[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 10, 38-42″]
Khi ấy Chúa Giêsu vào một làng kia, và có một phụ nữ tên là Martha rước Người vào nhà mình. Bà có người em gái tên là Maria ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người. Martha bận rộn với việc thết đãi khách. Bà đứng lại thưa Người rằng: “Lạy Thầy, em con để con hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao? Xin Thầy bảo em con giúp con với”.
Nhưng Chúa đáp: “Martha, Martha, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện (quá). Chỉ có một sự cần mà thôi, Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất”.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
LẮNG NGHE VÀ ĐÁP LẠI TIẾNG CHÚA
“Chỉ có một sự cần mà thôi, Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất” (Lc 10, 42).
“Tình yêu đáp đền tình yêu, ân tình đền đáp ân tình.” Thiên Chúa là tình yêu, một tình yêu luôn đi bước trước đến với con người. Và Ngài mời gọi con người tự do đáp trả tình yêu ấy. Tin mừng hôm nay đã gợi lên cho chúng ta về những cung cách khác nhau trong việc đáp trả tình yêu dành cho Chúa.
Chúa Giêsu đến một làng kia. Cô Mácta rước Chúa vào nhà mình, tất bật lo việc phục vụ. Cô Maria ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người (x. Lc 10, 38-40a). Cả hai cung cách này nhằm diễn tả tình yêu dành cho Chúa và cần được bổ túc cho nhau. Khi có một sự tách biệt, hoặc xem trọng việc này mà bỏ qua việc kia, như thái độ của cô Mácta nói với Chúa Giêsu: “Lạy Thầy, em con để con hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao? Xin Thầy bảo em con giúp con với” (Lc 10, 40), thì khi đó, Chúa Giêsu nhắc nhở: “Mácta, Mácta, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện. Chỉ có một sự cần mà thôi: Maria đã chọn phần tốt nhất, và sẽ không bị ai lấy mất” (Lc 10, 41-42).
Nếu chỉ đón Chúa vào nhà như một vị khách quý, rồi để mặc Người ngồi đó, không một ai lắng nghe, chuyện trò, thì điều đó chưa hẳn là cách thức đáp trả tình yêu thực sự dành cho Chúa. Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện ông Simôn biệt phái cũng trong Tin mừng Luca, ông đã có dịp đón rước Chúa vào nhà, nhưng không có một cử chỉ, một thái độ nào thể hiện tình yêu và sự hiếu khách. Trái lại, người phụ nữ tội lỗi mới là người đã thể hiện tình yêu dành cho Chúa qua những giọt nước mắt rửa chân, lấy tóc mà lau, lấy dầu thơm mà xức lên chân Chúa (x. Lc 7, 36-50). Nơi người phụ nữ này, cung cách đáp trả tình yêu Chúa là một tâm hồn thống hối ăn năn, tựa như cô Maria đã ngồi bên chân Chúa để nghe lời Người.
Chúa không vào nhà của chúng ta để hưởng thụ những bữa ăn ngon hay tiện nghi vật chất, nhưng Người muốn trò chuyện, chia sẻ những vui buồn sướng khổ với chúng ta. Chúa muốn chúng ta mở cửa tiếp đón Người, bằng một tâm hồn tĩnh lặng ngồi bên chân Chúa để lắng nghe lời Người, chứ không phải bằng những tất bật lo toan bên ngoài. Chúa muốn lắng nghe tiếng nói tâm hồn của chúng ta. Và Chúa muốn chúng ta biết sẵn sàng lắng nghe và tự do đáp lại tiếng Chúa bằng những hành động cụ thể, như cô Mácta và Maria, như người phụ nữ tội lỗi (x. Lc 7, 36-50), hay như ông Giakêu thu thuế (x. Lc 19, 8).
Lạy Chúa, con chẳng đáng được Chúa ngự vào nhà con. Ngôi nhà tâm hồn con, nơi Ngài sẽ đến quả là chật hẹp: hãy nới rộng nó ra, thưa Ngài. Nó đang sụp đổ: xin Ngài sửa nó lại; nó có thể làm đau mắt Ngài, con biết và thú nhận, nhưng ai sẽ lau chùi dọn dẹp nó đây ? Với ai nếu không phải Ngài, con sẽ nài van: “Xin tẩy con hết mọi vết nhơ thầm kín và cả của người khác nữa, lạy Chúa, hãy tha thứ cho tôi tớ Ngài!” Amen. (Tự thuật thánh Augustinô)
[/loichua]