[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 16,9-15″]
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Hãy dùng tiền của gian dối mà mua lấy bạn hữu, để khi mất hết tiền bạc, thì họ sẽ đón tiếp các con vào chốn an nghỉ đời đời. Ai trung tín trong việc nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai gian dối trong việc nhỏ, thì cũng gian dối trong việc lớn. Vậy nếu các con không trung thành trong việc tiền của gian dối, thì ai sẽ giao phó của chân thật cho các con.
Không đầy tớ nào có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó ghét chủ này và mến chủ kia; hoặc phục chủ này và khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được”. Những người biệt phái là những kẻ tham lam, nghe nói tất cả những điều đó, thì nhạo cười Người. Vậy Người bảo các ông rằng: “Chính các ông là những kẻ phô trương mình là công chính trước mặt người ta, nhưng Thiên Chúa biết lòng các ông; bởi chưng điều gì cao sang đối với người ta, thì lại là ghê tởm trước mặt Thiên Chúa”.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
SỬ DỤNG TIỀN CỦA NHƯ CHÚA MUỐN
“Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được” (Lc 16,13).
Tiền của có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của chúng ta. Chúng có thể đáp ứng từ những nhu cầu căn bản của con người như ăn, mặc, ngủ nghỉ… đến nhu cầu tiện nghi của con người. Tuy nhiên, nếu chúng ta sử dụng không khéo léo thì chúng có thể gây nguy hại cho đời sống đức tin của chúng ta. Qua ý hướng này và cùng với nội dung đoạn Tin Mừng cộng đoàn vừa lắng nghe xin gợi lên chủ đề suy niệm: sử dụng tiền của như chúa muốn.
Trong Tin Mừng, chúng ta bắt gặp nhiều đoạn Chúa Giêsu nói đến sự giàu có. Với Đức Giêsu, tiền của không phải là một điều xấu nhưng nó có thể ngăn cản con người trước lời mời gọi của Thiên Chúa, ngăn cản con người đạt tới hạnh phúc Nước Trời. Chuyện người thanh niên giàu có buồn rầu bỏ đi trước lời mời gọi của Đức Giêsu (x. Mt 19, 16-22) và câu nói “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao! Quả vậy, con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa” (Lc 18,24) là ví dụ điển hình. Chúa cũng dạy chúng ta về cách sử dụng tiền của sao cho đẹp lòng Thiên Chúa. Người dạy chúng ta đừng chỉ nghĩ đến việc tích trữ tiền của nhưng hãy biết sử dụng tiền của cách trung tín để mang lại ích lợi thiêng liêng, nghĩa là sử dụng để tìm kiếm Nước Trời.
Ngày hôm nay, chúng ta đang sống trong một thời đại và bối cảnh xã hội mà sự giàu có luôn được đề cao và xem trọng. Những quảng cáo mời gọi chúng ta tìm kiếm một cuộc sống tiện nghi, sung túc. Tuy nhiên, chúng ta nhận thấy rằng bên cạnh sự giàu có vẫn có sự nghèo đói, bên cạnh sự tiện nghi, sung túc vẫn còn sự thiếu thốn, cùng cực. Cuộc sống đầy đủ, tiện nghi là điều rất nhiều người mong muốn và kiếm tìm. Tuy nhiên, điều này có thể trở thành nguy cơ gây hại cho tâm hồn, cho đức tin chúng ta nếu chúng ta đặt chúng trở thành điều quan trọng nhất trong cuộc đời mình mà quên mất Chúa, quên mất những điều Chúa dạy, thờ ơ trước những bất hạnh của tha nhân và gạt bỏ đi những giá trị luân lý tốt đẹp. Trong niềm tin, chúng ta ý thức mình chỉ là những người quản lý tiền của, chính Thiên Chúa mới là người chủ đích thực. Tiền của vật chất là những thứ Thiên Chúa ban cho để chúng ta mưu ích cho phần rỗi của mình và của người khác. Chúng ta đừng để mình trở thành những kẻ nô lệ cho tiền của nhưng hãy trở thành những người quản lý trung tín của Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa giúp chúng con hiểu được ý nghĩa đích thực của tiền của và trở thành một người quản lý trung tín của Chúa luôn sẵn lòng giúp đỡ những người đang lâm cảnh túng thiếu, bần cùng. Đồng thời, xin Chúa ban cho những người đói nghèo trên thế giới có được lương thực hằng ngày để đừng vì sự thiếu thốn mà họ sống xa rời Chúa. Amen.
[/loichua]