[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mc 1,21-28″]
(Ðến thành Capharnaum), ngày nghỉ lễ, Chúa Giêsu vào giảng dạy trong hội đường. Người ta kinh ngạc về giáo lý của Người, vì Người giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền, chứ không như các luật sĩ.
Ðang lúc đó, trong hội đường có một người bị thần ô uế ám, nên thét lên rằng: “Hỡi Giêsu Nadarét, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai: là Ðấng Thánh của Thiên Chúa”. Chúa Giêsu quát bảo nó rằng: “Hãy im đi, và ra khỏi người này!” Thần ô uế liền dằn vật người ấy, thét lên một tiếng lớn, rồi xuất khỏi người ấy. Mọi người kinh ngạc hỏi nhau rằng: “Cái chi vậy? Ðây là một giáo lý mới ư? Người dùng uy quyền mà truyền lệnh cho cả các thần ô uế, và chúng vâng lệnh Người”. Danh tiếng Người liền đồn ra khắp mọi nơi, và lan tràn khắp vùng lân cận xứ Galilêa.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
YÊU NHƯ CHÚA YÊU
“Mọi người kinh ngạc” (Mc 1,27).
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Đức Giêsu khai mạc sứ vụ tại thế của Ngài tại Ca-phác-na-um. Ngày hôm ấy, Đức Giêsu đã giảng dạy như một thầy dạy có uy quyền chứ không như các Pharisêu phải dựa vào uy quyền của Môsê. Đức Giêsu cũng thể hiện sức mạnh của Ngài trong hành động xua trừ các thần ô uế. Lời nói và việc làm của Ngài đi đôi với nhau. Thánh Mac-cô đã đúc kết vị thế của Ngài bằng câu kết luận: “Người giảng dạy người ta như Đấng có uy quyền”. Sự xuất hiện của Ngài gây ra sự kinh ngạc và thán phục nơi tất cả mọi người hiện diện. Đó là một khởi đầu thành công, báo trước những thành công nối tiếp.
Nhưng sự thật không giống thế. Thái độ của dân chúng và các Pharisêu với Đức Giêsu, khởi đi từ những thán phục ban đầu, dần chuyển biến theo chiều hướng tiêu cực. Đám đông vô danh ở Hội đường Capharnaum, tượng trưng cho dân Do thái, đã hò hét vang dội trong dinh Philatô để đóng đinh Đức Giêsu và phóng thích Baraba. Họ cầm ngành thiên tuế rước Đức Giêsu vào Giêrusalem và cũng chính họ buông lời chế giễu Ngài trên thập giá. Còn các kinh sư thì sao? Thưa, các kinh sư dần dần ganh ghét, khó chịu, đố kị và quyết tâm đưa Đức Giêsu vào chỗ chết. Thánh Marcô đã diễn tả thái độ thù địch của dân Do thái và các Pharisêu ở trên đồi Golgotha như sau: “Kẻ qua người lại đều nhục mạ Người, vừa lắc đầu vừa nói : “Ê, mi là kẻ phá Đền Thờ, và nội trong ba ngày xây lại được, có giỏi thì xuống khỏi thập giá mà cứu mình đi !” Các thượng tế và kinh sư cũng chế giễu Người như vậy, họ nói với nhau : “Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình. Ông Ki-tô vua Ít-ra-en, cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, để chúng ta thấy và tin.” Cả những tên cùng chịu đóng đinh với Người cũng nhục mạ Người”. (Mc 15,29-32). Thế đấy, từ những hứng khởi ban đầu, họ từ chối lời nói, việc làm và cả sự hiện diện của Đức Giêsu trong cuộc đời họ.
Trong Hội đường hôm ấy còn có các môn đệ của Đức Giêsu. Họ chắc chắn cũng thán phục Ngài. Sau ba năm ở cùng, họ dần tin tưởng vào căn tính và sứ mệnh của Đức Giêsu. Dù có lúc phản bội, nhưng cuối cùng họ vẫn trung thành và sẵn sàng lấy cái chết để làm chứng cho Thầy. Như vậy, cùng khởi đi từ những thái độ thán phục tại Capharnaum, thái độ sau cùng của các môn đệ và nhóm dân Do thái và các Pharisêu lại hoàn toàn khác nhau. Điều gì làm nên sự khác biệt này? Điều khác biệt nằm ở nhận thức của mỗi nhóm về tình yêu. Với Đức Giêsu, yêu là hiến dâng mạng sống (Ga 15,13), là hy sinh cho người mình yêu. Các môn đệ hiểu và yêu Đức Giêsu theo cách của Ngài. Dân Do thái và các Pharisêu yêu Đức Giêsu theo cách của họ. Họ đòi phép lạ, đòi chữa lành, đòi chiến thắng, đòi vương quốc vững bền. Như thế, bài học cho chúng ta là yêu Đức Giêsu như Ngài dạy chứ không yêu Đức Giêsu để tìm thỏa mãn nhu cầu riêng mình.
Lạy Chúa, giữa một thế giới đang vội vã chạy theo trào lưu hưởng thụ, xin Chúa ban ơn giúp sức để chúng con can đảm chối từ lối sống ấy, nhưng trung thành chọn lựa sống yêu thương, hy sinh và làm mọi việc chỉ vì vinh danh Chúa. Amen.
[/loichua]