Thứ 7 Tuần 3 Mùa Chay – Ngày 21/03/2020

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 18,9-14″]

Khi ấy, Chúa Giêsu nói dụ ngôn sau đây với những người hay tự hào mình là người công chính và hay khinh bỉ kẻ khác: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người biệt phái, một người thu thuế. Người biệt phái đứng thẳng, cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa, tôi cảm tạ Chúa vì tôi không như các người khác: tham lam, bất công, ngoại tình, hay là như tên thu thuế kia; tôi ăn chay mỗi tuần hai lần, và dâng một phần mười tất cả các hoa lợi của tôi”.

Người thu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực mà nguyện rằng: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội”. Ta bảo các ngươi: người này ra về được khỏi tội, còn người kia thì không. Vì tất cả những ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống; và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

AI NGON HƠN AI?

“Những ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống; và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên” (Lc 18,14).

Mỗi ngày cuộc sống qua đi là mỗi ngày con người vươn mình đến những khát vọng, những hoài bão. Có những hoài bão là giàu sang phú quý, buôn may bán đắt, học hành hành thi cử điểm tốt; có những ước mơ chỉ đơn giản là có chén cơm manh áo, có giây phút bình an, hoặc tệ hơn, có những ước mơ là chẳng có ước mơ gì cả, cuộc sống sao nó vậy, nó trôi sao để vậy, ..v.v. Dẫu là hoài bão gì, ước mơ ra sao, điều quan trọng là con người phải biết chân nhận về bản thân cách thực sự. Sự chân nhận đó để có thể biết mình ở đâu, và sẽ phải làm gì cho tương lai cách hiệu quả.

Bài Tin Mừng hôm nay như một bài học nhắc nhở chúng ta chân nhận về bản thân cách đích thực. Đức Giêsu kể ra một câu chuyện lên đền thờ cầu nguyện với hai hình ảnh trái ngược nhau. Đó là một kinh sư vị vọng, hiên ngang đứng thẳng giữa trung tâm thánh điện, ông cầu nguyện với một thái độ rất tự tin, tự hào nêu bật những thành tích: “Lạy Chúa, tôi cảm tạ Chúa vì tôi không như các người khác: tham lam, bất công, ngoại tình, hay là như tên thu thuế kia; tôi ăn chay mỗi tuần hai lần, và dâng một phần mười tất cả các hoa lợi của tôi”. Hình ảnh thứ hai là một người thu thuế, đứng góc đền thờ, khum người trong sự xấu hổ bẽ bàng, cùng sự thống hối từ con tim: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội”. Ông kinh sư, trong mắt thiên hạ, là người chuẩn không cần chỉnh, chính vì thế ông tưởng mình ngon. Người thu thuế, trong mắt thiên hạ, là tội đồ dân tộc “mê tiền bỏ dân tộc”, là kẻ đáng khinh bỉ. Nhưng “Thiên Chúa biết lòng con người” (Ga 2,25), đã là phận người chẳng ai là toàn vẹn, chỉ hơn nhau ở chỗ ai biết chân nhận về mình, phó thác cậy trông nơi lòng thương xót Chúa – Đấng ghét tội nhưng yêu thương tội nhân. Chính từ sự chân nhận, khiêm tốn thẳm sâu về mình để van xin lòng thương xót của Chúa, người thu thuế đã được bình an ra đi; người còn lại, ông kinh sư ra về mà chẳng hết tội của mình.

Nhìn lại cuộc sống của chúng ta, chúng ta đang sống theo phong cách nào trong hai hình ảnh của câu chuyện này? Khi được thành công, chúng ta có bao giờ tự hỏi: Từ đâu mà tôi được như thế? Chúa không ban cho tôi khối óc suy luận, thân thể khỏe mạnh, những điều kiện thuận lợi, tôi có thành công được như vậy không? Hay tất cả mọi thành công là do tài năng của chính tôi? Tôi xứng đáng với những cố gắng của mình?

Lúc gặp thất bại giữa dòng đời, chúng ta có chạy đến lòng thương xót Chúa, cầu nguyện với Ngài để Ngài thêm sức cho ta vượt qua cơn thử thách này? Hay chúng ta lao vào những trụy lạc để tìm quên những trống vắng tâm hồn?

Dù như thế nào, hãy hỏi: Chúa có đang trong cuộc đời tôi không? Hay tôi đang giấu Ngài ở đâu? Sự khiêm tốn thực sự là nhận biết thực sự về mình.

Lạy Chúa, xin cho mỗi chúng con luôn biết chân nhận về bản thân mình, để từ đó, chúng con tin tưởng phó thác trọn vẹn đời sống chúng con nơi Chúa. Amen.

[/loichua]

Comments are closed.