Thứ 5 Tuần I Thường Niên – Ngày 16/02/2020

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mc 1,40-45″]

Khi ấy, có một người bệnh cùi đến van xin Chúa Giêsu và quỳ xuống thưa Người rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch”. Ðộng lòng thương, Chúa Giêsu giơ tay đặt trên người ấy và nói: “Ta muốn, anh hãy khỏi bệnh”. Tức thì bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch. Nhưng Người nghiêm nghị bảo anh đi ngay và dặn rằng: “Anh hãy ý tứ đừng nói gì cho ai biết, một hãy đi trình diện cùng trưởng tế và dâng của lễ theo luật Môsê, để minh chứng mình đã được khỏi bệnh”. Nhưng đi khỏi, người ấy liền cao rao và loan truyền tin đó, nên Chúa Giêsu không thể công khai vào thành nào được. Người dừng lại ở ngoài thành, trong những nơi vắng vẻ, và người ta từ khắp nơi tuôn đến cùng Người.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

CÁI CHẠM CỦA CHÚA GIÊSU

“Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi!” (Mc 1,41).

Phong cùi là căn bệnh làm viêm da, lỡ loét, dần cụt đốt ngón tay chân và hay lây. Theo Luật Môsê, người mắc bệnh này phải tự trình báo với các tư tế và tách khỏi cộng đoàn, rời bỏ gia đình, sống tách biệt, ở nơi hoang vắng. Người phong cùi bị coi là ô uế, là hậu quả của tội lỗi, là hình phạt của Thiên Chúa. Luật cấm người khỏe mạnh tiếp xúc đụng chạm với người phong. Trong bài Tin Mừng, người phong cùi đến gần Chúa Giêsu và Chúa Giêsu đụng chạm vào người phong vì: “Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: ‘Tôi muốn, anh sạch đi!’”.

Sự đụng chạm không chỉ mang nghĩa là không có khoảng cách, là tiếp xúc, nhưng hơn nữa còn là sự tác động, ảnh hưởng. Trong khi đồng bào Do Thái trốn chạy, anh chị em xa lánh, bố mẹ chỉ đứng nhìn từ xa, thậm tệ hơn nữa là những kẻ xa lạ ném đá đuổi người đáng thương ra xa để tránh mang tiếng bị ô uế; thì ngược lại, Chúa Giêsu tạo nên một sự khác biệt, người gần gũi, đụng chạm, tác động để biểu lộ tình thương. Tình thương của Chúa Giêsu là sự rung động tự nhiên đi đến hành động đụng chạm chữa lành cho kẻ đáng thương. Quả thế, cái đụng chạm của Thiên Chúa được thể hiện dọc dài trong lịch sử và trong Kinh Thánh. Sách Sáng Thế kể về Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh Ngài. Ngài đã đụng chạm đến con người. Trong Lời tựa của Tin Mừng thứ tư, thánh Gioan viết: “Ngôi Lời đã làm Người và ở giữa chúng ta” để gần gũi, chia sẻ trọn vẹn thân phận với con người. Thánh Mátthêu cho thấy Chúa Giêsu đụng vào tay bà mẹ vợ ông Phêrô và cơn sốt chấm dứt. Trước cảnh Ngài hiển dung, Chúa chạm vào các tông đồ trong cơn kinh hoàng thì họ không còn sợ hãi. Trong Tin Mừng Luca, người đàn bà bị băng huyết đụng vào Chúa thì tức khắc liền được khỏi bệnh. Với thánh Máccô, cái đụng chạm bằng tình thương của Chúa Giêsu vào người phong không dừng lại ở chỗ đồng cảm, chữa lành kéo ra khỏi tình trạng đáng thương mà hơn nữa còn tiếp tục cứu độ đưa người phong đi vào hưởng tình trạng hạnh phúc. Vì thế, cái đụng chạm của Chúa Giêsu không chỉ là tiếp nối tạo dựng, gần gũi tiếp xúc, chữa lành thể lý mà hơn nữa là đưa con người đi vào tình trạng hạnh phúc trong Thiên Chúa. Chắc hẳn đó là một sự đụng chạm mà tai chưa hề nghe, mắt chưa hề thấy và lòng người chưa hề tưởng nghĩ đến bao giờ. Như thế, do lòng nhân hậu, Thiên Chúa tự ý tạo dựng con người thì cũng do tình thương, Thiên Chúa cho con người được thông phần sự sống hạnh phúc của Thiên Chúa.

Ước gì mỗi người Kitô hữu hôm nay luôn khát khao và được cảm nhận sự đụng chạm của Chúa nơi các biến cố trong đời mình, nhất là qua bí tích Hòa giải và cách sâu xa nơi bí tích Thánh Thể. Nhờ đó, mỗi người Kitô hữu hạnh phúc ra đi đụng chạm vào người khác bằng cách bày tỏ Tin Mừng tình thương của Thiên Chúa cho họ.

Xin Chúa đụng chạm vào thân xác, tâm hồn và cả cuộc đời chúng con như Chúa đã đụng chạm vào anh phong cùi để từ năng lực chữa lành đó, chúng con dám đụng chạm vào người bị xa lánh bằng tình thương cứu độ của Chúa. Amen.

[/loichua]

Comments are closed.