Thứ Ba Tuần I Mùa Thường Niên – Ngày 12-01-2021

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mc 1,21-28″]

(Ðến thành Ca-phác-na-um), ngày nghỉ lễ, Chúa Giê-su vào giảng dạy trong hội đường. Người ta kinh ngạc về giáo lý của Người, vì Người giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền, chứ không như các luật sĩ.

Ðang lúc đó, trong hội đường có một người bị thần ô uế ám, nên thét lên rằng : “Hỡi Giê-su Na-da-rét, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông. Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao. Tôi biết ông là ai : là Ðấng Thánh của Thiên Chúa”. Chúa Giê-su quát bảo nó rằng : “Hãy im đi, và ra khỏi người này”. Thần ô uế liền dằn vật người ấy, thét lên một tiếng lớn, rồi xuất khỏi người ấy. Mọi người kinh ngạc hỏi nhau rằng : “Cái chi vậy. Ðây là một giáo lý mới ư. Người dùng uy quyền mà truyền lệnh cho cả các thần ô uế, và chúng vâng lệnh Người”. Danh tiếng Người liền đồn ra khắp mọi nơi, và lan tràn khắp vùng lân cận xứ Ga-li-lê-a.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

UY QUYỀN VÀ UY LỰC CỦA LỜI CHÚA

“Người giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền” (Mc 1,22)

Sau khi kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên, Chúa Giêsu đến thành Caphacnaum để rao giảng Tin Mừng. Tại đây, trong ngày Sabat, Người vào hội đường giảng dạy. Người ta kinh ngạc về Lời của Người vì Lời dạy đầy uy quyền và uy lực.

Chúa Giêsu giảng dạy đầy uy quyền bởi Người là chính Thiên Chúa, là tác giả của những lời chép trong Sách Thánh. Trong khi các luật sĩ chỉ dám trưng dẫn và giải thích Kinh Thánh cách dè dặt thì Chúa Giêsu, với tư cách tác giả, Người nói Lời Thiên Chúa cách xác tín “Anh em nghe Luật dạy rằng:….Còn Thầy, Thầy bảo thật anh em:…” (Mt 5,21.27.31.34.38…). Trong khi các luật sĩ dạy những điều không đi đôi với việc làm thì Chúa Giêsu truyền giảng những đạo lý phát xuất từ tâm tư sống động, từ chính cuộc sống sung mãn của Người. Người giảng dạy không những uy quyền mà còn đầy uy lực. Thật vậy, sau khi rao giảng, Chúa Giêsu chứng tỏ uy lực Lời của Ngài nơi một người bị thần ô uế ám. “Hãy im đi và ra khỏi người này”(1,25) – không cần những đụng chạm thể lý, không cần những công thức cầu kỳ, chỉ với một Lời phán ra, Chúa Giêsu đã “truyền lệnh cho cả thần ô uế và chúng vâng lệnh Người” (1,27) mà ra khỏi người đó.

Ngày nay, Lời Chúa Giêsu được lưu lại nơi Kinh Thánh, đặc biệt nơi các sách Tin Mừng. Tiếc thay, nhiều Kitô hữu chúng ta lại chưa có thái độ như dân thành Caphacnaum, biết kinh ngạc trước Lời của Chúa. Ta hững hờ trước Lời Chúa có thể vì chưa khám phá ra những giáo lý mới mẻ từ Lời. Ta nghe đi nghe lại, hầu như thuộc lòng nhưng lòng ta vẫn như bầu da cũ làm sao chứa đựng được những giọt rượu mới (x.Mc 2,22). Ta hờ hững vì chưa tin tưởng vào sức mạnh biến đổi của Lời trên cuộc đời ta. Ta cho rằng đó là những lời Chúa nói cho những người cách đây hơn 2000 năm. Nó chẳng dính dáng gì đến ta, và rồi ta như đất vệ đường không cần hạt giống (x. Mc 4,15).

Về vấn đề này, thư Dothái quả quyết: “Lời Thiên Chúa luôn sống động, linh nghiệm và sắc bén vì không có loài thọ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày” (4,12-13). Tông huấn Niềm vui Tin Mừng nhắc đi nhắc lại sứ điệp: Tin Mừng không là những lời của quá khứ nhưng “luôn có tính mới mẻ, thời sự và có sức mạnh biến đổi con người mọi thời” (EG 1). Khi suy niệm bài Tin Mừng này, ĐGH Phanxicô viết “Lời Chúa là lời của sự sống. Lời không đè nén con người, nhưng trái lại, giải thoát con người” . Cũng với lời: “Hãy im đi và ra khỏi người này”(1,25), Chúa Giêsu tiếp tục giải thoát những ai đang làm nô lệ cho những thần ô uế của thế gian này. Không phải tự nhiên một người bị thần ô uế ám lại đến hội đường vào ngày Sabat. Chắc hẳn anh ta đã nhiều lần muốn thoát khỏi sự ràng buộc. Nhưng những quyết tâm bản thân hay những lời khuyên bảo của mọi người chỉ dừng lại ở bước chuẩn bị. Anh ta đến đây để tìm sự giúp đỡ. Khi và chỉ khi anh tìm gặp được Chúa Giêsu, đụng chạm đến Lời của Ngài, dám phơi bày trước mặt Chúa tất cả những gì đang ràng buộc mình, anh mới được giải thoát. Phải chăng chúng ta cũng nên có được quá trình biến đổi như người bị thần ô uế ám?

“Tin Mừng chỉ biến đổi chúng ta khi chúng ta để mình được Tin Mừng biến đổi” (Bài giảng trưa Chúa Nhật ngày 01/02/2015 tại quãng trường thánh Phêrô). Ước mong chúng ta mỗi ngày thêm xác tín sức mạnh của Lời Chúa, khám phá sự mới mẻ từ những điều Chúa dạy. Từ đó, ngoan ngùy uốn mình trở thành những mảnh đất tốt, bầu da mới cho Lời Chúa ngự trị (x. Mc 4,8).

[/loichua]

Comments are closed.