[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mt 10,17 – 22″]
Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết. Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em. Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
CHỨNG NHÂN TIN MỪNG TRONG CHÚA THÁNH THẦN
“Không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em” (Mt 10,20).
Trong khung cảnh tuần Bát Nhật Giáng Sinh, chúng ta nhớ đến Thánh Tê-pha-nô, Ngài là vị tử đạo đầu tiên của Giáo Hội. Ngài đã dùng cái chết để làm chứng cho niềm tin vào Đức Giêsu Kitô (x. Cv 7,54-59).
Bài Tin Mừng hôm nay nằm trong diễn từ truyền giáo mà Đức Giêsu đã dành cho các môn đệ của Ngài trước khi thi hành sứ vụ (x. Mt 10,5-11,1). Ngài không hứa hẹn cho các môn đệ một hành trình trải đầy hoa hồng nhưng là những thử thách, gian truân. Trước những vấn đề đó, Chúa Giêsu khuyên các môn đệ không được sợ hãi, vì Chúa Thánh Thần hằng hoạt động nơi các ngài (x. Mt 10,20). Qua đó, những bách hại trong tương lai các ông sẽ gặp như một sự minh chứng về niềm tin của các ông về Thầy Giêsu của mình. Đó là dấu chỉ của những chứng nhân Tin Mừng.
Tuy nhiên, làm chứng cho Đức Giêsu là một điều không dễ. Như câu chuyện thánh Tê-pha-nô cho thấy, chỉ có niềm tin vững vàng và một lòng mến sâu sắc vào Chúa Giêsu mới làm cho ngài can đảm minh chứng đức tin của mình. Đồng thời, với ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần, ngài đã nói lên những lời khôn ngoan đến nỗi những người bắt ngài không thể nói lại được (x. Cv 6.7). Đây cũng là điều mà Đức Giêsu đã thấu cảm về sự đồng hành của Chúa Thánh Thần trong sứ vụ của Ngài. Người không bao giờ hiểu biết điều gì mà không nhờ Chúa Thánh Thần. Người đã đi vào sa mạc với Chúa Thánh Thần (x. Mt 4,1tt); Người trở lại trong quyền lực của Chúa Thánh Thần và bắt đầu giảng dạy (x. Lc 4,14); Người đã cầu nguyện và hiến mình cho Chúa Cha “nhờ Thánh Thần hằng hữu” (Dt 9,14). Như thế, vai trò của Chúa Thánh Thần rất quan trọng trong sứ vụ của Đức Giêsu và Ngài đã chia sẻ điều này cho các môn đệ. Đây cũng là điều mà Thánh Phaolô mời gọi tín hữu Galata “Anh em hãy để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn” (Gl 5,18). Bởi chưng, nhiều lúc, chúng ta hoàn toàn thực hiện quyết định của mình và sau đó lại ngang nhiên gán cho Chúa Thánh Thần. Thực tế, Chúa Thánh Thần không tạo ra những điều mới lạ, nhưng Người làm mới mẻ mọi sự.
Ngày nay, chúng ta không được kêu gọi phải tử đạo bằng cách bị đóng đinh trên thập giá hoặc các hình thức tra tấn thể xác vì đức tin Kitô giáo nhưng chúng ta có thể sống tử đạo bằng đời sống chứng nhân. Đó là những sự tử đạo về sự từ bỏ “ý riêng” của bản thân để sống cùng, sống cho, sống với người khác. Điều này được thực hiện bằng tình yêu, niềm tín thác vào Chúa Giêsu với ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần.
Thánh Tê-pha-nô đã bị chống đối. Ngài đã bị khổ đau. Ngài đã thể hiện cuộc sống theo Tin Mừng. Xin Chúa Thánh Thần thắp lên trong chúng ta ngọn lửa của lòng tin, cậy, mến để noi gương thánh nhân can đảm sống và làm chứng cho Chúa Giêsu trong cuộc sống thường ngày, nhất là những thách đố về đức tin.
[/loichua]