[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mt 18, 21-35″]
Khi ấy, Phêrô đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần không?” Chúa Giêsu đáp: “Ta không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy. Về vấn đề này, thì Nước Trời cũng giống như ông vua kia muốn tính sổ với các đầy tớ. Trước hết, người ta dẫn đến vua một người mắc nợ mười ngàn nén bạc. Người này không có gì trả, nên chủ ra lệnh bán y, vợ con và tất cả tài sản của y để trả hết nợ. Người đầy tớ liền sấp mình dưới chân chủ và van lơn rằng: ‘Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn và tôi sẽ trả cho ngài tất cả’. Người chủ động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho y. Khi ra về, tên đầy tớ gặp một người bạn mắc nợ y một trăm bạc. Y tóm lấy, bóp cổ mà nói rằng: ‘Hãy trả nợ cho ta’. Bấy giờ người bạn sấp mình dưới chân và van lơn rằng: ‘Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, tôi sẽ trả hết nợ cho anh’. Y không nghe, bắt người bạn tống giam vào ngục, cho đến khi trả nợ xong. Các bạn y chứng kiến cảnh tượng đó, rất khổ tâm, họ liền đi thuật với chủ tất cả câu truyện. Bấy giờ chủ đòi y đến và bảo rằng: ‘Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta; còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi?’ Chủ nổi giận, trao y cho lý hình hành hạ, cho đến khi trả hết nợ. Vậy Cha Ta trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình”.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
THA THỨ KHÔNG GIỚI HẠN
“Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.” (Mt 18,22)
Con người vốn mang thân phận yếu đuối nên cả cuộc đời là một chuỗi những vấp ngã được đan kết với những lần thứ tha của Thiên Chúa và của tha nhân. Thật vậy, trong đời sống cộng đoàn, nếu con người đối xử với nhau dựa trên luật công bằng: mắt đền mắt, răng đền răng thì cuộc sống sẽ thật khắc nghiệt, như lời Gandhi nói: “Nếu cứ theo luật mắt đền mắt thì cả thế giới sẽ đầy những người mù”. Vì thế, sự tha thứ làm cho những mối tương quan của con người trở nên tốt đẹp hơn. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng dạy chúng ta hãy biết tha thứ cho nhau.
Sau khi nghe Chúa Giêsu dạy về việc sửa lỗi cho anh em, thánh Phêrô đã đặt vấn đề với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần?” Ngay trong câu hỏi: “Con phải tha đến mấy lần?”, thánh nhân đã đưa ra hướng giải quyết, đó là sự tha thứ. Cụm từ này xuất hiện nhiều lần trong Kinh thánh. Thật vậy, toàn bộ Kinh Thánh diễn tả lòng thương xót và sự tha thứ của Thiên Chúa dành cho con người, như thánh Tôma Aquinô viết: “Sự toàn năng của Thiên Chúa biểu lộ trên hết qua hành vi tha thứ và lòng thương xót, vì cách thức Người biểu lộ quyền năng tối thượng là tha thứ một cách tự nguyện… Và vì thế không có gì làm cho chúng ta nên giống Thiên Chúa cho bằng sẵn sàng tha thứ”. Như thế, thánh Phêrô đã chọn theo cách hành xử của Thiên Chúa, đó là tha thứ. Kế đến, thánh Phêrô đưa ra con số 7, khi nói: “Có phải bảy lần không?”, để nói về mức độ tha thứ cho người xúc phạm đến mình. Trong Kinh Thánh, số 7 là biểu tượng cho sự toàn vẹn tràn đầy, nhưng Chúa Giêsu đã từ bỏ sự tha thứ có giới hạn ấy, Ngài đòi phải tha thứ đến bảy mươi lần bảy, nghĩa là tha thứ luôn mãi, tha thứ không giới hạn. Đi xa hơn nữa, Chúa Giêsu còn dạy: “Dù nó xúc phạm đến anh một ngày đến bảy lần, rồi bảy lần trở lại nói với anh: “Tôi hối hận”, thì anh cũng phải tha cho nó” (Lc 17,4). Ngoài ra, chính Chúa Giêsu đã làm gương cho con người về sự tha thứ khi Ngài cầu nguyện với Chúa Cha trên cây thập giá: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34), để tha cho những kẻ đã gây nên cuộc khổ nạn của Ngài. Như vậy, qua lời nói và hành động của Chúa Giêsu, Ngài mời gọi con người cũng biết tha thứ cho nhau.
Hơn nữa, với câu kết của trang Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã đưa sự tha thứ vào bình diện cứu độ, khi nói: “Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình” (Mt 18,35). Hay mỗi ngày, chúng ta đều cầu nguyện với kinh Lạy Cha: “Xin Cha tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Do đó, sự tha thứ là điều kiện của Thiên Chúa đòi buộc mỗi người chúng ta, nhất là những Kitô hữu, để được lãnh nhận ơn tha thứ đến từ Thiên Chúa. Nhưng nhìn vào thực tế cuộc sống, tha thứ cho một người nào đó xúc phạm, nói lời ác ý, phản bội hoặc lừa dối ta là việc không dễ dàng chút nào. Vì thế, chúng ta chỉ biết cách tha thứ cho người khác, khi nào trái tim của chúng ta cảm nghiệm được tình yêu tha thứ của Thiên Chúa. Khi đó, sự tha thứ của chúng ta sẽ diễn tả niềm tin của mình, vì khao khát “được nên trọn lành như Cha trên trời là Đấng trọn lành”. Cũng thế, sự tha thứ này còn thể hiện hành vi của đức mến, vì tha thứ là biết nhìn nhận giá trị của người khác và mở cho họ một con đường hướng tới tương lai. Cuối cùng, sự tha thứ này còn diễn tả hành vi của đức cậy, vì nó làm cho tâm hồn của chúng ta được bình an và hy vọng được Chúa tha thứ.
Trong tâm tình mùa Chay này, xin Chúa ban cho chúng ta ơn sức mạnh và can đảm, để chúng ta cũng biết cách tha thứ cho anh em mình; ngõ hầu, chính chúng ta cũng được thứ tha.
[/loichua]