[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mc 16,15-18″]
Một hôm, Đức Giê-su tỏ mình ra cho Nhóm Mười Một và nói: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.”
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
BỪNG TỈNH ĐỂ NÊN THÁNH
“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15).
Trong tác phẩm Đường Hy Vọng, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận có trích lại một câu nói được viết trên cửa của một Tu viện: “Không có một thánh nhân nào lại không có quá khứ, và không có một tội nhân nào lại không có tương lai”. Ý tưởng này thật đúng khi chúng ta nhìn ngược về cuộc đời của Thánh Phaolô, người được mệnh danh là vị “Tông Đồ dân ngoại” cũng đã có một quá khứ đầy hãi hùng. Tuy nhiên, ngài đã trải qua một cuộc bừng tỉnh thiêng liêng nhờ ánh sáng chói loà của Thiên Chúa. Cuộc bừng tỉnh đã đưa ngài bước qua ranh giới giữa quá khứ của một tội nhân để bước vào tương lai của một vị thánh.
Sẽ thật ngây thơ nếu chúng ta nghĩ rằng cuộc bừng tỉnh của thánh nhân là cuộc hoán cải dễ dàng, trái lại đó là một cuộc hoán cải đầy cam go. Ngài đã phải đau khổ nhiều, vì lúc bấy giờ còn nhiều Kitô hữu chưa dám tin Ngài. Hơn nữa, đồng bào Do Thái lại xem ngài là kẻ phản bội với Đạo của cha ông. Tuy nhiên, ngài đã chẳng khước từ, trái lại còn can đảm chân nhận quá khứ của chính mình. Một quá khứ mà theo nhiều người Kitô hữu nghĩ rằng đó là quá khứ đầy tội lỗi: đã bắt bớ các Kitô hữu, không ngần ngại giết kẻ theo Đạo, đã đóng xiềng và tống ngục cả đàn ông lẫn đàn bà (x. Cv 22,4). Thế nhưng, ngài đã để cho lòng thương xót của Chúa phủ lấp muôn vàn tội lỗi của mình.
Nhờ cuộc bừng tỉnh, thánh nhân không chỉ nhận ra những sai lầm trong quá khứ; mà hơn hết, là nhận ra thánh ý Thiên Chúa qua lời của ông Khanania – vị đại diện của Hội thánh: “Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã chọn anh để anh được biết ý muốn của Người, được thấy Đấng Công Chính và nghe tiếng từ miệng Đấng ấy phán” (Cv 1, 14). Kể từ đó, thánh nhân đã luôn ấp ủ trong mình sứ mệnh làm chứng cho Đức Kitô trước mặt mọi người: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15). Ngài đã gắng công để nên công chính, cũng là nên thánh không phải nhờ lề luật như trước kia nhưng nhờ tin vào Tin Mừng mà ngài loan báo.
Nhìn lại cuộc đời của thánh Phaolô, có lẽ nhiều người trong chúng ta thở phào nhẹ nhõm vì nghĩ rằng tôi đâu có quá khứ đẫy hãi hùng như thánh nhân. Tôi đâu có bắt bớ Chúa. Tôi đâu có xiềng xích anh em mình. Tôi đâu có bắt trói ai thậm tệ. Thế nhưng khi nhìn lại đời tôi, dù tôi không bắt bớ Chúa nhưng lại bắt ép Chúa phải theo ý tôi. Tôi không xiềng xích anh em tôi nhưng lại gông cùm họ trong định kiến của tôi. Tôi không bắt trói ai nhưng lại giết chết tương lai của họ bằng lời chỉ trích của mình.
Phải chăng tôi đã bừng tỉnh hay vẫn ngủ say trong định kiến của quá khứ, an phận với hiện tại và quên mất tương lai của mỗi người sẽ là một vị thánh? Không ai có thể cấm chúng ta trở nên một vị thánh vì Thiên Chúa đã kêu gọi tất cả “Hãy nên thánh” (Lv 11,44). Trong ngày cuối của tuần lễ cầu cho các Kitô hữu hiệp nhất, Giáo Hội mời gọi các Kitô hữu hãy hướng đến tương lai “Tất cả nên một” trong Thiên Chúa – Đấng Chí Thánh. Nên một trong Chúa cũng là nên thánh trong Người.
Lạy Chúa Cha từ ái, xin ban cho tâm hồn mỗi người chúng con được tràn ngập ánh sáng của Chúa Giêsu Kitô, nhờ đó mỗi người chúng con sẽ được bừng tỉnh để nhận ra rằng chúng con đều được kêu gọi để nên thánh, cũng là nên một trong Ngài. Amen.
[/loichua]