[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Ga 21,20–25 “]
Khi ấy, Phê-rô quay lại, thấy môn đệ Chúa Giê-su yêu mến theo sau, cũng là người nằm sát ngực Chúa trong bữa ăn tối và hỏi “Thưa Thầy, ai là người sẽ nộp Thầy”. Vậy khi thấy môn đệ đó, Phê-rô hỏi Chúa Giê-su rằng : “Còn người này thì sao”. Chúa Giê-su đáp : “Nếu Thầy muốn nó cứ ở lại mãi cho tới khi Thầy đến thì việc gì đến con. Phần con, cứ theo Thầy”. Vì thế, có tiếng đồn trong anh em là môn đệ này sẽ không chết. Nhưng Chúa Giê-su không nói với Phê-rô “Nó sẽ không chết”, mà Người chỉ nói “Nếu Thầy muốn nó cứ ở lại mãi cho tới khi Thầy đến thì việc gì đến con”.
Chính môn đệ này làm chứng về những việc đó và đã viết ra, và chúng tôi biết lời chứng của người ấy xác thật. Còn nhiều việc khác Chúa Giê-su đã làm, nếu chép lại từng việc một thì tôi thiết tưởng cả thế giới cũng không thể chứa hết các sách viết ra.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
CHỨNG NHÂN CHO TÌNH YÊU CHÚA
“Chính môn đệ này làm chứng về những điều đó và đã viết ra. Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực” (Ga 21,24).
Trong tất cả bổn phận của người Kitô hữu, có thể nói làm chứng cho Chúa Kitô là bản chất, là sứ mạng mang tính sống còn của Hội Thánh (x. AG. số 2). Nói cách khác, Hội Thánh hiện hữu là để loan truyền danh Chúa Kitô và Tin Mừng của Người đến cho muôn dân, theo đúng lệnh truyền của Người (x. Mt 28,16-20; Ga 20,19-23). Sứ mạng đó được trao phó cho các Tông đồ và các tín hữu qua bí tích Rửa tội và được kiện toàn nơi bí tích Thêm sức.
Khi nhìn lại lịch sử của Giáo Hội từ những ngày đầu cho đến hôm nay, chúng ta có thể nhận ra trong mỗi thời kì, hay trong từng biến cố thăng trầm của Giáo hội luôn xuất hiện những chứng nhân cho tình yêu Chúa. Qua mỗi thời kì Giáo hội cũng cho thấy có nhiều cách thế để trở nên chứng nhân của Chúa Kitô. Ví dụ, các anh hùng tử đạo, các ngài đã chấp nhận hy sinh thân mình, chấp nhận máu đổ đầu rơi để bảo vệ đức tin của bản thân, cũng như làm chứng cho mọi người về đức tin mà các ngài đã lãnh nhận, như lời của văn sĩ Tertulianô đã nói: “Máu các thánh tử đạo là hạt giống nảy sinh các Kitô hữu”. Cũng có người làm chứng cho Chúa qua việc viết lại những tư tưởng thần học nhằm bảo vệ chân lý đức tin để không bị bóp méo trước những tư tưởng thế tục.
Trong cái nhìn như thế, chúng ta nhìn vào Giáo hội trong những ngày đầu, để cho Tin Mừng của Chúa Kitô được phát triển và lớn lên từng ngày, các tông đồ bằng nhiều phương thế và cách thức khác nhau, người thì chấp nhận tử đạo, người thì bằng kinh nghiệm của mình và ơn Chúa Thánh Thần soi sáng để viết lại cuộc đời của Chúa Giêsu. Tất cả cũng chỉ với ước mong mọi người đều có thể đón nhận Tin Mừng của Chúa Kitô.
Thánh Gioan bằng ngòi bút của mình, với ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, ngài đã để lại cho Giáo Hội sách Tin Mừng thứ tư, cùng ba lá thư và sách Khải Huyền là những kinh nghiệm cá nhân của ngài về Chúa Giêsu. Kinh nghiệm ấy được đan dệt và đúc kết từ những ngày đầu tiên bước theo Chúa Giêsu trên con đường sứ vụ công khai của Chúa, từ những dấu lạ mà Chúa Giêsu đã thực hiện, từ những giáo huấn do Chúa Giêsu đã dạy, và nhất là từ kinh nghiệm của một lần được tựa vào lòng Chúa. Chính những chất liệu ấy đã giúp cho ngài biết định nghĩa như thế nào về một Thiên Chúa, như ngài đã định nghĩa trong thư của ngài: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8). Như thế, qua những trang Tin Mừng và các sách được viết, ngài đã trở thành chứng nhân thường trực trong Hội Thánh cho đến ngày tận thế.
Còn chúng ta thì sao? những người mang trong mình danh hiệu Kitô hữu, chúng ta cũng có bổn phận làm chứng cho Chúa Kitô và mang Tin Mừng đến với những người chưa biết Chúa, hay những người biết Chúa nhưng đang sống trong tình trạng khô khan, hoặc những người đã đón nhận đức tin nhưng nay đã bỏ. Chúng ta chọn cách thế nào để trở nên chứng nhân của Chúa?
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa sai Thánh Thần của Chúa đến và ngự vào lòng mỗi người chúng con để biến chúng con thành khí cụ của tình yêu Chúa. Nhờ ơn Chúa và dưới tác động của Chúa Thánh Thần, chúng con trở nên những chứng nhân thực thụ cho tình yêu Chúa giữa lòng thế giới hôm nay. Amen.
[/loichua]