Khi ấy, Chúa Giêsu nói với những người biệt phái rằng: “Ta ra đi, các ông sẽ tìm kiếm Ta và sẽ chết trong tội của các ông. Nơi Ta đi các ông không thể tới được”.
Người Do-thái nói với nhau rằng: “Ông ta sắp tự vẫn hay sao mà lại nói ‘Nơi Ta đi các ông không thể tới được’?”
Chúa Giêsu nói tiếp: “Các ông thuộc về hạ giới; còn Ta, Ta bởi trời cao. Các ông thuộc về thế gian này; còn Ta, Ta không thuộc về thế gian này. Ta đã nói: Các ông sẽ chết trong tội các ông. Vì, nếu các ông không tin Ta, các ông sẽ chết trong tội của các ông”.
Vậy họ liền hỏi: “Ông là ai?” Chúa Giêsu trả lời: “Là Nguyên thuỷ đang nói với các ông đây! Ta có nhiều điều phải nói và đoán xét về các ông, nhưng Đấng đã sai Ta là Đấng chân thật, và điều Ta nói ra trong thế gian đây, chính là điều Ta đã nghe biết ở Ngài”.
Nhưng họ không hiểu là Người nói về Chúa Cha, vì thế Chúa Giêsu nói: “Khi nào các ông đưa Con Người lên cao, các ông sẽ nhận biết Ta là ai. Ta không tự mình làm điều gì. Điều Ta nói, chính là điều Chúa Cha đã dạy Ta. Đấng đã sai Ta đang ở với Ta; Ngài không để Ta một mình, bởi vì Ta luôn luôn làm điều đẹp lòng Ngài”. Khi Người nói những điều ấy thì có nhiều kẻ tin vào Người.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
TIN VÀO CHÚA GIÊSU ĐẤNG HẰNG HỮU
“Khi Đức Giêsu nói thế, thì có nhiều kẻ tin vào Người” (Ga 8, 30).
1. Chúa Giêsu cớ vấp phạm cho người Do Thái
Những lời cụ già Simêon nói tiên tri về con trẻ Giêsu: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel phải vấp ngã hay được chỗi dậy” (Lc 2, 34b), nay đã ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu. Người Do Thái đã chia làm hai phe sau khi nghe Chúa Giêsu nói sự thật về Ngài, một phe tin vào những lời Chúa Giêsu nói còn phe kia thì không tin. Đối với những người không tin, Chúa Giêsu đã có những lời cảnh báo họ “Thật vậy, nếu các ông không tin là Tôi Hằng Hữu, các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết” (Ga 8, 24b). Có ít nhất hai lý do khiến người Do Thái không tin vào Chúa Giêsu. Thứ nhất, người Do Thái tưởng rằng mình biết rõ nguồn gốc của Chúa Giêsu “Ông này chẳng phải là ông Giêsu, con ông Giuse đó sao? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả” (Ga 6, 42a). Thứ hai, người Do Thái mong đợi Đấng Kitô theo cách thức của họ chứ không như cách thức mà Thiên Chúa muốn “…còn Đấng Kitô, khi Người đến thì chẳng ai biết Người xuất thân từ đâu cả” (Ga 7, 27b). Dẫu sao, Chúa Giêsu vẫn kiên nhẫn đợi chờ và hy vọng người Do Thái có thể hiểu biết sự thật về Ngài khi sự việc xảy ra như Ngài tiên báo “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu” (Ga 8, 28a).
2. Tin vào Chúa Giêsu, Đấng Hằng Hữu
Điều mà Chúa Giêsu mong đợi nơi những người Do Thái xưa thì nay đã được các Kitô hữu đáp lại bằng đức tin. “Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường” (Mt 21, 42b), Chúa Giêsu tử nạn và phục sinh trở thành trung tâm điểm của đức tin Kitô giáo. Người Kitô hữu thực sự tin vào Chúa Giêsu, nếu biết để cho biến cố tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu thực sự chi phối đời sống sinh hoạt hằng ngày của mình. Hệ quả của sự chi phối đó là người tín hữu sẽ thay đổi tận căn, thay vì gắn bó đời mình với những giá trị chóng qua ở đời này, sẽ gắn bó với giá trị bền vững của Tin Mừng; sẽ chuyển từ một cuộc sống xô bồ bên ngoài sang một cuộc sống mới bình an hướng nội; và cuối cùng từ chỗ chỉ biết sống cho mình đến chỗ biết sống quảng đại cho Chúa.
Ta hãy cùng cầu xin Chúa cho mọi Tín hữu trên toàn thế giới, biết trân trọng hồng ân đức tin đã lãnh nhận và làm cho đức tin đó sinh nhiều hoa trái trong cuộc sống . Amen.
[/loichua]