[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mc 9, 30-37″]
Khi ấy, Đức Giêsu và các môn đệ đi băng qua miền Galilê. Nhưng Đức Giêsu không muốn cho ai biết, vì Người đang dạy các môn đệ rằng : “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại.” Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người.
Sau đó, Đức Giêsu và các môn đệ đến thành Caphácnaum. Khi về tới nhà, Đức Giêsu hỏi các ông : “Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy ?” Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. Rồi Đức Giêsu ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói : “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.” Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói : “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy ; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy.”
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
THẤY GÌ BÊN TRONG ĐÔI GIÀY CUỘC ĐỜI?
“Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy ?” (Mc 9, 34)
Tin Mừng Máccô trình bày ba lần Chúa Giêsu tiên báo về cuộc khổ nạn cho các môn đệ. Trong dòng chảy ấy, Tin Mừng hôm nay là lần thứ hai Chúa mạc khải về cuộc khổ nạn của Người. Sau lần này, Tin Mừng ghi lại phản ứng của các môn đệ: các ông không hiểu điều Thầy Giêsu nói. Các ông cũng không hiểu như cách Chúa muốn các ông hiểu. Thay vào đó, các ông lại hiểu theo cách các ông muốn hiểu. Vì vậy, sau mỗi lần tiên báo, Chúa dạy các môn đệ về căn tính và sứ vụ của người môn đệ.
Một đằng Thầy Giêsu tiên báo về những đau khổ Người sẽ chịu để cứu chuộc nhân loại, đằng khác, các môn đệ lại cãi vã tranh giành quyền bính vào ngày Thầy Giêsu vinh quang. Chúa nhìn thấy đằng sau những cãi vã nhỏ to của các môn đệ, là những cái “tôi” bị tổn thương. Trong bối cảnh xã hội bấy giờ, các môn đệ cũng như nhiều người Do Thái đang trông mong Đấng Messia, Đấng giải thoát họ khỏi ách nô lê ngoại bang. Vì thế, việc đi theo Chúa gặp khó khăn bởi bóng tối danh vọng: tôi sẽ được gì? Tôi sẽ là… là… là… Thậm chí đôi khi danh vọng được bọc bằng lớp vỏ lý tưởng: để tôi cùng với Chúa giải thoát dân tộc. Các ông phớt lờ những điều không hợp với tư duy của các ông. Chúa biết rõ hoàn cảnh và tâm tư các môn đệ. Chúa dạy các ông bài học về căn tính của Đấng Messia_Đấng đến để phục vụ con người. Và ai theo Chúa cũng phải trở nên người môn đệ phục vụ với tinh thần khiêm nhường. “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”.
Lời Chúa vừa nghe nhắc nhở người môn đệ tâm thế và thái độ phục vụ. Con người hôm nay loay hoay tìm cách chữa lành cái tôi thương tổn của mình để sống tốt hơn, lạc quan hơn, vui tươi hơn. Nhưng có khi những nỗ lực cố gắng của họ bị phớt lờ hay xem nhẹ chỉ vì sự cố gắng đó không giống với sự cố gắng được định dạng trong tư duy của chúng ta. Cũng vậy, trong đời sống thiêng liêng có khi chúng ta nghĩ rằng: mọi người phải nên thánh theo cách của tôi. Vì chúng ta lấy bản thân làm tiêu chuẩn nên tưởng rằng ai cũng sẽ “vừa vặn” với đôi giày chúng ta đang mang. Bài học phục vụ mà Chúa dạy hôm nay mời gọi chúng ta trở nên “người rốt hết” để đến với tha nhân bằng đôi chân của chúng ta trong đôi giày của tha nhân. Bởi lẽ mỗi người là một câu chuyện độc đáo về đôi giày cuộc đời. Đừng chỉ ướm thử đôi giày cuộc đời họ trong thoáng chốc và vội vã đưa ra những lời nhận xét hời hợt. Tập nhìn sâu và đặt mình trong hoàn cảnh của tha nhân, chúng ta sẽ nhận ra rằng: có nhiều thứ mang ý nghĩa thật sâu sắc chung quanh mà trước giờ, có lẽ chúng ta đã vô tình lướt qua và chỉ biết nhìn hời hợt mà thôi. Nhờ đó, người môn đệ sẽ khám phá ra những tâm tư sâu lắng và giá trị nơi mỗi cuộc đời. Ý thức được điều này, người môn đệ có thể trở nên những người phục vụ khiêm nhường, nhìn nhận giá trị của tha nhân và biết trân trọng những cố gắng thiện chí trong nơi tha nhân.
Lạy Chúa, xin mở lòng chúng con để chúng con biết khiêm nhường qua cung cách và thái độ phục vụ của chúng con. Amen.
[/loichua]