Thứ 4 Tuần I Thường Niên – Ngày 15/01/2020

Lời Chúa: Mc 1,29–39

“Khi ấy Chúa Giêsu ra khỏi hội đường. Người cùng với Giacôbê và Gioan đến nhà Simon và Anrê. Lúc ấy bà nhạc gia của Simon cảm sốt nằm trên giường, lập tức người ta nói cho Người biết bệnh tình của bà. Tiến lại gần, Người cầm tay bà, và nâng đỡ dậy. Bà liền khỏi cảm sốt và đi tiếp đãi các Ngài. Chiều đến, lúc mặt trời đã lặn, người ta dẫn đến Người tất cả những bệnh nhân, tất cả những người bị quỷ ám; và cả thành tụ họp trước cửa nhà. Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau, xua trừ nhiều quỷ, và không cho chúng nói, vì chúng biết Người. Sáng sớm tinh sương, Người chỗi dậy, ra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện tại đó. Simon và các bạn chạy đi tìm Người. Khi tìm được Người, các ông nói cùng Người rằng: “Mọi người đều đi tìm Thầy”. Nhưng Người đáp: “Chúng ta hãy đi đến những làng, những thành lân cận, để Ta cũng rao giảng ở đó nữa”. Và Người đi rao giảng trong các hội đường, trong khắp xứ Galilêa và xua trừ ma quỷ.”

 


Suy niệm

TÌM KIẾM CHÚA

“Simon và các bạn chạy đi tìm Người. Khi tìm được Người, các ông nói cùng Người rằng: “Mọi người đều đi tìm Thầy” (Mc 1,36–37).

Vì yêu thương, Thiên Chúa đã dựng nên con người. Thiên Chúa khắc ghi trong tâm hồn mỗi chúng ta niềm khao khát chính Ngài. Thiên Chúa không ngừng lôi kéo chúng ta đến với Ngài. Chỉ trong Thiên Chúa, con người mới gặp được chân lý và hạnh phúc đích thực.

“Mọi người đều đi tìm Thầy” (Mc 1,37). Khía cạnh cao quý của phẩm giá con người là được kêu gọi hiệp thông với Thiên Chúa. Thế nên, trong lịch sử nhân loại, con người không ngừng tìm kiếm Thiên Chúa. Niềm khao khát Thiên Chúa được con người thể hiện trong các lĩnh vực văn hoá khác nhau. Thánh Augustinô đã diễn tả niềm khao khát Thiên Chúa như sau: “Ngài đã dựng nên chúng con để hướng về Ngài, và tâm hồn chúng con không nghỉ ngơi cho tới khi nghỉ yên trong Ngài”. Qua lời này, thánh nhân đã lột trần nỗi khắc khoải về Thiên Chúa nơi con người. Trong việc nhận biết Thiên Chúa, con người gặp rất nhiều khó khăn nếu chỉ dựa vào ánh sáng của lý trí. Vì những chân lý liên quan đến Thiên Chúa, liên quan đến mối liên hệ giữa Thiên Chúa và con người, là những điều hoàn toàn vượt quá lãnh vực tự nhiên. Thế nên, do lòng nhân lành và khôn ngoan, Thiên Chúa đã mạc khải chính mình và tỏ cho biết Thiên ý nhiệm mầu (x. Ep1,9), nhờ đó, con người có thể đến cùng Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô, Ngôi Lời nhập thể, trong Chúa Thánh Thần, và được thông phần vào bản tính Thiên Chúa (x. Ep 2,18; 2Pr 1,4).

Như vậy, Đức Giêsu là Đấng Trung Gian dạy chúng ta con đường đến với Thiên Chúa và hiệp thông với Ngài. Trong sự nghèo hèn của Con Chúa giáng sinh nơi hang đá Bêlem, chúng ta học biết được tinh thần khó nghèo. Trong cuộc sống ẩn dật của Con Chúa nơi làng quê Nadarét, chúng ta học được bài học vâng phục, tình yêu hiệp thông trong gia đình và tinh thần lao động. Qua những việc làm của Đức Giêsu trong suốt thời gian rao giảng Tin Mừng, chúng ta học được tinh thần phục vụ. Cuối cùng, với cái chết trên thập giá của Con Thiên Chúa, chúng ta biết yêu thương cách cụ thể. Tóm lại, cách duy nhất để chúng ta tìm gặp được Thiên Chúa là bước đi trên con đường mà Đức Giêsu đã đi (x. 1Ga 2,6).

Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã dựng nên chúng con cách lạ lùng và cứu chuộc chúng con cách lạ lùng hơn nữa. Xin Thánh Thần Chúa hướng dẫn mỗi người chúng con trên hành trình tìm kiếm Chúa, để chúng con luôn sống trong tình yêu và ân sủng của Chúa và một ngày kia được sum vầy cùng Chúa trên Thiên Đàng vinh phúc. Amen.


Comments are closed.