[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mc 10,28-31″]
Khi ấy, Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Đây chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy?” Chúa Giêsu trả lời rằng: “Thầy bảo thật các con, chẳng ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, đồng ruộng vì Thầy và vì Phúc Âm, mà ngay bây giờ lại không được gấp trăm ở đời này về nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái và ruộng nương cùng với sự bắt bớ, và ở đời sau được sự sống vĩnh cửu. Nhưng có nhiều kẻ trước nhất sẽ nên rốt hết, và những kẻ rốt hết sẽ nên trước nhất”.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
TRUNG THÀNH THEO CHÚA
“Phần thưởng gấp trăm ở đời này, cùng với sự bắt bớ, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau.” (Mc 10,30)
Trong bối cảnh của cuộc hành trình lên Giêrusalem, sau khi chứng kiến sự bỏ đi của người thanh niên giàu có trước lời mời gọi của Đức Giêsu (x. Mc 10,17-22), Thánh Phêrô đã lên tiếng hỏi Đức Giêsu về phần thưởng dành cho người môn đệ, là những kẻ đã bỏ mọi sự để theo Chúa (x. Mc 10,28). Đức Giêsu đã hứa về một phần thưởng gấp trăm, không chỉ ở đời này, mà cả đời sau nữa cho những ai biết từ bỏ để theo Người (x. Mc 10,30).
Theo quan niệm dân gian Dothái, người được Thiên Chúa chúc phúc là người có dư thừa của cải, có hạnh phúc gia đình, có con đàn cháu đóng,… Thế nhưng đó có phải là tất cả không? Nếu đó là tất cả thì tại sao người thanh niên giàu có lại tìm đến với Chúa, để hỏi về hạnh phúc vĩnh cửu (x. Mc 10,17). Như thế, chúng ta thấy chắc chắn còn có điều gì đó đáng quý hơn nhiều. Và đó là điều mà Đức Giêsu đã mạc khải: “Thầy bảo thật các con, chẳng ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, đồng ruộng vì Thầy và vì Phúc Âm, mà ngay bây giờ lại không được gấp trăm ở đời này về nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái và ruộng nương cùng với sự bắt bớ, và ở đời sau được sự sống vĩnh cửu” (Mc 10,29-30). So sánh với các trích đoạn song song trong Tin mừng Matthêu (x. Mt 19, 27-30) và Luca (x. Lc 18, 28-30), Thánh sử Marcô đã thêm vào đoạn Tin mừng của mình một chi tiết khác biệt: “cùng vời sự bắt bớ” (Mc 10,30), và điều này trở thành sứ điệp chính yếu mà tác giả muốn chuyển tải. Một đàng, có lẽ Đức Giêsu có ý sử dụng lại quan niệm dân gian Dothái về sự giàu có, để gợi lên trong các môn đệ sự tốt lành vô tận của Thiên Chúa, và cũng như là một sự khuyến khích dành cho những ai theo Người. Đàng khác, Chúa không quên nhắc nhớ họ về điều cốt lõi quan trọng hơn, đó là phần thưởng vĩnh cửu ở đời sau, khi mời gọi họ chấp nhận bước theo Người lên Giêrusalem, chấp nhận vác thập giá cùng Người, chấp nhận chịu sự bắt bớ giống như Người (x. Mc 10,30).
Là những người môn đệ theo Đức Giêsu, chúng ta không nhắm đến sự giàu sang phú quý như là phần thưởng ở đời này, chúng ta cũng không chủ tâm chọn sự đau khổ, sự bắt bớ như là mục đích của cuộc đời. Nhưng điều chúng ta lựa chọn là chính Đức Giêsu và những gì Người muốn chúng ta thực hiện. Đó có thể là một cuộc sống dâng mình độc thân khiết tịnh, để phục vụ Chúa và các linh hồn. Đó có thể là một cuộc sống trong cộng đoàn tu trì, để chiêm niệm và cầu nguyện. Đó cũng có thể là một cuộc sống giữa đời, với những bổn phận cụ thể của một người cha, người mẹ, người con cái trong gia đình. Nhưng dù ở hoàn cảnh nào, chúng ta nên nhớ lời nhắn nhủ của Bậc Đáng Kính ĐHY. PX. Nguyễn Văn Thuận: “Tránh gian khổ con đừng trông làm thánh” (ĐHV, 702). Hay nói theo tư tưởng của ĐGH. Phanxicô: Chúng ta có thể là giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân,… nhưng chắc chắn chúng ta không phải là môn đệ của Chúa, nếu chúng ta vức bỏ thánh giá lại đàng sau.
Tác giả Đường Hy Vọng đã nói: “Có hai đường để sống giây phút hiện tại: thực hiện ý con hay thực hiện ý Chúa” (ĐHV, 832). Xin cho chúng ta luôn biết trung thành bước theo Chúa trong mọi hoàn cảnh sống của mình.
[/loichua]