Thứ 3 Tuần Bát Nhật Phục Sinh – Ngày 14/04/2020

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Ga 20,11 -18″]

Khi ấy, bà Maria đang còn đứng gần mồ Chúa mà than khóc. Nhìn vào trong mồ, bà thấy hai thiên thần mặc áo trắng đang ngồi nơi đã đặt xác Chúa Giêsu, một vị ngồi phía đàng đầu, một vị ngồi phía đàng chân. Hai vị hỏi: “Tại sao bà khóc”. Bà trả lời: “Người ta đã lấy mất xác Chúa tôi và tôi không biết người ta đã để Người ở đâu”. Vừa nói xong, bà quay mặt lại, thì thấy Chúa Giêsu đã đứng đó, nhưng bà chưa biết là Chúa Giêsu. Chúa Giêsu hỏi: “Bà kia, sao mà khóc, bà tìm ai”. Tưởng là người giữ vườn, Maria thưa: “Thưa ông, nếu ông đã mang xác Người đi, thì xin cho tôi biết ông đã đặt Người ở đâu, để tôi đến lấy xác Người”. Chúa Giê-su gọi: “Maria”. Quay mặt lại, bà thưa Người: “Rápbôni” (nghĩa là “Lạy Thầy”). Chúa Giêsu bảo bà: “Ðừng động đến Ta, vì Ta chưa về cùng Cha Ta. Nhưng hãy đi báo tin cho các anh em Ta hay và bảo họ rằng : Ta về cùng Cha Ta, cũng là Cha các con; về cùng Thiên Chúa Ta, cũng là Thiên Chúa các con”. Maria Mađalêna đi báo tin cho các môn đệ rằng: “Tôi đã trông thấy Chúa và Chúa đã phán với tôi những điều ấy”.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

TIẾNG GỌI CỦA ĐẤNG PHỤC SINH

Chúa Giê-su gọi: “Maria”! (Ga 20,16)

Trình thuật Tin Mừng cho biết “Sáng sớm, lúc trời còn tối”, là thời khắc Maria Mađalêna đi đến mộ. Thời gian được gợi lên, một mặt diễn tả lòng khao khát của Maria muốn được đến với Thầy dù cho ở thời điểm nào; mặt khác, như để diễn tả nỗi buồn da diết của bà trước sự mất mát quá lớn này. Điều đó cho thấy Maria rất yêu mến Đức Giêsu. Vì sao bà lại yêu mến Đức Giêsu đến vậy?

Nhìn lại lịch sử cuộc đời của Maria Mađalêna, chúng ta nhìn thấy một quá khứ đen tối bao trùm tuổi thanh xuân của người phụ nữ tội nghiệp này. Thiếu thời, bà là một kỹ nữ có tiếng trong vùng, cái nghề bị xã hội khinh thường và chê ghét, cái nghề khiến cho mọi người xa lánh, cuộc đời của bà như đã đi vào ngõ cụt. Nhưng cuộc đời của Maria như được lật sang trang mới khi bà gặp được Đức Giêsu. Đức Giêsu đã giúp cho Maria phá tan mặc cảm tội lỗi, khi Người trò chuyện với bà, tỏ ra quan tâm và yêu thương bà. Với thái độ đón nhận và tha thứ lỗi lầm ấy đã làm cho Maria thay đổi cách sống; bởi lần đầu tiên trong cuộc đời, bà cảm nhận được giá trị đích thực của tình thương là gì. Thế nhưng, cuộc xét xử trong đêm tối của những vị lãnh đạo tôn giáo Do Thái dẫn đến cuộc khổ nạn và cái chết của Đức Giêsu. Chứng kiến cuộc khổ nạn và cái chết của Đức Giêsu trên thập giá đã khiến cho Maria suy sụp hoàn toàn. Bởi cuộc khổ nạn ấy đã không chỉ lấy đi vị Thầy mà bà yêu mến, mà còn lấy đi một sự cảm thông, một niềm hy vọng của bà.

Cái chết của Đức Giêsu đã khiến cho Maria đau khổ, nhưng nỗi đau ấy lại còn nhân đôi khi thân xác của Đức Giêsu giờ đây đã không còn trong ngôi mồ. Việc xác của Đức Giêsu không còn trong mồ đã khiến cho tâm trí bà trở nên hoảng loạn, bà chạy tìm thân xác Đức Giêsu như một người mất đi định hướng của cuộc đời. Sự bấn loạn đã khiến bà không còn nhận ra những điều thân quen, đến nỗi sự xuất hiện của Đấng Phục Sinh đã làm cho bà nghĩ tưởng là người làm vườn: “Thưa ông, nếu ông đã đem người đi, thì xin chỉ cho tôi biết ông để người ở đâu, tôi sẽ đem người về”. Nhưng Chúa Giêsu Phục Sinh đã gọi chính tên bà: “Maria!”. Tiếng gọi thân thương ấy đã giúp bà bừng tỉnh, tiếng gọi ấy đã đưa bà ra khỏi nỗi buồn, tiếng gọi ấy đã giúp bà có một niềm hy vọng, và cũng chính tiếng gọi ấy đã đưa bà đi vào cuộc sống mới, cuộc sống làm chứng cho tình yêu của Chúa.

Đôi khi trong cuộc đời của chúng ta cũng đã từng mang lấy tâm trạng của Maria Mađalêna. Chúng ta cũng đã từng mất đi định hướng của cuộc đời mình. Chúng ta áy náy vì một lỗi lầm trong quá khứ, buồn bã vì vừa mất đi một điều quý giá, hay đau khổ vì vừa mất đi một ai đó rất quan trọng trong cuộc đời mình. Trước những biến cố ấy chúng ta thường khép mình lại. Tại sao chúng ta không mở lòng ra để lắng nghe tiếng Đấng Phục Sinh đang gọi tên từng người chúng ta, như Người đã từng gọi tên của Maria?

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, Chúa đã làm thay đổi cuộc đời của Maria Mađalêna, của Phêrô, của Phaolô và nhiều cuộc đời khác, xin Chúa cũng hãy đụng chạm đến cuộc đời chúng con, ngõ hầu chúng con cũng được biến đổi để ngày càng xứng đáng hơn với ơn gọi làm môn đệ của Chúa. Amen.

[/loichua]

Comments are closed.