[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Ga 20,11-18″]
Khi ấy, bà Maria đang còn đứng gần mồ Chúa mà than khóc. Nhìn vào trong mồ, bà thấy hai thiên thần mặc áo trắng đang ngồi nơi đã đặt xác Chúa Giêsu, một vị ngồi phía đàng đầu, một vị ngồi phía đàng chân. Hai vị hỏi: “Tại sao bà khóc?” Bà trả lời: “Người ta đã lấy mất xác Chúa tôi và tôi không biết người ta đã để Người ở đâu?” Vừa nói xong, bà quay mặt lại, thì thấy Chúa Giêsu đã đứng đó, nhưng bà chưa biết là Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu hỏi: “Bà kia, sao mà khóc, bà tìm ai?” Tưởng là người giữ vườn, Maria thưa: “Thưa ông, nếu ông đã mang xác Người đi, thì xin cho tôi biết ông đã đặt Người ở đâu, để tôi đến lấy xác Người”. Chúa Giêsu gọi: “Maria”. Quay mặt lại, bà thưa Người: “Rabboni!” (nghĩa là “Lạy Thầy!”). Chúa Giêsu bảo bà: “Đừng động đến Ta, vì Ta chưa về cùng Cha Ta. Nhưng hãy đi báo tin cho các anh em Ta hay và bảo họ rằng: Ta về cùng Cha Ta, cũng là Cha các con, về cùng Thiên Chúa Ta, cũng là Thiên Chúa các con”. Maria Mađalêna đi báo tin cho các môn đệ rằng: “Tôi đã trông thấy Chúa và Chúa đã phán với tôi những điều ấy”.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
CHỨNG NHÂN CỦA TIN MỪNG PHỤC SINH
“Tôi đã trông thấy Chúa và Chúa đã phán với tôi những điều ấy”. (Ga 20,18)
Thánh Phaolô đã nói rằng: “Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1Cr 15,14). Dựa trên xác tín của vị tông đồ, một mặt Giáo hội tin tưởng vào sự kiện Phục Sinh như là nền tảng của đức tin Kitô giáo. Mặt khác, qua dòng thời gian, Giáo hội không ngừng minh chứng tính lịch sử của sự kiện Phục Sinh.
Truyền thống Kinh Thánh ghi nhận ít nhất “ba nguồn chứng cứ” liên quan đến sự Phục Sinh của Chúa Kitô, đó là: Các lời đã báo trước (x. Mc 8,31; Lc 9,22; Cv 2,23-24;…), dữ kiện ngôi mộ trống (x. Mc 16,1-9; Mt 28,1-10; Lc 24,1-12; Ga 20,1-2), và các chứng nhân đã gặp Đấng Phục Sinh (x. Lc 24,30-31; Ga 20,18; Cv 10,39-41;…). Tin mừng hôm nay cho chúng ta tiếp cận với nguồn chứng cứ thứ ba, tức là các chứng nhân đã được gặp gỡ Đấng Phục Sinh. Quả vậy, Tin mừng thuật lại rõ ràng sứ điệp của bà Maria khi gặp các tông đồ: “Tôi đã trông thấy Chúa” (Ga 20,18). Lời khẳng định này của Maria được đặt nền tảng trên cuộc gặp gỡ cá vị trước đó giữa bà với Đấng Phục Sinh. Thánh sử cho chúng ta biết, vì yêu mến, Maria đã ra mồ Chúa, và khi không thấy xác Chúa bà đã khóc (x. Ga 20,11). Đáp lại tình yêu của bà, Đấng Phục Sinh đã cho bà gặp Người, bằng cách gọi chính tên bà (x. Ga 20,16). Như thế, Maria đã tìm Chúa vì bà đã yêu, nhưng bà thấy Chúa vì bà được yêu. Đấng Phục Sinh đã để cho bà nhận ra Người bằng cách gọi tên bà, và yêu cầu bà đừng giữ Người lại, vì Thân Xác Phục Sinh của Người không phải là một kho báu để giữ lại, nhưng là một Mầu Nhiệm để chia sẻ. Vì vậy bà đã trở nên chứng nhân đáng tin cậy của Tin mừng Phục Sinh: “Tôi đã trông thấy Chúa và Chúa đã phán với tôi những điều ấy” (Ga 20,18).
Khởi đi từ kinh nghiệm đức tin của Maria, chúng ta được mời gọi không ngừng tìm kiếm Đấng Phục Sinh, qua việc siêng năng lắng nghe Lời Chúa, tham dự cử hành Thánh Thể, và làm các việc đạo đức khác. Để khi đến lúc Người muốn, Đấng Phục Sinh sẽ tỏ mình ra cho chúng ta theo cách của Người. Đồng thời, khởi đi từ kinh nghiệm đức tin ngàn đời của Giáo hội, chúng ta cũng được mời gọi trở nên những chứng nhân của Tin mừng Phục Sinh, qua đời sống hằng ngày của mình. Cụ thể, nếu Tin mừng Phục Sinh mạc khải tình yêu và lòng thương xót, thì chúng ta được mời gọi sống yêu thương, bao dung và tha thứ. Nếu Tin mừng Phục Sinh đem lại niềm vui, thì chúng ta được mời gọi sống vui tươi, thánh thiện, không u sầu buồn bã. Nếu Tin mừng Phục Sinh đem lại bình an, thì chúng ta được mời gọi sống hòa thuận với mọi người, không gây ra những bất đồng chia rẽ, không gây bè kéo cánh. Nếu Tin mừng Phục Sinh gieo rắc niềm hy vọng, thì chúng ta được mời gọi sống tin yêu, phó thác cho sự quan phòng của Thiên Chúa. Có như thế, chúng ta mới trở nên những chứng nhân khả tín, trong một thế giới mà người ta vốn thích nghe những chứng nhân hơn là thầy dạy (x. EN, 41).
Tác giả Đường Hy Vọng đã nói: “Con đừng bao giờ mãn nguyện với một đức tin lý thuyết và hình thức, nhưng phải sống một đức tin chân thực, thiết ái và trung thành” (ĐHV, 280). Xin cho chúng ta luôn biết can đảm làm chứng cho Đấng Phục Sinh trong mọi hoàn cảnh sống của mình.
[/loichua]