Thứ Ba Tuần 27 Thường Niên – Ngày 06/10/2020

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: (Lc 10,38-42)”]

Khi ấy Chúa Giê-su vào một làng kia, và có một phụ nữ tên là Mác-ta rước Người vào nhà mình. Bà có người em gái tên là Ma-ri-a ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người. Mác-ta bận rộn với việc thết đãi khách. Bà đứng lại thưa Người rằng : “Lạy Thầy, em con để con hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao. Xin Thầy bảo em con giúp con với”. Nhưng Chúa đáp : “Mác-ta, Mác-ta, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện (quá). Chỉ có một sự cần mà thôi, Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất”.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

ĐÓN CHÚA ĐẾN THĂM

“Chỉ có một sự cần mà thôi, Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất” (Lc 10,42)

Để diễn tả lòng hiếu khách, dân gian Việt Nam thường nói: “Khách đến nhà chẳng gà thì vịt” hay như câu ca dao:

“Năm tiền một khứa cá buôi

Cũng mua cho đặng đãi người khách sang”

Lòng hiếu khách này cũng nét đặc trưng của văn hóa Do Thái, được thể hiện trong bài Tin Mừng hôm nay nơi hai chị em Mác-ta và Ma-ri-a. Khi vị thượng khách Giêsu viếng thăm, chẳng hiểu vì vô tình hay đã sắp xếp trước mà cách đón tiếp của hai người hoàn toàn trái ngược nhau: một bên “động”, một bên “tĩnh”. Trong khi người chị Mác-ta tất bật chuẩn bị bữa ăn thì cô em Ma-ri-a lo tiếp chuyện với Chúa Giêsu. Cả hai bổ túc cho việc đón tiếp tha nhân một cách tuyệt vời, xứng đáng là mẫu gương của lòng hiếu khách. Dầu vậy, trước yêu cầu “lấn sân” của Mác-ta: “Xin Thầy bảo em con giúp con với”, câu trả lời của Chúa Giêsu xem ra khiến người nghe có cảm tưởng rằng thái độ của Chúa Giêsu đối với hai chị em là “bên trọng bên khinh”: “Mác-ta, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện (quá). Chỉ có một sự cần mà thôi, Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất” (Lc 10,42). Thật ra, Chúa Giêsu yêu mến và trân trọng cả hai cách đón tiếp của hai chị em. Ngài không phê bình cách đón tiếp của Mác-ta vì đã không bảo cô dừng công việc bếp núc,nhưng Chúa Giêsu khen ngợi cách làm của Ma-ri-a hơn vì thái độ của cô diễn tả tâm thế của người lắng nghe: lắng nghe để thấu hiểu, để cảm thông và chia sẻ. Đó là điều Chúa Giêsu muốn hơn là những “thức ngon vật lạ”, vì lương thực của Ngài là thi hành ý muốn của Chúa Cha (x. Ga 4, 34).

Chúng ta có thể sánh ví tâm hồn mỗi người như mái nhà Bêtania năm xưa. Nếu khi xưa Chúa Giêsu đã đến thăm gia đình của Mác-ta, Ma-ri-a và La-da-rô, thì hàng ngày Ngài vẫn đến viếng thăm chúng ta qua kinh nguyện, Lời Chúa và Bí tích Thánh Thể, hay chỉ đơn giản qua một người nào đó mà chúng ta quen biết hoặc tình cờ gặp gỡ. Giữa vô vàn những lần viếng thăm ấy, chúng ta đã nghênh đón Chúa với thái độ nào? Thờ ơ lãnh đạm hay nồng nhiệt tươi vui? Do vậy, bài học về lòng hiếu khách của Mác-ta và Ma-ri-a vẫn luôn cần thiết và mang tính hiện sinh: đó là sự chuẩn bị tâm hồn chu đáo và thái độ sẵn sàng lắng nghe. Nhờ những phương thế này, chúng ta có thể mở rộng cánh cửa tâm hồnđón Chúa bất kỳ lúc nào. Một khi có Chúa, tâm hồn chúng ta sẽ dễ dàng mở ra cho tha nhân bằng tình yêu phục vụ và lắng nghe chân thành. Như thế, tâm hồn mỗi người thực sự trở thành mái nhà Bêtania mới, nơi tràn ngập tiếng cười bởi lòng hiếu khách của gia chủ lẫn niềm vui của vị Thượng Khách tối cao.

Xin cho tâm hồn mỗi người chúng ta luôn rộng mở để thấy Chúa đến viếng thăm qua những anh chị em mà chúng ta có dịp gặp gỡ, tiếp xúc hay sống cùng, ngõ hầu chúng ta tỏ lòng hiếu khách như Mác-ta và Ma-ri-a mà tiếp đón tha nhân như chính Chúa.

[/loichua]

Comments are closed.