Thứ 2 Tuần Thánh – Năm A – Ngày 06/04/2020

Lời Chúa: Ga 12,1-11

Sáu ngày trước Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu đến làng Bêtania, nơi Ladarô đã chết được Người cho sống lại. Tại đây người ta dọn bữa cho Người ăn. Martha hầu bàn. Còn Ladarô cũng là một trong những kẻ đồng bàn với Người. Bấy giờ Maria lấy một cân dầu thơm, dầu cam tùng hảo hạng, và xức chân Chúa Giêsu, rồi lấy tóc mình mà lau. Hương thơm toả đầy nhà. Một môn đệ là Giuđa Iscariô, kẻ sẽ phản nộp Người, liền nói: “Sao không bán dầu thơm đó lấy ba trăm đồng mà cho người nghèo khó?” Hắn nói thế không phải vì lo lắng cho người nghèo khó đâu, mà vì hắn là tên trộm cắp, lại được giữ túi tiền, nên bớt xén các khoản tiền người ta bỏ vào đó. Vậy Chúa Giêsu nói: “Hãy để mặc cô ấy làm công việc chỉ về ngày táng xác Ta. Vì các ngươi sẽ có người nghèo luôn bên cạnh các ngươi, còn Ta, các ngươi sẽ không gặp Ta mãi đâu”.

Có đám đông người Do-thái biết Người đang ở đó, nên tuôn đến, không những vì Chúa Giêsu, mà còn để thấy Ladarô, kẻ đã chết được Người cho sống lại. Thế là các Thượng tế quyết định giết luôn cả Ladarô, vì tại ông mà nhiều người Do-thái đã bỏ họ và tin theo Chúa Giêsu.

 


Suy niệm

NHÌN LẠI GIÁ TRỊ THỰC CỦA ĐỒNG TIỀN

“Sao không bán dầu thơm đó lấy ba trăm đồng mà cho người nghèo khó?” (Ga 12,5)

Không biết tự bao giờ, người Việt đã gọi “tiền” “tiền bạc”. Phân tích hai từ “tiền bạc”, chúng ta thấy: tiền là phương tiện trao đổi; bạc, ngoài nghĩa là kim loại quý, nó còn có nghĩa: mỏng manh, sơ sài, bạc bẽo, không trọn vẹn …theo nghĩa thứ hai này thì cách gọi “tiền bạc”, hẳn là cha ông chúng ta đã chơi chữ khi nói về đồng tiền. Nếu ai tôn sùng đồng tiền, thì hãy coi chừng vì tiền dễ đi liền với sự mỏng manh, bạc bẽo, bạc tình và bạc nghĩa.

Quả thực, chính Chúa Giêsu đã cảnh báo rằng: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được” (Lc 16,13). Thật đáng tiếc, hôm nay môn đệ Giuđa lại rơi vào vòng xoáy của đồng tiền. Ông đã để lộ ra sự tôn sùng tiền của khi nói: “Sao không bán dầu thơm đó lấy ba trăm đồng mà cho người nghèo khó?” (Ga 12,5). Câu nói đó cho thấy dường như ông là người quan tâm tới người nghèo, nhưng thực chất không phải vậy. Ông thấy tiếc tiền, giá như chai dầu của Maria không bị đập bể, ông có thể bán và kiếm được một số tiền cho mình. Vì Giuđa là người cầm quỹ, ông thường lấy của chung làm của riêng (x. Ga 12,7). Việc ông làm tôi cho đồng tiền còn tỏ rõ hơn khi ông bán Thầy với giá 30 đồng bạc (x. Mc 14,10; Mt 27,3). Như vậy, Giuđa đã làm tôi tớ cho “tiền bạc” và khước từ Thiên Chúa; “tiền bạc” đã làm ông trở nên bạc tình, bạc nghĩa, bạc nhân cách.

Ngày nay, nhiều người vẫn tôn sùng tiền của như Chúa của họ. Đối với họ, “tiền là tiên là phật”, “đồng tiền đi liền khúc ruột”, “tiền là xương là máu”… Thế nên, con người vẫn rơi vào sự bất hạnh. Có khi vì tiền mà nhiều người bỏ Chúa, bất kính với cha mẹ, mất tình anh em, họ hàng ruột thịt; vì tiền mà họ làm mất đi tình làng nghĩa xóm,…hẳn chúng ta không thể quên được, trong những ngày vừa qua, một số tổ chức, một số cá nhân đã trục lợi trong đại dịch Corona. Họ đã lợi dụng dịch bệnh để kiếm tiền qua việc bán các đồ bảo hộ y tế như khẩu trang, nước rửa tay…với giá căt cổ. Thật đau lòng! Vì tiền mà người ta đã đánh mất đi nhân phẩm, lương tri của chính mình. Có khi nào chúng ta cũng đang làm nô lệ cho “tiền bạc” như vậy không? Dưới ánh sáng Lời Chúa hôm nay, mỗi người chúng ta hãy nhìn lại giá trị thực của đồng tiền. Tiền của chỉ là phương tiện chứ không phải cùng đích của con người. Nếu chúng ta coi tiền là ông chủ, nó sẽ là ông chủ xấu. Nhưng nếu chúng ta coi nó chỉ là phương tiện hỗ trợ trong cuộc sống, thì nó sẽ là phương tiện tốt.

Lạy Chúa, trong tuần thánh này, xin cho chúng con biết nhìn lại giá trị thực của đồng tiền: tiền chỉ là phương tiện để hỗ trợ chúng con trong cuộc sống chứ không phải là Chúa của chúng con, bởi chúng con chỉ có một Chúa là Cha ở trên trời. Amen.


Comments are closed.