Thứ Ba Tuần 33 Thường Niên – Ngày 17/11/2020

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 19, 1-10″]

Sau khi vào Giê-ri-khô, Đức Giê-su đi ngang qua thành phố ấy. Ở đó có một người tên là Da-kêu; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có. Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn. Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giê-su, vì Người sắp đi qua đó. Khi Đức Giê-su tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người. Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!” Ông Da-kêu đứng đó thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.” Đức Giê-su mới nói về ông ta rằng: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.”

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

CÁI NHÌN CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT

“Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.”

Thánh sử Luca được gọi là “tác giả Tin Mừng của lòng thương xót” (Xavie Léon-Dufour). Rất nhiều trình thuật và dụ ngôn trong Tin Mừng thứ ba được nghiền ngẫm và soi chiếu dưới lăng kính lòng thương xót của Thiên Chúa. Đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe là một trong số đó. Chúng ta cùng theo sát “ngòi bút” tài tình của thánh sử Luca để chiêm ngắm dung mạo lòng thương xót của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô qua hai điểm sau đây.

Điểm thứ nhất, đoạn Tin Mừng tập trung vào hai cuộc tìm kiếm của Chúa Giêsu và Dakêu. Giữa đám đông đang chen lấn, Dakêu tìm mọi cách để xem cho biết Chúa Giêsu là ai, còn Chúa Giêsu tìm thấy Dakêu và gọi chính tên ông ngay giữa đám đông. Thánh sử Luca khéo léo đặt vào bản văn một chi tiết rất đắt giá. Đó là cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và Dakêu tại một điểm, đúng hơn là tại một cái nhìn. Cha Cantalamessa gọi đó là cái nhìn của lòng thương xót, giữa một kẻ đang cần lòng thương xót và một Đấng là hiện thân của lòng xót thương.

Cái nhìn của Chúa Giêsu hướng lên Dakêu, qua đó, chuyển tải những ý nghĩa thật sâu xa. Trước cái nhìn của Chúa Giêsu, Dakêu chỉ muốn xem cho biết Ngài là ai, nhưng sau cái nhìn thương xót ông tuyên xưng Ngài là Chúa. Trước cái nhìn của Chúa Giêsu, Dakêu được mô tả thấp bé về thể lý; nhưng sau cái nhìn này, ông là kẻ rộng lượng hào phóng khi chia sẻ với mọi người của cải của mình. Trước cái nhìn của Chúa Giêsu, Dakêu là kẻ tội lỗi công khai, bị khai trừ khỏi đời sống tôn giáo; nhưng sau cái nhìn này, ông tìm lại địa vị con cháu Abraham, là kẻ được thừa hưởng lời chúc phúc. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo cho chúng ta một nhận xét thật xác đáng, chỉ có cái nhìn của “Đấng thấu suốt các tầng sâu thẳm của tình yêu của Cha Người, mới có thể mặc khải cho chúng ta tận đáy lòng thương xót của Thiên Chúa một cách đơn sơ và đầy vẻ đẹp như vậy” (GLHTCG 1439).

Điểm thứ hai, trong đoạn Tin Mừng, một nhóm nhân vật dù chỉ xuất hiện thoáng qua, nhưng không thể không nói đến, đó là đám đông dân chúng. Dù chỉ xuất hiện mờ nhạt với những tiếng “xầm xì” khi thấy Chúa ở trọ nhà Dakêu. Tuy nhiên, những tiếng “xầm xì” này lại chiếm trọng tâm sâu xa trong Tin Mừng Luca. Thật thế, trong các sách Tin Mừng, động từ này chỉ xuất hiện trong Tin Mừng Luca, và xuất hiện đến ba lần, vì thế, không phải là không có lý do. Lần đầu là ở chương thứ năm khi Chúa Giêsu dùng bữa tại nhà Lêvi. Lần thứ hai là ở chương 15, khi Chúa Giêsu đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với họ. Và lần này là chương 19, ở tại nhà Dakêu. Sự tăng tiến cả về cấp độ và số lượng của những tiếng “xầm xì” cho thấy, đây rõ ràng là dụng ý của thánh sử Luca. Cần nhớ rằng, Giêrikhô là điểm cuối cùng trên hành trình tiến vào Giêrusalem của Chúa Giêsu, nơi cuộc khổ nạn sắp diễn ra. Vì thế, những tiếng xầm xì tựa như ngọn lửa phẫn nộ đang âm ỉ và sẽ bùng cháy mãnh liệt thành ba lần la ó dữ dội cũng của một đám đông ở chương 23 đòi đóng đinh Chúa Giêsu vào thập giá (23, 20-23). Như vậy, những tiếng xầm xì của đám đông dân chúng không phải là một sự tình cờ, mà qua đó, thánh sử Luca nhấn mạnh đến chiều kích sâu xa của lòng thương xót. Thiên Chúa, Đấng không chỉ bước đi với con người trên những nẻo đường đời, nhưng còn gánh lấy tất cả tiếng những xầm xì, nỗi yếu hèn và tội lỗi của con người. Nói cách khác, mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu mang một giá trị vĩnh cửu, chỉ nơi đó, con người mới tìm thấy lòng thương xót vô biên của Chúa Cha (x. GLHTCG 545). Can đảm để cho cái nhìn thương xót của Chúa Giêsu chạm vào cuộc đời, vì thế, là điều phải có cho người môn đệ trên hành trình theo Chúa.

Xin cho cái nhìn thương xót của Chúa Giêsu thấm sâu vào cuộc đời mỗi người, để thay vì phán xét, buộc tội, chúng ta biết nhìn tha nhân bằng cái nhìn thương xót của Chúa. Xin cho những ai đang nản lòng trên hành trình tìm kiếm Thiên Chúa, được vững lòng tin tưởng, bởi biết rằng, trên hành trình đó, chính Thiên Chúa đang say sưa tìm kiếm chúng ta trước.

[/loichua]

Comments are closed.