[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mc 6,45-52″]
(Khi năm ngàn người đã được ăn no), Chúa Giê-su liền giục các môn đệ xuống thuyền, qua bờ bên kia trước mà đến Bết-sai-đa, đang khi Người giải tán dân chúng. Giải tán họ xong, Người lên núi cầu nguyện. Chiều đến, thuyền đã ra giữa biển, còn Người thì một mình ở trên đất. Khoảng canh tư đêm tối, Người thấy họ khó nhọc chèo chống vì ngược gió, Người đi trên mặt biển mà đến với họ, và Người muốn vượt qua trước họ. Họ thấy Người đi trên mặt biển, thì tưởng là ma, nên la hoảng lên. Vì ai nấy đều thấy Người và hoảng hốt, nên Người liền lên tiếng bảo họ rằng : “Hãy yên trí, chính Thầy đây, đừng sợ”. Rồi Người lên thuyền họ, và gió im lặng. Tâm hồn họ lại càng sửng sốt hơn, vì họ chưa hiểu gì về vấn đề bánh : lòng họ còn mù tối.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
VƯỢT QUA THỬ THÁCH VÌ CÓ CHÚA
“Hãy yên trí, chính Thầy đây, đừng sợ” (Mc 6,51).
Trong ngày khai mạc sứ vụ lãnh đạo, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói lời đầu tiên với toàn thể Giáo Hội: “Các con đừng sợ”. Thánh Giáo Hoàng đã lặp lại từ chính lời của Thầy Giêsu được thánh sử Marcô thuật lại trong bài Tin Mừng hôm nay.
Vâng lời Thầy Giêsu, các môn đệ đã xuống thuyền (x. Mc 6,47). Các môn đệ phải vất vả chèo thuyền vì ngược gió (x. Mc 6,48). Chèo thuyền ngược gió là một hình ảnh tiên trưng về những thử thách mà các môn đệ phải đối diện khi làm chứng cho Chúa Giêsu. Thử thách ấy có thể đến từ nội tại nơi con người của các môn đệ về một Mesia quyền lực, chính trị (x. Mt 20,21). Thử thách ấy có thể là những chống đối lại Tin Mừng của Chúa từ những người Do Thái, khi họ xem Luật Môsê như “tuyên ngôn sống” (x. Rm 7,6), hay từ phía những người dân ngoại (x. Cv 17,32). Tuy nhiên, khi có sự hiện diện của Chúa Giêsu, tất cả những trở ngại ấy không còn là mối lo lắng: “Người lên thuyền họ, và gió im lặng” (Mc 6,51). Điều này còn được vịnh gia diễn tả: “Khi gặp bước ngặt nghèo, họ kêu lên cùng Chúa. Người đưa tay kéo họ ra khỏi cảnh gian truân. Đổi phong ba thành gió thoảng nhẹ nhàng, sóng đang gầm, bỗng đâu im hơi lặng tiếng” (Tv 107,28-29). Như thế, những thử thách không chỉ giúp tỏ hiện về một Thiên Chúa đầy quyền năng như trong Cựu Ước, nơi Ông Môsê: “Ta là Đấng Ta là” (Xh 3,14) và trong Tân Ước nơi Chúa Giêsu: “Chính Thầy đây” (Mc 6,50), mà còn giúp củng cố thêm lòng tin của các môn đệ vào Người: “Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ quý hơn vàng gấp bội” (1 Pr 1,7).
Là những người theo Chúa Giêsu, ắt hẳn, chúng ta cũng phải đối diện với những thử thách, khó khăn. Thử thách ấy có thể đến từ chính con người của chúng ta như những đam mê xấu về quyền lực, của cải, tình cảm. Thử thách ấy có thể đến từ bên ngoài như sự vô cảm, lãnh đạm của con người hôm nay về vấn đề đức tin, luân lý, hay mất cảm thức đối với tội lỗi, hay như việc “cào bằng” về tôn giáo, tính tương đối trong mọi sự, tính hưởng thụ, chủ nghĩa cá nhân đến mức vô độ… Khi phải đối diện với những thử thách ấy, người môn đệ của Chúa hãy học nơi Mẹ Giáo Hội, đó là trở về nguồn. Nguồn ở đây là chính Chúa Giêsu. Chúng ta hãy kết nối lại với nguồn tình yêu nơi Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể như Công đồng Tridentino đã dạy: “Như Đầu điều khiển mọi chi thể, như cây nho đem nhựa sống vào mỗi ngành, thì Chúa Giêsu cũng ảnh hưởng hằng giây phút đến những người theo Ngài”. Chính Mẹ Têrêsa Calcutta cũng cảm nghiệm được sự cao trọng và những ơn ích từ việc kín múc suối nguồn Thánh Thể cho ngày sống của mình và các chị em: “Chúng tôi liên tục cần đến cầu nguyện với Chúa Giêsu Thánh Thể và ơn sủng của Ngài, nếu không, chúng tôi chẳng thể sống và phục vụ được”
Trong Tông Huấn Đức Kitô Hằng Sống, số 2, Đức Thánh Cha Phanxicô có nói: “Chúa ngự trong các con. Người ở cùng các con. Và Người không bao giờ bỏ rơi các con”. Xin Chúa giúp cho chúng con có thể nhận ra sự hiện diện của Ngài nơi bí tích Thánh Thể và luôn tin tưởng nơi quyền năng của Ngài, như cảm nghiệm của tác giả trong thư Do Thái: “Chúa Giêsu hằng sống để bầu cử cho chúng ta” (Dt 7,25). Amen.
[/loichua]