Thứ Ba Tuần V Mùa Chay – Ngày 28/03/2023

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Ga 8, 21-30″]

Đức Giê-su lại nói với họ: Tôi ra đi, các ông sẽ tìm tôi, và các ông sẽ mang tội mình mà chết. Nơi tôi đi, các ông không thể đến được. Người Do-thái mới nói: Ông ấy sẽ tự tử hay sao mà lại nói: Nơi tôi đi, các ông không thể đến được? Người bảo họ: Các ông bởi hạ giới; còn tôi, tôi bởi thượng giới. Các ông thuộc về thế gian này; còn tôi, tôi không thuộc về thế gian này. Tôi đã nói với các ông là các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết. Thật vậy, nếu các ông không tin là Tôi Hằng Hữu, các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết. Họ liền hỏi Người: Ông là ai? Đức Giê-su đáp: Hoàn toàn đúng như tôi vừa nói với các ông đó. Tôi còn có nhiều điều phải nói và xét đoán về các ông. Nhưng Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật; còn tôi, tôi nói lại cho thế gian những điều tôi đã nghe Người nói. Họ không hiểu là Đức Giê-su nói với họ về Chúa Cha. Người bảo họ: Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu, và biết tôi không tự mình làm bất cứ điều gì, nhưng Chúa Cha đã dạy tôi thế nào, thì tôi nói như vậy. Đấng đã sai tôi vẫn ở với tôi; Người không để tôi cô độc, vì tôi hằng làm những điều đẹp ý Người. Khi Đức Giê-su nói thế, thì có nhiều kẻ tin vào Người.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

CHỦ ĐỀ: THẬP GIÁ, NIỀM TIN VÀ SỨC MẠNH CỦA CHÚNG TA

“Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu” (Ga 8, 28)

“Thập giá, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ, thì chúng tôi lại rao giảng một Đức Kitô chịu đóng đinh” (1Cr 1, 23). Đây là lời rao giảng của thánh Phaolô, và cũng là niềm xác tín của Giáo hội, một niềm tin vào Đức Kitô tử nạn và phục sinh, Đấng là Con Thiên Chúa, là Đấng Hằng Hữu. Niềm tin này đối lại với sự khước từ Chúa Giêsu của người Pharisêu và Do Thái, mà bài Tin Mừng chúng ta nghe đã diễn tả

Thánh Gioan thuật lại cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu với người Pharisêu về nguồn gốc của Người. Với người Pharisêu và nhà lãnh đạo Do Thái, họ không thể nào hiểu được một người trần mắt thịt, có gốc gác rõ ràng và đang đứng trước mặt họ là Giêsu người Nazereth, lại là Con Thiên Chúa, là Đấng Hằng Hữu. Một điều vượt quá khả năng đón nhận của những con người thuộc về một dân tộc tin vào Thiên Chúa duy nhất, Thiên Chúa của giao ước, Đấng đã phán như vậy với cha ông họ là các tổ phụ. Dường như niềm tin vốn là sức mạnh và nâng đỡ đời sống của họ, giờ đây lại nên chướng ngại trong việc giúp người Do Thái đón nhận điều vĩ đại hơn, là tin vào Đức Giêsu, Đấng hoàn thành mọi lời Thiên Chúa hứa với cha ông họ, cũng là Đấng mà các tiên tri đã loan báo.

Khác với người Do Thái, Giáo hội vừa đón nhận niềm tin của Cựu ước, đồng thời cũng đón nhận niềm tin nơi Chúa Giêsu, vì chính Người là Đấng mà Cựu ước đã tiên báo. Vì thế mà từ thời các Tông Đồ, Giáo hội đã tuyên xưng, rao giảng và sẵn sàng hy sinh mạng sống để làm chứng cho niềm tin vào Chúa Giêsu tử nạn và phục sinh, Đấng hôm nay đã phán với những người Pharisêu: “Khi nào các ông đưa Con Người lên cao, các ông sẽ nhận biết Ta Hằng Hữu”. Quả vậy, giờ phút Chúa chịu chết trên thập giá là lúc Người tỏ lòng vâng phục và hoàn thành thánh ý Chúa Cha cách trọn vẹn; Thánh giá trở thành nơi Chúa Giêsu tôn vinh Chúa Cha, để từ đây thánh giá trở thành biểu tượng của sự sống và nguồn ơn cứu độ. Giáo hội gần hai ngàn năm qua đã sống nhờ niềm tin này. Về phần chúng ta, trong những ngày cuối của mùa chay năm nay, cần xét duyệt lại đức tin của chúng ta vào Chúa Giêsu, để từ đó có những thay đổi trong đời sống sao cho phù hợp với thánh ý Chúa. Chắc hẳn sẽ có những khó khăn trong đời sống đức tin và thực hành đạo, nhưng như xưa những ai nhìn lên con rắn đồng để được cứu sống (x. Ds 4, 9), thì nay chúng ta cũng hãy nhìn lên thánh giá Chúa Kitô để được mạnh sức vượt qua những khó khăn ấy, vì nơi thập giá Chúa Kitô có sức mạnh phi thường. Và nhất là trong hành trình đức tin, chúng ta luôn có Chúa đồng hành, như lời Chúa đã nói: “Ðấng đã sai Ta đang ở với Ta; Ngài không để Ta một mình, bởi vì Ta luôn luôn làm điều đẹp lòng Ngài”.

Mùa chay đang dần đi tới đỉnh điểm để Giáo hội bước vào cử hành cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Giêsu, tôn vinh mầu nhiệm Chúa cứu độ trần gian. Xin cho chúng ta biết nhận ra và đón lấy những thánh giá đời mình trong sự kết hợp với thánh giá Chúa, để mong ngày hưởng vinh phúc phục sinh.

[/loichua]

Comments are closed.