỗi”.

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

“Khi ấy, Chúa Giêsu bỏ xứ Galilêa mà đến với Gioan ở sông Giođan, để ông làm phép rửa cho” ( Mt 3, 13).

Bài Tin Mừng hôm nay, thánh Maccô mô tả thái độ của những người Pharisêu khi Chúa Giêsu đồng bàn với những người thu thuế và tội lỗi. Thay vì vui mừng và hy vọng trước hành động biểu lộ lòng thương xót của Chúa thì họ lại tự tách mình ra và phê bình: Sao! ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi! (Mc 2, 16b). Chính sự kiêu ngạo đã làm cho họ không nhận ra thân phận tội lỗi của mình, làm cho trái tim họ ra chai cứng trước việc làm đầy yêu thương của Chúa. Họ cho rằng mình có thể được cứu rỗi nhờ chính nỗ lực của bản thân (x. Ga 9, 41). Sự thật là mỗi người đều cần đến lòng thương xót và sự tha thứ của Thiên Chúa để được cứu độ. Thái độ xét đoán người khác và tự tách mình ra như những người công chính đi ngược lại với thái độ và lời dạy của Chúa Giêsu. Ngài nói: Đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán (Mt 7, 1) và Ai trong các ông sạch tội thì hãy là người đầu tiên ném đá người phụ nữ này đi (Ga 8, 7).

Lời Chúa hôm nay như đụng chạm vào chính bản thân mỗi người khi mời gọi chúng ta sống khiêm nhường vì tình yêu. Có thể nói tình yêu và lòng khiêm tốn là hai nhân đức không thể tách rời. Chúng ta không thực sự yêu nếu không khiêm tốn và cũng không khiêm nhường nếu không có tình yêu. Thiếu vắng một trong hai thì cuối cùng cũng chỉ là biểu hiện của sự kiêu ngạo. Hơn ai hết, Chúa Giêsu đã nêu gương khiêm nhường trong tình yêu khi chọn một chú lừa nhỏ làm ngai tòa tiến vào Giêrusalem. Do tình yêu, Người đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ. Vì tình yêu, Chúa đã khiêm nhường đến tột cùng khi chấp nhận chết trần trụi đau đớn trên thập giá. Chính tình yêu Chúa thúc đẩy chúng ta sống khiêm tốn qua đức ái, thánh Escriva diễn tả rằng: Nếu bạn hành động theo sự thúc đẩy của cõi lòng và sự chỉ đạo của lý trí, bạn có thể sẽ phải nằm bẹp trên mặt đất, sóng soài như một con sâu bẩn thỉu, xấu xí và đáng thương trước mặt vị Thiên Chúa đã chịu đựng tất cả vì bạn (Con Đường, 597) .

Lạy Chúa Giêsu rất khiêm nhường, vì yêu chúng con mà Chúa đã hy sinh tất cả cho chúng con, xin cho chúng con yêu Chúa và yêu mọi người qua đời sống khiêm nhường phục vụ. Amen

[/loichua]

Comments are closed.