Thứ 3 Tuần 28 Thường Niên – Ngày 15/10/2019

Lời Chúa: Lc 11,37-41

Khi ấy, lúc Chúa Giêsu còn đang nói, thì có một người biệt phái mời Người dùng bữa tại nhà ông. Người đi vào và ngồi bàn ăn. Nhưng người biệt phái ngạc nhiên, nghĩ trong lòng rằng tại sao Người không rửa tay trước khi dùng bữa.

Bấy giờ Chúa phán cùng ông ấy rằng: “Này các ông, những người biệt phái, các ông lau rửa bên ngoài chén đĩa, nhưng nội tâm các ông đầy tham lam và gian ác. Hỡi những kẻ ngu dại, chớ thì Ðấng đã tạo thành cái bên ngoài, lại chẳng tạo thành cả cái bên trong sao? Hãy đem những cái bên trong ra mà bố thí, thì mọi sự sẽ nên trong sạch cho các ông”.

 


Suy niệm

NGẠC NHIÊN ĐỂ TRỞ THÀNH NGƯỜI CÔNG CHÍNH

“Nhưng người biệt phái ngạc nhiên, nghĩ trong lòng rằng tại sao Người không rửa tay trước khi dùng bữa”(Lc 11,37).

Gandhi, người được coi là vị thánh của Ấn độ, đã thốt lên những lời từ trong tâm hồn rằng: “Từ trong tâm hồn tôi, Đức Giêsu chiếm địa vị một bậc thầy của nhân loại. Ngài là người đã có ảnh hưởng quan trọng trong cuộc đời tôi”. Đáng tiếc, ông lại không trở thành môn đệ chân chính của Đức Kitô, bởi ông ngạc nhiên trước lối sống thiếu chất Tin mừng của những người Công Giáo. Là những Kitô hữu, chúng ta được mời gọi đặt Đức Kitô là trung tâm điểm của đời sống. Vậy trong đời sống đạo đức, có khi nào ta biết ngạc nhiên để nhận ra việc thực hành đức tin của mình cũng thiếu chất Tin Mừng hay không?

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết nêu lên cách ngạc nhiên để biết cách thờ phượng Thiên Chúa cách tốt nhất. Mở đầu bài Tin mừng, thánh sử Luca cho chúng ta sự ngạc nhiên về việc “một người biệt phái mời Đức Giêsu dùng bữa tại nhà ông”(Lc 11,37). Chúng ta ngạc nhiên vì nhóm Pharisêu luôn có thái độ thù nghịch với Đức Giêsu. Họ tìm cách tìm cách gài bẫy, rình để bắt lỗi Chúa Giêsu (x. Lc 6,7); thậm chí họ còn tìm cách giết Đức Giêsu (x. Mc 3,6). Phải chăng người Pharisêu đã thay đổi thái độ khi nhìn nhận “Đức Giêsu là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa”(Mt 22,16)? Nếu người Pharisêu này nhìn nhận như thế thì chính nhận thức đó khiến ông ngạc nhiên về cách hành xử của Đức Giêsu khi Người không rửa tay trước mà vào bàn ăn ngay. Bởi nếu, ông này “là bậc thầy trong dân thì phải biết nắm giữ truyền thống của tiền nhân: họ không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận; thức gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn” (Mc 7,3-4).Trước sự ngạc nhiên đó, Đức Giêsu dẫn đưa ông tới sự ngạc nhiên mới “Này các ông, những người biệt phái, bên ngoài chén đĩa, thì các người rửa sạch, nhưng bên trong các người thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà. Đồ ngốc! Đấng làm ra cái bên ngoài lại đã không làm ra cái bên trong sao?”(Lc 11,41). Kiểu nói của Chúa với một người, nhưng lại hướng về số đông: “những người biệt phái”, cho chúng ta thấy rằng Đức Giêsu không trách riêng ông, mà lên án nhóm biệt phái tuân giữ Lề Luật cách vụ hình thức trong mọi công việc, nhất là những việc đạo đức. Họ chỉ quan tâm lo lắng về cái vỏ bên ngoài mà bỏ qua chiều sâu tâm hồn. Sạch và dơ không do đến từ bên ngoài mà phát xuất từ tâm hồn, do đó mọi sự sẽ nên trong sạch khi ta thanh tẩy tâm hồn (x.Lc 11, 39).

Từ sự ngạc nhiên Đức Giêsu đã dẫn đưa người Pharisêu trở về với con đường công chính đích thực. Phần chúng ta là những Kitô hữu, chủng sinh… chúng ta được nhìn nhận là những người sống thánh thiện, đạo đức hơn hẳn người khác, vậy đời sống đức tin của chúng ta có khiến họ ngạc nhiên để dẫn đưa họ đến với Chúa không? Hay ta đang sống lối sống đạo đức của nhóm biệt phái?

Lạy Cha, chúng con được mời gợi trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô con Cha. Xin cho mỗi người chúng con biết thật sự yêu mến Cha, sống theo gương Đức Kitô, để cuộc đời chúng con gột bỏ lòng ích kỷ, tính tự kiêu, sự ghen ghét, thói giả hình mà làm chứng cho Tin Mừng. Amen.


Comments are closed.