[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 11,47-54″]
Khi ấy, Chúa phán: “Khốn cho các ngươi! Hỡi những người xây cất mồ mả các tiên tri, mà tổ phụ các ngươi đã giết chết. Thật, các ngươi làm chứng và tán thành những hành động của tổ phụ các ngươi: vì thực ra họ đã giết các vị tiên tri, còn các ngươi thì xây mồ mả cho họ. Bởi đó mà sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa đã nói: Ta sẽ sai đến với chúng các tiên tri và các tông đồ, trong số các vị đó, người thì chúng giết đi, người thì chúng bách hại, khiến cho dòng giống này sẽ bị đòi nợ máu của tất cả các tiên tri đã đổ ra từ lúc tạo thành vũ trụ, kể từ máu của Abel cho đến máu của Giacaria, người đã bị sát hại giữa bàn thờ và thánh điện. Phải, Ta bảo các ngươi, dòng giống này sẽ bị đòi nợ máu. Khốn cho các ngươi! Hỡi những tiến sĩ luật, vì các ngươi cất giữ chìa khoá sự hiểu biết. Chính các ngươi đã không được vào, mà những người muốn vào, các ngươi đã ngăn cản họ lại”.
Khi người phán bảo cùng các biệt phái và tiến sĩ luật những lời đó, thì họ bắt đầu oán ghét Người một cách ghê gớm, và chất vấn Người về nhiều vấn đề, cố gài bẫy Người để may ra bắt bẻ được lời gì do miệng Người thốt ra chăng.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
SỰ GIẢ HÌNH, MỘT CHƯỚNG NGẠI TRÊN ĐƯỜNG ĐƯA ĐẾN ƠN CỨU ĐỘ
“Khi người phán bảo cùng các biệt phái và tiến sĩ luật những lời đó, thì họ bắt đầu oán ghét Người một cách ghê gớm, và chất vấn Người về nhiều vấn đề, cố gài bẫy Người để may ra bắt bẻ được lời gì do miệng Người thốt ra chăng” (Lc 11,53-54).
Điều cốt yếu trong Tin Mừng Chúa Giêsu là lời mời gọi tội nhân hoán cải (x. Lc 5,32). Tuy nhiên, sứ điệp hoán cải ấy đã gặp phải một chướng ngại rất lớn là tính tự mãn của con người dưới nhiều hình thức, từ việc dính bén với của cải (x. Mc 10,21-25) cho tới sự kiêu căng của giới lãnh đạo tôn giáo (x. Lc 18,9). Thế nên, Đức Giêsu đôi khi phải dùng những lời lẽ hết sức nghiêm khắc để phá đổ chướng ngại đó hầu con người có thể bước đi trên đường đưa đến Ơn Cứu Độ.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, bằng một giọng điệu hết sức cứng cỏi, Đức Giêsu tiếp tục tố cáo những tội giả hình của các tiến sĩ luật. Người tố cáo họ về tội giết các ngôn sứ và cất giữ chìa khóa mở cửa Nước Trời. Mặc dù là những lời hết sức nghiêm khắc, nhưng đàng sau đó Đức Giêsu chỉ mong muốn những người Pharisiêu và các tiến sĩ luật mở rộng cõi lòng để đón nhận lời mời gọi hoán cải của Người. Thế nhưng, họ chẳng những không ăn năn sám hối mà còn để cho mình lún sâu hơn trong vũng lầy của sự căm giận và thù ghét Người.
Thái độ của những người Pharisiêu và các tiến sĩ luật chứng tỏ rằng lối sống giả hình thật sự là một chướng ngại trên đường đưa đến Ơn Cứu Độ. Tại sao vậy? Thưa, vì sự giả hình đã kéo theo sự cứng lòng tin. Quả thật, khi người ta núp dưới mặt nạ công chính dựa trên lề luật cốt để mọi người ca tụng, thì họ sẽ không sống nó trong tâm hồn. Và tất nhiên, họ sẽ bịt tai giả điếc trước mọi lời kêu gọi hoán cải. Sự cứng lòng đó lớn đến nỗi Đức Giêsu đã phải thốt lên những lời hết sức bi đát: “Giêrusalem, Giêrusalem! Ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi! Đã bao lần Ta muốn tập họp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu. Thì này, nhà các ngươi sẽ bị bỏ mặt cho các ngươi…” (Lc 13,34-35).
Những lời khiển trách của Đức Giêsu đối với giới lãnh đạo tôn giáo Do Thái thời bấy giờ cũng chính là lời cảnh tỉnh đối với chúng ta hôm nay. Là Kitô hữu, chúng ta cũng có nguy cơ trở thành giả hình, vì thực chất, căn rễ của sự giả hình chính là sự kiêu ngạo. Vậy làm sao để chúng ta có thể vượt qua được chướng ngại này? Đức Giêsu đã trả lời cho chúng ta rằng: “Nếu anh em không trở nên giống trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18,3). Quả vậy, chính Đức Giêsu đã hạ mình xuống tận đáy của phận người để vạch ra con đường đưa đến Ơn Cứu Độ. Thế nên, chúng ta cũng phải mang tâm tình đó để đến với Người. Khi một người có tâm tình khiêm tốn thật sự họ sẽ luôn nhận thấy những giới hạn của mình và để cho ân sủng của Thiên Chúa hoạt động trong họ và ân sủng Chúa sẽ không ra vô hiệu nơi họ. Thánh Augustinô mới quả quyết rằng: “Nếu bạn hỏi tôi con đường nào đến với Thiên Chúa, tôi sẽ bảo bạn đường thứ nhất là khiêm nhường, đường thứ hai là khiêm nhường, đường thứ ba là khiêm nhường”.
Lạy Chúa Giêsu, tâm tình của thánh Augustinô năm xưa cũng là tâm tình của chúng con lúc này: “Khi tạo dựng nên con, Chúa không cần con, nhưng để cứu độ con, Chúa cần con cộng tác”. Xin Chúa giúp chúng con luôn biết hạ mình dưới cánh tay toàn năng của Chúa, để Chúa dẫn chúng con đi trên con đường đưa đến Ơn Cứu Độ. Vì chúng con xác tín rằng: “Chúa tuy thật cao cả, nhưng vẫn nhìn đến kẻ thấp hèn” (Tv 138,6). Amen.
[/loichua]