Thứ 4 Tuần 19 Thường Niên – Ngày 14/08/2019

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mt 18,15-20 “]

“Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em. Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế. Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy. Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.”

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

SỬA LỖI HUYNH ĐỆ

“Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã được một món lợi là người anh em mình” (Mt 18,15).

Nhân gian có câu: “Nhân vô thập toàn”, nghĩa là con người không có ai là hoàn hảo. Trong kiếp nhân sinh ai cũng có những thiếu sót và lầm lỗi, mà chính mỗi chúng ta đã có những kinh nghiệm từ chính bản thân mình trong cuộc sống. Nhưng mỗi người chúng ta được mời gọi vượt lên trên, chữa lành những khiếm khuyết, bất toàn, lầm lỗi để trở “nên hoàn thiện, như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Vì thế, mỗi người phải luôn sửa lỗi và cần được sửa lỗi. Nhưng phải sửa lỗi như thế nào? Trong bài Tin mừng Chúa Giêsu dạy cho chúng ta bài học sửa lỗi cho nhau trong tình huynh đệ xuất phát từ đức ái tuyệt hảo: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mc 12,31). Khi sửa lỗi cũng phải tế nhị: trước hết phải kín đáo riêng tư, khi không thể thuyết phục riêng tư mới dùng đến ảnh hưởng của cộng đoàn. Phải cứu sống hơn là giết chết, phải thứ tha hơn là kết án, phải đón nhận hơn loại trừ, phải sửa chữa hơn vứt bỏ, phải xây dựng hơn phá hủy theo lời Chúa dạy: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em” (Mt, 18,15).

Trong tương giao xã hội, ai trong chúng ta cũng thích sự tế nhị nơi người khác và cũng mong muốn thủ đắc sự tế nhị để thành công trong cuộc sống. Vì “Điều gì mình không muốn người khác làm cho mình thì mình đừng làm cho người” được xem là tiêu chuẩn để làm thước đo tính tế nhị. Tế nhị là sự khéo léo sử dụng những cử chỉ ngôn ngữ trong giao tiếp, ứng xử, thể hiện là con người có hiểu biết, có văn hóa; đồng thời, cũng thể hiện sự tôn trọng người khác. Là những Kitô hữu mỗi chúng ta hãy thấm nhuần lời dạy của Chúa trong việc sửa lỗi cho nhau. Khi là người phạm lỗi, chúng ta hãy chân thành đón nhận và sửa chữa theo những chỉ bảo của anh chị em, của các vị có trách nhiệm trong cộng đoàn, trong giáo xứ để sự khiếm khuyết của mình được lấp đầy bằng tình yêu của Thiên Chúa qua anh chị em. Nếu không đón nhận sự chân thành sửa chữa từ anh chị em, chúng ta sẽ đối diện với cái họa: Họa vì chối bỏ tình thương của Thiên Chúa, họa do mình tự tách biệt, cắt đứt nguồn suối ân sủng trong Giáo Hội. Trong bổn phận trách nhiệm giúp anh chị em sửa lỗi mỗi chúng ta phải mang tình yêu, mặc lấy lòng bao dung, đó là tiếng nói cảnh tỉnh giúp người anh chị em nhận ra lầm lỗi để sửa chữa, đó là nâng đỡ tình bác ái.

Lạy Chúa Giêsu, hôm nay Chúa dạy chúng con cách sửa lỗi cho nhau trong tình huynh đệ nhân danh Ngài. Xin cho chúng con luôn biết sống theo sự hướng dẫn của Chúa, để đời sống cộng đoàn Kitô hữu chúng con trở thành cộng đoàn yêu thương, tha thứ, sửa lỗi cho nhau trong tình huynh đệ, là dấu chỉ Cộng Đoàn Nước Trời mai sau. Amen.

[/loichua]

Comments are closed.