Thứ Ba Tuần III Mùa Thường Niên – Ngày 26-01-2021

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 10, 1-9 “]

1Sau đó, Chúa chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. 2Người bảo các ông: Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về. 3Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. 4Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. 5 Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này!” 6Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em. 7Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. 8Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. 9Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông.”

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

SỨ MẠNG TRUYỀN GIÁO CỦA MỖI NGƯỜI

“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.” (Lc 10, 2).

Cách đây hơn 2000 năm, Chúa Giêsu đã sai các môn đệ đi truyền giáo với lệnh truyền: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về. Anh em hãy ra đi” (Lc 10,2-3a). Đây là lần thứ hai Chúa Giêsu sai các môn đệ ra đi: lần đầu tiên, Ngài sai nhóm 12 (Mc 6,7); hôm nay, Ngài lại sai nhóm 72. Qua đó, Ngài muốn mời gọi tất cả mọi người thuộc mọi thành phần tham gia vào sứ vụ truyền giáo.

Trong Sứ điệp ngày thế giới truyền giáo năm 2011, Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã nói đến tính cấp thiết của việc truyền giáo. Ngài nói: “Sứ vụ này vẫn chưa được hoàn tất… Một cái nhìn chung về nhân loại cho thấy sứ mạng ấy vẫn còn ở giai đoạn khởi đầu và chúng ta phải hết sức dấn thân phục vụ cho sứ mạng ấy”. Truyền giáo là một sứ mạng hết sức cấp bách, vì cánh đồng lúa đã chín vàng nhưng lại thiếu thợ gặt. Tính cấp bách ấy được Chúa Giêsu kêu gọi ngay từ những ngày đầu trong sứ vụ của Ngài. Ngài mời gọi các môn đệ hãy lên đường với một lời rao giảng làm rộn lên niềm vui: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần”; với một lời chào thân thiện: “Bình an cho nhà này!”; với một hành trang nhẹ nhàng: không túi tiền, không bao bị, không giày dép; với một việc phải làm: chữa lành những người ốm đau cả phần xác lẫn tâm hồn và một thái độ phải có là khiêm tốn và thanh thoát, đón nhận những gì người ta cung cấp cho, không tìm kiếm các tiện nghi khác.

Ngày mai, Giáo hội kính nhớ Thánh Timôthê và Thánh Titô. Các Ngài là những người môn đệ của Thánh Phaolô, là người con mà Thánh Phalô đã sinh ra trong đức tin. Các Ngài đã học được lòng hăng say nhiệt thành của vị Tông đồ dân ngoại, để rồi đem cả cuộc đời mình rong ruổi trên khắp cánh đồng mà rao truyền Lời Chúa. Các Ngài vẫn luôn trung kiên không quản ngại khó khăn gian khổ để Tin Mừng của Chúa được rao truyền. Noi gương các Ngài, chúng ta cũng hãy lên đường để mang Tin Mừng đến cho mọi người.

Chúng ta được sai đi để thấu hiểu nỗi khát vọng của con người, thấu cảm và thấy được điều họ thực sự đang cần và sống hài hòa với lời mình rao giảng. Có thể chúng ta sẽ phải đi giày, có ba bốn áo, sẽ có ví tiền, máy tính xách tay, máy in và điện thoại… Nhưng, chúng ta phải làm sao đừng để lệ thuộc vào những phương tiện trần thế ấy hoặc là ỷ vào những khả năng bản thân mình có. Ngược lại, chúng ta phải biết sống thanh thoát, biết cậy dựa vào Chúa, biết sống khó nghèo và gần gũi với mọi người, nhất là những người nghèo khổ, đau yếu và bệnh tật, để làm sao cho mọi người thấy Tin Mừng của Chúa thật sự là tin vui vì mang lại ơn cứu độ cho nhân loại.

Ngày nay, Chúa sai chúng ta đi làm chứng giữa đời, đôi khi ta thấy như chiên non đi giữa bầy sói. Xin Chúa ban thêm lòng tin và nghị lực cho mỗi người chúng ta. Để từ đó, chúng ta nhẹ nhàng và thanh thoát lên đường để mang niềm vui Tin Mừng cứu độ và sự bình an đích thực cho mọi người.

[/loichua]

Comments are closed.