Thứ 5 Tuần 11 Thường Niên – Ngày 20/06/2019

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mt 6,7-15″]

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Khi cầu nguyện, các con đừng nhiều lời như dân ngoại: họ nghĩ là phải nói nhiều mới được chấp nhận. Ðừng làm như họ, vì Cha các con biết rõ điều các con cần, ngay cả trước khi các con xin. Vậy các con hãy cầu nguyện như thế này:

‘Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con, như chúng tôi cũng tha kẻ có nợ chúng con, xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen’.

Vì nếu các con có tha thứ cho người ta những lầm lỗi của họ, thì Cha các con, Ðấng ngự trên trời, mới tha thứ cho các con. Nếu các con không tha thứ cho người ta, thì Cha các con cũng chẳng tha thứ lỗi lầm cho các con”.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

ĐẾN VỚI CHA

“Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời” (Mt 6, 9).

Ai sinh ra trong cuộc đời này cũng đều có cha có mẹ, mỗi khi nói đến tình cha nghĩa mẹ là chúng ta lại cảm thấy xúc động thương yêu. Người ta thường bảo cha mẹ là món quà Thượng Đế ban tặng cho con người để con người cảm nghiệm được một chút tình Ngài thương chúng ta. Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta cách cầu nguyện bằng việc dẫn chúng ta vào mối tương quan thân tình cha – con.

Chúa Giêsu đã dạy chúng ta thân thưa với Thiên Chúa một cách thân thương và gần gũi: “Lạy Cha chúng con ở trên trời”. Người Do Thái ít ai sử dụng từ Cha (Abba) để gọi Thiên Chúa vì họ sợ xúc phạm đến sự thánh thiêng siêu việt của Chúa. Chỉ có Chúa Giêsu dạy các môn đệ gọi Thiên Chúa là Cha và Abba trở thành một biệt từ mà người Kitô hữu dùng để gọi Thiên Chúa một cách thân mật.

Chính trong tương quan Cha – Con thân tình, Chúa Giêsu đã xóa đi khoảng cách giữa Thiên Chúa và loài người. Một Thiên Chúa siêu việt, cao vời, xa xôi nay đến rất gần con người trong một tương quan thân mật phụ – tử. Con người từ nay được phép gọi Chúa là Cha nên Ngài không còn xa lạ và khủng khiếp với chúng ta nữa mà Người trở nên gần gũi như một người Cha trong gia đình nhờ Đức Giêsu. Bởi trong gia đình còn từ nào diễn tả được tình thân, sự ấm áp, hạnh phúc và uy quyền bằng từ Cha. Đối tượng mà chúng ta cầu nguyện giờ đây là một người Cha luôn lắng nghe, che chở và yêu thương con cái, một người Cha mà đến cả những sợi tóc trên đầu chúng ta, Ngài cũng đã đếm cả rồi, một người Cha mà đã biết trước những nhu cầu của con cái trước khi nó xin.

Khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta đang đối diện với một người Cha đầy lòng xót thương, thấu cảm hết được những nỗi đau, nỗi khó khăn, nỗi khốn cùng mà chúng ta đang gặp phải. Bởi thế, chúng ta không phải sợ hãi khi đối diện với Ngài và chúng ta cũng không cần phải “lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời” (Mt 6, 7). Cầu nguyện với người Kitô hữu là lúc để tình cha con lại được nối kết, là lúc để những vết thương do tội gây ra nay lại được thay da, liền thịt, để tình cha con lại được thắm thiết, để đứa con đi hoang nay tìm được lối về nhà. Hay nói cách khác cầu nguyện là để tình Cha con được thêm sâu đậm và tình người thêm gắn bó.

Lạy Chúa, xin cho chúng con nhận biết Chúa là Cha của chúng con để chúng con đến gần Chúa hơn và tương quan với Chúa trong tình con thảo. Xin Chúa lấy lòng thương xót mà tha thứ lỗi tội của chúng con và luôn ấp ủ chúng con trong vòng tay của Cha. Amen

[/loichua]

Comments are closed.