[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mt 5,43-48″]
“Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
TÌNH YÊU ĐỐI VỚI THA NHÂN NƠI NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA KITÔ
“Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,44).
Khi nói đến tình yêu, Kinh Thánh, nhất là Tân Ước diễn tả một tình yêu dâng hiến trọn vẹn – tình yêu Agape. Tình yêu ấy là những dấu chân sâu đậm của Thiên Chúa trên lịch sử nhân loại và cuộc đời từng con người. Trong mối liên hệ sống động với tình yêu Agape, người Kitô hữu được mời gọi đáp trả mối ân tình của Thiên Chúa, qua tình yêu đối với tha nhân.
Theo lẽ thường, tình yêu con người đối với tha nhân bị đóng kín trong phạm vi bà con thân thuộc, bạn hữu và các mối liên hệ xã hội. Lời dạy bảo của Chúa Giêsu, “Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.” (Mt 5,44) hướng con người phá vỡ giới hạn khuynh hướng tự nhiên đang bị đóng kín, để đạt tới mức độ cao cả của tình yêu dâng hiến. Nơi đây, tình yêu được đặt trong mối tương quan sống động với Thiên Chúa, hầu tình yêu được tỏa rộng đến tất cả mọi người, không có hàng rào ngăn cách giữa thân hữu và thù địch. Trong thông điệp đầu tiên, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, đã diễn tả điều này “Tình yêu đó cốt tại chính điều này là, trong Thiên Chúa và cùng với Thiên Chúa, tôi yêu người thân cận cả khi tôi không thích hoặc không biết người đó” (Thông điệp “Deus Caritas Est”, số 18). Tình yêu ấy cần được thể hiện cụ thể qua hành động và lời cầu nguyện cho những con người phản nghịch, lỗi nghĩa với chúng ta.
Hành động mà chúng ta có thể thực hiện đó là sự tha thứ. Tha thứ không phải là tác động thuần túy của tâm lý qua việc quên đi, không chấp lỗi lầm hay sự thương hại với những người xúc phạm đến chúng ta trong quá khứ. Trên hết, tha thứ là một quyết định của tình yêu, qua sự cộng tác của ơn Chúa, để thực hiện cuộc biến đổi thực sự nơi người tha thứ và kẻ được tha thứ. Đồng thời, lời cầu nguyện cho người xúc phạm đến chúng ta là phương thế để nhìn nhận sự hiện diện của tha nhân, thay vì hành động loại trừ, và thực lòng khám phá những khả năng, ưu điểm của họ. Lời cầu nguyện còn là mối dây xúc cảm nối kết tình tương thân tương ái, hầu biết vui mừng và cảm thương với tha nhân. Với hành động tha thứ và lời cầu nguyện, người Kitô hữu khám phá rằng “Chúng ta được gọi để sống, không phải là sống không có người khác, trên người khác hay chống người khác, nhưng là được gọi để sống với người khác, cho người khác và trong người khác” (Tweet của ĐGH Phan xicô ngày 22-05-2017).
Lạy Chúa, trong dụ ngôn “Tên đầy tớ mắc nợ không biết xót thương”, Chúa mời gọi chúng con hãy tha thứ cho tha nhân vì tình yêu của Thiên Chúa đối với mỗi người chúng con thật lớn lao (x. Mt 18, 23-35). Xin cho chúng con biết nhận ra tình yêu của Chúa nơi các biến cố thường nhật, để chúng con yêu thương tha nhân bằng sự tha thứ và cầu nguyện. Amen.
[/loichua]