[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 4, 31-37″]
31 Người xuống Ca-phác-na-um, một thành miền Ga-li-lê, và ngày sa-bát, Người giảng dạy dân chúng.32 Họ sửng sốt về cách Người giảng dạy, vì lời của Người có uy quyền.33 Trong hội đường, có một người bị quỷ thần ô uế nhập, la to lên rằng:34 “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông, mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!” 35 Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!” Quỷ vật người ấy ngã xuống giữa hội đường, rồi xuất khỏi anh ta, nhưng không làm hại gì anh.36 Mọi người rất đỗi kinh ngạc và nói với nhau: “Lời ấy là thế nào? Ông ấy lấy uy quyền và thế lực mà ra lệnh cho các thần ô uế, và chúng phải xuất!” 37 Và tiếng đồn về Người lan ra khắp nơi trong vùng.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
TIN VÀO ĐỨC GIÊSU – ĐẤNG THÁNH CỦA THIÊN CHÚA
“Họ sửng sốt về cách Người giảng dạy, vì lời của Người có uy quyền” (Lc 4,32).
Con người ngày nay đang vui hưởng với những thành quả của khoa học kỹ thuật. Chúng mang lại cuộc sống hạnh phúc khi đáp ứng nhiều nhu cầu lành mạnh cho con người. Nếu nhìn dưới ánh sáng đức tin, đó là những dấu chỉ thời đại để con người nhận biết có một Đấng đang hiện diện và đồng hành với họ. Muốn có được khả năng đó, đòi hỏi con người tin vào Đức Giêsu, Đấng được Thiên Chúa sai đến để mang lại hạnh phúc đích thật cho con người.
Bài Tin Mừng nói về việc Đức Giêsu giảng dạy và trừ quỷ tại hội đường của người Do Thái. Cả lời giảng cũng như hành động trừ quỷ ấy của Người đều làm cho những kẻ hiện diện phải kinh ngạc, vì họ cảm nghiệm được Người là Đấng có uy quyền (x. Lc 4,32.36). Họ thắc mắc, cố gắng tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra những kết luận rất khác biệt, để rồi, có người thì tin nhận, có người thì ngờ vực, có kẻ lại chống đối. Họ không may mắn như mỗi người chúng ta ngày hôm nay. Với nền tảng giáo lý vững chắc về Chúa Giêsu, chúng ta được giải thích rõ ràng nguyên nhân tại sao Người có thể giảng dạy và hành động đầy uy quyền như thế. Đó là bởi Người là Đấng Thiên Sai, là chính Thiên Chúa. Lời phát ra từ miệng Người cũng là lời Thiên Chúa, lời đã tác thành vạn vật (x. Ga 1,3). Hành động của Người cũng là hành động của Đấng Toàn Năng, Đấng đã làm bao điều vĩ đại (Lc 1,49). Việc Đức Giêsu biểu lộ uy quyền mời gọi chúng ta không dừng lại ở trạng thái “sửng sốt”, “kinh ngạc”, nhưng tin tưởng vào Đấng được quyền năng Thần Khí thúc đẩy (Lc 4,14), Đấng Thánh của Thiên Chúa, để được giải thoát khỏi bóng tối quỷ thần và vui hưởng hạnh phúc ơn cứu độ của Thiên Chúa.
Hành trình theo Chúa của mỗi người Kitô hữu cũng là hành trình vun đắp đức tin vào Chúa Giêsu– Đấng Thánh Của Thiên Chúa. Chỉ khi mỗi người chúng ta biết cậy dựa vào Người, sống gắn bó với Người bằng việc thăm viếng, chuyện trò và ở lại bên Người, thì chúng ta mới có thể đón nghe và sống theo lời Người chỉ dạy, dám xây dựng và phó thác đời sống mình trong bàn tay Chúa, dấn thân loan truyền và đem Chúa đến với mọi người. Đây là lối sống hiệp hành mà Giáo Hội và chính Chúa đang mời gọi chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu, xin gia tăng và kiện toàn đức tin nơi chúng con, để trong tiến trình hiệp hành mà Hội Thánh đang hướng tới, chúng con can đảm cùng nhau bước đi, tham gia vào sứ mạng loan báo Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ cho nhân loại hôm nay. Amen.
[/loichua]