[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 10, 13-16″]
“Khốn cho ngươi, hỡi Kho-ra-din! Khốn cho ngươi, hỡi Bết-xai-đa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xi-đôn, thì từ lâu họ đã mặc áo vải thô, ngồi trên tro tỏ lòng sám hối rồi. Vì thế, trong cuộc Phán Xét, Tia và Xi-đôn sẽ được xử khoan hồng hơn các ngươi. Còn ngươi nữa, hỡi Ca-phác-na-um, ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư? Không, ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ!” “Ai nghe anh em là nghe Thầy; và ai khước từ anh em là khước từ Thầy; mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy.” “Hãy mừng vì tên anh em được ghi trên trời”.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
THỨ 6 TUẦN 26 THƯỜNG NIÊN
“Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15, 12). Giới răn này của Chúa Giêsu dường như đã bị quên lãng và thay vào đó là một lối sống vô cảm, tức là thái độ dửng dưng, lãnh đạm với những người xung quanh. Người ta vô cảm đến nỗi mạo danh là người thân tộc để chiếm đoạt tiền tương trợ của cộng đồng dành cho một trẻ thơ, khi cha mẹ em vừa mới qua đời trong một vụ tai nạn. Cũng vì vô cảm mà một số y bác sĩ đã từ chối cứu chữa bệnh nhân, khi họ không đủ khả năng để chi trả. Việc cắt xén tiền trợ cấp của đồng bào lũ lụt, hay việc “rút ruột” các công trình công cộng cũng là những “triệu chứng” của căn bệnh vô cảm này. Như thế, lối sống vô cảm đôi lúc cũng hàm chứa cả sự vô tâm và tàn nhẫn. Những hành động ấy đáng bị lên án.
Tin mừng hôm nay không cho ta biết người dân của các thành Khô-ra-din, Bết-xai-đa và Ca-phác-na-um đã nói hay hành động những gì khiến họ phải nhận lấy lời nguyền rủa: “Khốn cho ngươi”. Phải chăng họ đang chịu một nỗi oan ức nào đó? Ta biết rằng, bên cạnh các tội được sinh ra từ những hành động, còn có những thứ tội là con đẻ của sự thụ động. Thật vậy, tội của Khô-ra-din, Bết-xai-đa cũng như của Ca-phác-na-um chính là sự vô cảm, dưng dưng và lãnh đạm trước tình thương và ân sủng của Thiên Chúa dành cho họ; tội còn nằm ở việc họ đã giả điếc làm ngơ trước lời mời gọi sám hối trở về. Như thế, “Khốn cho ngươi” không phát xuất từ sự giận dữ nhưng đúng hơn nó diễn tả một sự tiếc nuối của Chúa Giêsu khi thấy trước số phận của các thành này.
Sự vô cảm tâm linh, một thực trạng tưởng chừng như chỉ thấy nơi những người xưng mình là vô thần, nhưng lại tồn tại cả nơi các kitô hữu. Sự vô cảm ấy thể hiện qua việc thờ ơ trước những đòi hỏi của lương tâm luân lý, dẫn đến tình trạng mất cảm thức về tội, không biết xót thương trước những khổ đau của đồng loại. Việc chối bỏ hay dửng dưng với Thiên Chúa và tình thương của Ngài trở thành bình thường, và tạo nên một nếp sống sai lệch nơi một số người tín hữu. Khi trở nên vô cảm với Thiên Chúa, người ta dễ rơi vào tình trạng lãnh đạm với tha nhân. Phải chăng tôi là một trong những số đó?
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết nhạy cảm trước tình thương và huấn lệnh của Chúa, nhạy cảm với những thúc đẩy của lương tâm, nhạy cảm với những dấu chỉ của thời đại, để chúng con có thể nhận ra và thực thi điều Chúa muốn, ngõ hầu xứng đáng nhận được phúc lành của Chúa. Amen
[/loichua]