Thứ 3 Tuần I Thường Niên – Ngày 09/01/2018

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mc 1,21b-28 “]

(Ðến thành Capharnaum), ngày nghỉ lễ, Chúa Giêsu vào giảng dạy trong hội đường. Người ta kinh ngạc về giáo lý của Người, vì Người giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền, chứ không như các luật sĩ.

Ðang lúc đó, trong hội đường có một người bị thần ô uế ám, nên thét lên rằng: “Hỡi Giêsu Nadarét, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai: là Ðấng Thánh của Thiên Chúa”. Chúa Giêsu quát bảo nó rằng: “Hãy im đi, và ra khỏi người này!” Thần ô uế liền dằn vật người ấy, thét lên một tiếng lớn, rồi xuất khỏi người ấy. Mọi người kinh ngạc hỏi nhau rằng: “Cái chi vậy? Ðây là một giáo lý mới ư? Người dùng uy quyền mà truyền lệnh cho cả các thần ô uế, và chúng vâng lệnh Người”. Danh tiếng Người liền đồn ra khắp mọi nơi, và lan tràn khắp vùng lân cận xứ Galilêa.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

RAO GIẢNG NHƯ CHÚA GIÊSU

“Người ta kinh ngạc về giáo lý của Người, vì Người giảng dạy người ta như Đấng có uy quyền, chứ không như các luật sĩ” (Mc 1,22).

Bài giảng của Chúa Giêsu đã làm kinh ngạc các thính giả. Người nói có uy quyền chứ không như các luật sĩ của họ. Người dùng phương pháp mới ư? Lời nói đầy uy quyền ư? Người không dựa vào “thẩm quyền người xưa” ư? Nội dung lời giảng mới mẻ ư? Nếu bài giảng ngày hôm ấy chỉ có vậy, thì những gì còn lại nơi người nghe chỉ là sự ngạc nhiên lý thú. Ngay lúc ấy, một người bị thần ô uế ám đột nhiên lên tiếng: “Tôi biết ông là ai: là Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Chủ đích của nó không nhằm tôn vinh Thiên Chúa, mà phá rối và cản trở công việc của Người. Nhưng từ mưu gian của nó, Chúa lại biến thành cơ hội để chứng thực giáo lý và uy quyền của Người qua phép lạ trừ quỷ. Người bắt nó quy phục chỉ bằng một lời ra lệnh nhân danh chính mình. Chứng kiến việc ấy, lập tức sự kinh hoàng ập xuống trên khán thính giả như một sự “sợ hãi linh thánh” thế chỗ cho sự ngạc nhiên hời hợt ban đầu. Họ vừa thấy một việc phi thường vượt khả năng con người nên bối rối hỏi nhau: “Cái chi vậy? Đây là một giáo lý mới ư? Người dùng uy quyền mà truyền lệnh cho cả các thần ô uế, và chúng vâng lệnh Người” (Mc 1,27). Vậy, ông Giêsu này không phải “người thường”, và những giáo lý Ông vừa giảng dạy là thực hay sao? Quyền năng này chỉ có thể đến từ Thiên Chúa, phải chăng Người là tiên tri của Chúa? Nhưng nếu là tiên tri của Chúa, sao Người không nhân danh Chúa mà lại nhân danh mình? Chỉ Thiên Chúa mới có quyền ban Lề Luật và nhân danh chính mình. Người là Chúa ư? Không thể được, chỉ có Một Thiên Chúa duy nhất mà thôi. Vậy Người là ai? Bài giảng đã thực sự đánh động và chất vấn về xác tín tôn giáo, lối sống của họ.

Qua phép rửa, người Kitô hữu chúng ta được trở nên ngôn sứ để nói lời và nói về Thiên Chúa. Dù ở bậc sống nào, chúng ta đều được mời gọi và có bổn phận phải thực thi sứ vụ ấy. Nhìn vào gương Chúa Giêsu, bài giảng của Người đã làm cho thính giả của mọi thời phải thao thức thì sự rao truyền của chúng ta cũng phải sống động và hiệu quả như vậy, vì chúng ta đang nối dài công việc của Người và rao giảng về Người. Rao giảng mà không đạt hiệu quả ấy thường do nhắm sai mục đích. Mục đích rao giảng để người ta nhận biết và yêu mến Thiên Chúa chứ không để tô vẽ cho một hình tượng nào khác, hoặc đánh bóng chính mình. Nếu thính giả chỉ dừng lại ở việc trầm trồ đánh giá lời giảng, hoặc khâm phục các kỹ thuật tâm lý, dẫn dụ, hùng biện và khen chê; mà chưa bị đánh động bởi tình yêu cứu độ của Thiên Chúa dành cho chính cá nhân họ, thì ích gì cho việc vinh danh Thiên Chúa và phần rỗi của người nghe? Hãy học cách rao giảng của Chúa Giêsu. Người giảng dạy nhân danh chính mình và chúng ta rao giảng về Người, tức là cùng về một đối tượng. Chúa Giêsu biến sự chống đối của Ma Quỷ thành cơ hội vinh danh Thiên Chúa; thì chúng ta cũng nhờ ơn Người, “ơn ta đủ cho con” (2Cr 12,9), mà thắng vượt những thách đố, chế diễu, loại trừ, chống phá và những khó khăn khác trong “ơn gọi ngôn sứ” bằng lối sống phù hợp với lời rao giảng. Cũng như phép lạ trừ quỷ làm bằng chứng cho uy quyền và giáo lý của Chúa Giêsu, thì nhân cách sống trưởng thành của người Kitô hữu cũng trở thành bằng chứng hữu hiệu cho điều mình rao giảng như vậy. Nhờ đó, người ta sẽ kinh ngạc và bị đánh động sâu xa về Đấng mà mình hết lòng phụng thờ qua đời sống nhất quán và tỏa rạng các nhân đức tin, cậy, mến.

Lạy Chúa Giêsu, Đấng là cùng đích của đời chúng con. Chúa đã truyền dạy cho chúng con “hãy đi rao giảng khắp thế gian”, hãy trở nên muối và ánh sáng cho đời. Sứ vụ ấy phải bắt nguồn từ việc ở lại trong Chúa bằng cách vâng giữ lời Chúa. Xin Chúa ở cùng, ban ơn nâng đỡ và hướng lòng chúng con về Chúa, là trung tâm điểm của đời sống, để chúng con chỉ tìm vinh danh Chúa mà thôi. Amen.

[/loichua]

Comments are closed.