Thứ 5 Tuần 6 Thường Niên – Ngày 20/02/2020

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mc 8,27-33″]

Khi ấy, Chúa Giê-su cùng các môn đệ đi về phía những làng nhỏ miền Xê-da-rê thuộc quyền Phi-líp-phê. Dọc đường, Người hỏi các ông rằng: “Người ta bảo Thầy là ai”. Các ông đáp lại rằng: “Thưa là Gio-an Tẩy Giả. Một số bảo là Ê-li-a, một số khác lại cho là một trong các vị tiên tri”. Bấy giờ Người hỏi: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai”. Phê-rô lên tiếng đáp: “Thầy là Ðấng Ki-tô”. Người liền nghiêm cấm các ông không được nói về Người với ai cả. Và Người bắt đầu dạy các ông biết Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại. Người công khai tuyên bố các điều đó. Bấy giờ Phê-rô kéo Người lui ra mà can trách Người. Nhưng Người quay lại nhìn các môn đệ và quở trách Phê-rô rằng: “Sa-tan, hãy lui đi, vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người”.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

ĐỨC GIÊSU LÀ AI?

“Người ta bảo Thầy là ai?… Còn các con, các con bảo Thầy là ai?” (Mc 8,27.29).

Bạn có lần nào nghe được câu hỏi từ một người ngoại giáo về Đức Giêsu – Ngài là ai chưa? Một câu hỏi đặt ra cho chính chúng ta, những người tự xưng mình là Kitô hữu. Chúa Giêsu sau một hành trình dài rao giảng Tin mừng, Người muốn biết được các môn đệ biết được gì về Mình. Và Người là ai trong cuộc sống của họ.

Chúa Giêsu khởi đi từ chính những nhận xét mà người dân thời đó dành cho mình. Các câu trả lời của người dân cho thấy vai trò và sứ mạng của Chúa Giêsu trong cuộc đời của họ. Người ta cho rằng Đức Giêsu là một vĩ nhân, là Gioan Tẩy giả đã sống lại… hay kẻ khác lại cho là ngôn sứ Êlia, kẻ phải đến liền trước Đấng Mêsia. Người được coi như là “phát ngôn viên của Thiên Chúa”. Đó chính là những nhận định mà người đương thời nói về Chúa Giêsu. Còn các đồ đệ thì sao, Chúa Giêsu đã trực tiếp hỏi các ông: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?” (Mc 8,29). Một câu hỏi muốn người trả lời nói lên chính cảm nhận của mình. Nó không phải chỉ là một câu trả lời của tri thức hay hiểu biết về Chúa, nhưng đúng hơn là một kinh nghiệm sống với Chúa trong đời sống của các ông “chính các con”. Thánh Phêrô đã đại diện cho anh em nói lên xác tín của mình. Tuy nhiên, xác tín này lại là ân ban đến từ Thiên Chúa “vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều đó nhưng là Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 16,17). Thánh nhân nói đúng về Thầy Giêsu, nhưng hình ảnh của ngài về Thầy vẫn không khác với quan niệm thông thường của đám đông dân chúng: một Đức Kitô oai phong lẫm liệt, không hề biết đến thất bại. Do vậy mà khi Chúa Giêsu loan báo về cuộc thương khó của mình thánh nhân lại ước mong điều đó không xảy đến. Chúa Giêsu đã thẳng thắn nói lên suy nghĩ sai lầm này: “Ngươi không biết việc Thiên Chúa mà chỉ biết việc loài người” (Mc 8,33).

Sứ mạng của Đức Kitô đến trần gian chính là chu toàn thánh ý Chúa Cha. Điều đó được thể hiện trọn vẹn trong toàn bộ đời sống của Người. Một cuộc đời luôn là để cho ý Cha được thể hiện. Chính qua mầu nhiệm tử nạn và phục sinh, Chúa Giêsu đã cho thấy tình yêu của Người với Chúa Cha cách tròn đầy. Do đó, Người luôn đi con đường Chúa Cha muốn mình đi, dẫu có muôn vàn đau khổ và thử thách đang rình chờ. Vì chưng, đường lối của Thiên Chúa thì vượt trên những tính toán khôn ngoan nhân loại. “Bởi vì sự điên rồ của Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn loài người, và sự yếu đuối của Thiên Chúa thì mạnh mẽ hơn loài người.” (1Cr 1,25)

Chúa Giêsu đã cho các môn đệ và chính mỗi người chúng ta một câu trả lời cách đầy đủ và chính xác về Danh tính của Người. Câu trả lời đó được đáp lại không phải chỉ bằng những lời tuyên xưng nhưng hơn hết chính là một kinh nghiệm của những người đã bước theo Đức Giêsu. Từ bỏ chính mình là điều kiện tiên quyết, để người môn đệ có thể gánh vác sứ mạng của Đức Giêsu. Chính khi đó, chúng ta dù là giáo sĩ, tu sĩ hay giáo dân, già hay trẻ, trí thức hay ít học cũng có thể nói cho mọi người biết Đức Giêsu là ai bằng chính cuộc đời của mình.

Lạy Chúa, xin Chúa giúp chúng con thanh tẩy tội lỗi của mình, để chúng con thoát khỏi những tự mãn trong các nhân đức và những công trạng mình đã lập được. Hầu hình ảnh của Chúa Giêsu mỗi ngày được tỏ hiện cụ thể trong cuộc đời chúng con.

[/loichua]

Comments are closed.