[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 11, 1-4″]
Ngày kia, Chúa Giêsu cầu nguyện ở một nơi. Khi Người cầu nguyện xong, có một môn đệ thưa Người rằng: “Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện như Gioan đã dạy môn đệ ông”. Người nói với các ông: “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói: ‘Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày. Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha mọi kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
THỨ 4 TUẦN 27 THƯỜNG NIÊN
“Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện” (Lc 11, 1)
Chúa Giêsu và các môn đệ được sinh ra và lớn lên trong truyền thống Do thái giáo. Hẳn nhiên, Chúa Giêsu và các ngài cũng thấm nhuần việc cầu nguyện. Thế mà hôm nay, một trong các môn đệ lại xin Chúa Giêsu dạy cầu nguyện. Phải chăng, ngoài lý do: “Xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gioan đã dạy môn đệ của ông”, thì người môn đệ này đã nhận thấy nơi việc cầu nguyện của Chúa Giêsu có điều gì đó đặc biệt?
Thánh sử Luca đã ghi lại rằng Chúa Giêsu ngay lập tức dạy các môn đệ cầu nguyện với lời kinh hướng về Chúa Cha trong tâm tình của một người con. Bằng việc gọi Thiên Chúa là Cha và xưng “con” với Ngài, các môn đệ được thông phần với địa vị Trưởng Tử của Đức Giêsu. Chắc chắn, điều này hoàn toàn mới mẻ đối với các môn đệ, bởi đây là bước tiến lớn trong mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa. Quả thật, sự gần gũi thân thương của một Thiên Chúa là Cha trong lời cầu nguyện của Chúa Giêsu dạy, khác xa với một Thiên Chúa tối cao và xa cách của Người Do-thái.
Lời kinh Chúa Giêsu dạy còn mang đến cho người môn đệ một thái độ thảo hiếu đối với Thiên Chúa. Trong địa vị làm con, Đức Giêsu đã nêu gương đó cho con người khi luôn qui hướng về Cha. Quả vậy, đặt trong cái nhìn của cuộc Vượt Qua, chúng ta thấy rõ chính Chúa Giêsu đã sống lời kinh ấy cách trọn vẹn. Khi đi vào Cuộc Thương Khó, Ngài đã thể hiện tấm lòng của một người con thảo hiếu bằng việc vâng theo thánh ý Chúa Cha, chỉ với mục đích là để cho “danh thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến”. Như thế, ẩn nơi thái độ thảo hiếu của Chúa Giêsu còn bao gồm cả một sự tùng phục thẳm sâu. Sự tùng phục ấy không như của người đầy tớ đối với chủ nhưng là sự tùng phục của người Con, với ý nghĩa đầy đủ nhất của ơn gọi làm con luôn qui hướng về Cha của mình.
Chỉ với những lời nguyện ngắn gọn, Chúa Giêsu đã mạc khải cho con người thấy mầu nhiệm ân sủng Thiên Chúa ban qua chính Ngài. Đó chính là sự thông chia tư cách làm “con” trong Con Một của Thiên Chúa. Với tư cách Con Thiên Chúa làm người, Chúa Giêsu thiết lập một nguyên lý đời sống mới cho nhân loại: con người chỉ có thể trở nên chính mình trong lời cầu nguyện với Thiên Chúa qua kinh Lạy Cha. Nhờ vậy, chúng ta biết và có thể đạt tới điều cao quý và chân thật nhất nơi mình, đó là tư cách làm con của Thiên Chúa. Muốn được như thế, chúng ta phải trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô trong đời sống và kinh nguyện.
Lạy Chúa, xin cho chúng con yêu mến việc cầu nguyện, đặc biệt cầu nguyện với Kinh Lạy Cha, để cùng với Chúa Giêsu, chúng con luôn hạnh phúc với ơn gọi được làm con Thiên Chúa. Có như vậy, mỗi người sẽ biết tùng phục và thi hành mọi thánh ý Chúa trao trong suốt hành trình dương thế này. Amen.
[/loichua]