Thứ 7 Tuần 6 Phục Sinh – Ngày 23/05/2020

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Ga 16,23b-28″]

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thật, Thầy bảo thật các con: điều gì các con sẽ nhân danh Thầy mà xin Cha, thì Người sẽ ban cho các con. Cho đến bây giờ, các con chưa nhân danh Thầy mà xin điều gì. Hãy xin thì sẽ được, để các con được niềm vui trọn vẹn. Tất cả những điều đó, Thầy đã dùng dụ ngôn mà nói với các con. Ðã đến giờ Thầy sẽ không còn dùng dụ ngôn mà nói nữa, Thầy sẽ loan truyền rõ ràng cho các con về Cha. Ngày đó các con sẽ nhân danh Thầy mà xin, và Thầy không bảo là chính Thầy sẽ xin Cha cho các con đâu. Chính Cha yêu mến các con, bởi vì chúng con yêu mến Thầy và tin rằng Thầy bởi Thiên Chúa mà ra. Thầy bởi Cha mà ra, và đã đến trong thế gian, rồi bây giờ Thầy bỏ thế gian mà về cùng Cha”.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

TÌNH YÊU, MỐI LIÊN HỆ GIỮA THIÊN CHÚA VÀ CON NGƯỜI

“Chính Cha yêu mến các con, bởi vì các con yêu mến Thầy ” (Ga 16,27)

Tình yêu là kinh nghiệm quý giá và thâm sâu nhất nơi con người. Nó trở thành phương thế, ngôn ngữ, lối đường để Thiên Chúa hành động và tỏ lộ. Vì vậy, chúng ta có thể ghi nhận rằng, tình yêu là mối liên hệ sống động giữa Thiên Chúa và con người. Vấn đề đặt ra là: làm sao ta biết được điều này? Thưa, vì Chúa Giêsu đã mạc khải cho các môn đệ: “Chính Cha yêu mến các con, bởi vì các con yêu mến Thầy và tin rằng Thầy bởi Thiên Chúa mà ra” (Ga 16,27).

Trong bài Tin Mừng hôm nay, thuật ngữ “tình yêu” không dừng lại ở mối tương quan trần thế, nhưng là một thực tại sâu sắc giữa Thiên Chúa và con người. Mối liên hệ này có được vì Chúa Giêsu đã trở nên cầu nối giữa vĩnh cửu và thời gian, giữa hữu hình và vô hình. Chính nhờ Người, mầu nhiệm đối thoại giữa Thiên Chúa và con người trở nên thân mật và gần gũi. Từ nay, lời cầu nguyện đích thực của chúng ta được liên kết với Chúa Giêsu, để có thể thưa lên Chúa Cha rằng: “Abba, Cha ơi” (Rm 8,15). Nói cách khác, nhờ được liên kết với Chúa Giêsu, chúng ta bước vào tương quan tình yêu giữa Người với Chúa Cha. Chính điều này tạo nên sự thay đổi tận bên trong, động chạm tới cõi lòng, tới ý nghĩa của cuộc sống con người. Một khi được biến đổi như vậy, lời cầu xin của chúng ta không còn quy hướng về mình nhưng cốt yếu là tìm biết thánh ý Chúa. Nhờ biết thánh ý Ngài và đem ra thực hành, niềm vui của chúng ta sẽ trở nên trọn vẹn.

Nhưng làm sao chúng ta có thể bước vào tương quan tình yêu với Thiên Chúa? Tự bản chất, tình yêu không dừng lại ở một trong hai chiều kích trao ban hay đón nhận, nhưng mang tính hai chiều. Thật vậy, nếu cung lòng Thiên Chúa là tình yêu, sẵn sàng trao ban chính mình, thì tình yêu này cũng cần được đáp trả: “Cha yêu mến các con, bởi vì các con yêu mến Thầy” (Ga 16,27). Tính chất hai chiều nơi tình yêu Thiên Chúa vì thế trở thành khuôn mẫu cho tình yêu nơi con người, nghĩa là một tình yêu mở ra với Chúa và đón nhận Người vào lòng. Đó là mầu nhiệm hiệp thông sâu sắc hai chiều của người đang yêu và được yêu. Tuy nhiên, chúng ta có thật sự yêu mến Chúa hay chưa? Hãy xét lại cõi lòng với xác tín: ai còn lưu giữ những ham muốn tội lỗi, người đó chưa thực sự yêu mến Thiên Chúa vì ý chí đã phản đối tình yêu.

Lạy Chúa, yêu và được yêu là hạnh phúc của cuộc đời chúng con. Xin Chúa giúp chúng con biết cởi mở cõi lòng để tình yêu Chúa ngự trị, đồng thời đáp lại tình yêu Chúa bằng một con tim không chia sẻ. Nhờ đó, cuộc đời chúng con trở thành giai điệu tình yêu bất tận vì được Chúa đón nhận và yêu thương. Amen.

[/loichua]

Comments are closed.