[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Ga 10,22-30″]
Khi ấy, người ta mừng Lễ Cung Hiến tại Giê-ru-sa-lem. Bấy giờ là mùa đông. Chúa Giê-su đi bách bộ tại đền thờ, dưới cửa Sa-lô-môn. Người Do-thái vây quanh Người và nói : “Ông còn để chúng tôi thắc mắc cho đến bao giờ. Nếu ông là Ðức Ki-tô, thì xin ông nói rõ cho chúng tôi biết”. Chúa Giê-su đáp : “Tôi đã nói với các ông mà các ông không tin. Những việc tôi làm nhân danh Cha tôi, làm chứng về tôi. Nhưng các ông không tin, vì các ông không thuộc về đàn chiên tôi. Chiên tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi cho chúng được sống đời đời, chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể cướp được chúng khỏi tay tôi. Ðiều mà Cha tôi ban cho tôi, thì cao trọng hơn tất cả, và không ai có thể cướp được khỏi tay Cha tôi. Tôi và Cha tôi là một”.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
NGHE VÀ BƯỚC THEO MỤC TỬ GIÊSU
“Chiên tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi” (Ga 10,27).
Đối với người Do thái, hình ảnh mục tử và đàn chiên đã trở nên rất đỗi quen thuộc. Giữa người mục tử và đàn chiên có một sự gắn bó rất thân thiết, đến nỗi, những con chiên có thể nhận ra tiếng của chủ và giữa một bầy chiên đông đảo, những người mục tử cũng vẫn có thể nhận ra đâu là chiên của mình. Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh đó để nói lên tương quan giữa Chúa và dân Ngài khi nói: “Chiên tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi” (Ga 10,27) .
Thực vậy, Chúa Giêsu biết từng con chiên, Ngài biết rõ từng nhu cầu, từng hoàn cảnh, biết từng nỗi băn khoăn, lo lắng, trăn trở của chiên… Không chỉ biết rồi để đó nhưng Ngài còn quan tâm, chăm sóc và chạnh lòng thương đoàn chiên bơ vơ không người chăn dắt (Mt 14,14); Ngài dành tất cả thời gian, công sức để chăm sóc những con chiên đau yếu, chữa lành vết thương của những con chiên bị tổn thương, đến nỗi, không có thời gian để ăn uống và nghỉ ngơi (x. Mc 6,3) Hơn thế nữa, Mục Tử Giêsu đã hy sinh chính mạng sống mình trên thập giá để cứu độ, ngõ hầu đoàn chiên được sống và sống dồi dào. Còn về phía đàn chiên thì sao?
Nếu là chiên trong đàn, thì điều tất yếu, chiên cũng phải biết chủ của mình. Một trong những dấu chỉ cụ thể chứng tỏ một người thuộc về đàn chiên của Chúa, người đó phải nghe được lời của Người “Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi”. Nghe và đi theo Chúa Giêsu, nghĩa là can đảm chấp nhận đi vào con đường hẹp của Tin mừng, con đường của sự công chính, yêu thương và tha thứ, một con đường rất ít người đi vì đòi hỏi nhiều cố gắng, thậm chí còn bị nhiều người chung quanh chê là khờ dại, nhưng chắc chắn sẽ dẫn đến sự sống (x. Mt 7, 13-14).
Sống trong thế giới ngày nay, chúng ta bị bao vây bởi quá nhiều âm thanh và tiếng ồn, đến độ không còn nghe được tiếng Chúa. Bên cạnh đó, cuộc sống có rất nhiều lôi cuốn, nên nhiều lúc chúng ta nghe được tiếng Chúa nhưng vẫn giả điếc làm ngơ, không thi hành điều Chúa truyền dạy. Lắng nghe lời Chúa hôm nay, chớ gì từng người chúng ta luôn ý thức việc lắng nghe, học hỏi và thực hành lời Chúa. Đồng thời, biết đặt tin tưởng “Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng”, và dù bước đi trong thung lũng tối, ta không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng ta (Tv 22,1-4).
Giữa những xao động của nhân thế nổi trôi, xin cho chúng ta luôn biết “lặng” để nghe tiếng Chúa, sống dưới cái nhìn của Chúa và luôn có được cảm nghiệm: “Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ, biết cả khi con đứng, con ngồi. Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa, đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét, mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả. Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời, thì lạy Chúa, Ngài đã am tường hết” (Tv 139, 1-4).
[/loichua]