[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mc 7,14-23″]
Khi ấy, Chúa Giêsu lại gọi dân chúng mà bảo rằng: “Hết thảy hãy nghe và hiểu rõ lời Ta. Không có gì từ bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho họ ra ô uế. Chỉ có những gì từ con người ta xuất ra, chính những cái đó mới làm cho họ ra ô uế. Ai có tai để nghe thì hãy nghe”.
Lúc Người lìa dân chúng mà về nhà, các môn đệ hỏi Người về ý nghĩa dụ ngôn ấy.
Người liền bảo các ông: “Các con cũng mê muội như thế ư? Các con không hiểu rằng tất cả những gì từ bên ngoài vào trong con người không thể làm cho người ta ra ô uế được, vì những cái đó không vào trong tâm trí, nhưng vào bụng rồi xuất ra”. Như vậy Người tuyên bố mọi của ăn đều sạch.
Người lại phán: “Những gì ở trong người ta mà ra, đó là cái làm cho người ta ô uế. Vì từ bên trong, từ tâm trí người ta xuất phát những tư tưởng xấu, ngoại tình, dâm ô, giết người, trộm cắp, tham lam, độc ác, xảo trá, lăng loàn, ganh tị, vu khống, kiêu căng, ngông cuồng. Tất cả những sự xấu đó đều ở trong mà ra, và làm cho ngươì ta ô uế”.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
THANH TẨY CÕI LÒNG
“Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được, nhưng chính cái từ trong con người xuất ra là cái làm cho con người ra ô uế” (Mc 7,15).
Nước mắt của Mađalêna ngồi dưới chân Chúa Giêsu là tiếng nói của một trái tim trở về với tình yêu Thiên Chúa. Những bước chân giã từ với quá khứ đáng buồn của Phaolô là thành quả của một trái tim tăm tối được ánh sáng Chúa chiếu rọi. Nơi trái tim- cõi bên trong của con người- là nguồn mạch của những cảm xúc, tư tưởng, tình cảm, khát vọng cũng như hành động của con người.
Nơi bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta một sự thật, đó là: “Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được, nhưng chính cái từ trong con người xuất ra là cái làm cho con người ra ô uế” (Mc 7,15).
Thực vậy, ngay từ những ngày đầu của lịch sử loài người, bức tranh tuyệt đẹp tả lại cảnh Ađam và Evà được Chúa đặt vào vườn địa đàng, bỗng trở nên lem luốc bởi sự không vâng phục Thiên Chúa mà nguyên nhân bên trong là lòng kiêu ngạo của hai ông bà. Kế đó, mặc cho tình anh em khăng khít ngày nào, thì từ bên trong, Cain lại để lòng ghen tị lớn dần, lấn áp cả tình anh em ruột thịt. Thế nên, khởi điểm là nơi cõi lòng của con người, là nơi tồn tại một cái gì rất sâu kín vô hình, chất chứa mọi động lực, mọi năng lực chi phối cuộc sống, và cũng nơi đây, dung chứa cái căn cớ gây ra sự ô uế về mặt luân lý nơi con người. Từ đây, chúng ta xác định được, một trong những kẻ thù đáng ngại nhất không phải là hoàn cảnh này, con người nọ, hay thế lực kia, mà là chính trong mình tôi, chính cái tôi, cái tôi mà thánh Phaolô đã phơi bày bằng những tiếng nức nở nghẹn ngào: “Trong thâm tâm tôi, tôi vốn yêu mến lề luật Chúa, nhưng tôi thấy xuất hiện trong tôi một lề luật khác, chống đối lề luật nơi lương tâm tôi, và lôi cuốn tôi sa vào cạm bẫy của tội lỗi trong mình tôi” (Rm 7,23).
Cuộc đấu tranh nội tâm của thánh Phaolô xưa cũng đang là kinh nghiệm cho chúng ta. Ai trong chúng ta mà không muốn sống đẹp lòng Chúa. Thế nhưng, dù không tự xuất hiện, không tự nói ra, không tự thú nhận, thì những tính tình tự nhiên không mấy tốt, những thói quen suy nghĩ, nói năng, cư xử không đúng sự thực, những ước mơ không lành mạnh, cách nào đó, vẫn có và cứ ngổn ngang bên trong lòng người, chỉ đợi dịp thuận tiện là bùng lên. Thế nên, nếu có một cái gì cần thanh tẩy, đó chính là cõi lòng của chúng ta. Thánh Phaolô cũng thấy được điều này, nên ngài mời gọi các tín hữu: “Hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm hồn” (Rm 12,2). Nếu muốn một cuộc sống trong sáng, thì ta phải thanh tẩy tâm hồn. Nếu muốn sống tha thứ, thì ta phải có tâm hồn độ lượng. Nếu muốn sống thân thiện, thì ta phải có tâm hồn rộng mở. Nếu muốn có cuộc sống thanh thoát thì ta cần tâm hồn từ bỏ. Nếu muốn phân định chính xác thì ta cần tâm hồn chính trực. Nếu muốn sống liêm chính thì ta cần tâm hồn đơn sơ. Hãy bắt đầu từ cõi lòng, thanh tẩy được lõi lòng là thay đổi được tất cả.
Lạy Chúa, xin dẫn chúng con vào căn nhà của chúng con, là cõi lòng của chính chúng con. Xin cho chúng con nhận ra và can đảm dẹp bỏ những thói hư tật xấu, những kiêu căng, ghen ghét, giận hờn, những lo âu, sợ hãi; đồng thời biết lấp đầy lòng mình bằng những nhân đức và tư tưởng tốt đẹp, để lời nói và hành động của chúng con tỏa rạng hương thơm của tình yêu Chúa cho mọi người. Amen.
[/loichua]