[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Ga 14, 21 – 26″]
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Ai nghe các giới răn Thầy truyền và tuân giữ, người ấy là kẻ yêu mến Thầy, và ai yêu mến Thầy, sẽ được Cha Thầy yêu mến, và Thầy cũng yêu mến và tỏ mình ra cho người ấy”.
Ông Giuđa, không phải Giuđa Iscariô, thưa Người rằng: “Lạy Thầy, tại sao Thầy sẽ tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ cho thế gian?” Chúa Giêsu trả lời: “Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. Kẻ không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Lời mà các con nghe, không phải là của Thầy, nhưng là của Cha, Đấng đã sai Thầy. Thầy đã nói với các con những điều này khi còn ở với các con. Nhưng Đấng Phù Trợ, là Thánh Thần, mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, chính Người sẽ dạy các con mọi điều và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con”.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
SỐNG LỜI CHÚA VỚI TẤT CẢ TÌNH YÊU
“Ai yêu mến thầy, thì sẽ giữ lời Thầy” (Ga 14,23)
Trước khi chia tay các môn đệ để bước vào cuộc khổ nạn, Chúa Giêsu chối lại cho họ những lời yêu thương. Ngài muốn củng cố tâm hồn các môn đệ trước những khó khăn và thử thách sẽ xảy đến; cũng như mời gọi các ông sống tương quan tình yêu mật thiết với Ngài. Mối tương quan ấy được kiến tạo và hun đúc qua việc “yêu mến” và “giữ Lời Chúa” : “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ Lời Thầy” (Ga 14,23).
Kinh nghiệm cuộc sống cho chúng ta thấy khi yêu mến ai, ta sẽ đặt trọn niềm tin tưởng vào người mình yêu và làm tất cả những gì người mình yêu mong muốn. Ở đây tình yêu chính là điều kiện, động lực thúc đẩy chúng ta hành động. Cũng thế, tình yêu Thiên Chúa mời gọi chúng ta phải hành động, tức là tuân giữ Lời Chúa. Nếu chúng ta tuân giữ Lời Chúa chỉ vì bổn phận hay vì sợ bị trừng phạt, mà không xuất phát từ tình yêu thì việc tuân giữ Lời Chúa sẽ không mang lại giá trị gì cho cuộc đời chúng ta. Khi đó, việc tuân giữ Lời Chúa sẽ khiến cho chúng ta cảm thấy mệt mỏi, nặng nề tựa như bị trói buộc bởi một thứ luật lệ cấm đoán, hà khắc. Trái lại, khi chúng ta tuân giữ Lời Chúa với tất cả tình yêu, Lời Chúa sẽ trở nên chất sống nuôi dưỡng tâm hồn, làm cho đời sống đức tin được lớn lên và triển nở.
Chúng ta tuân giữ lời Chúa đâu dừng lại ở suy nghĩ hay tuyên xưng trên môi miệng, nhưng là làm cho Lời Chúa sinh hoa, kết trái bằng đời sống dấn thân cụ thể vì “không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa ! lạy Chúa !’ là được vào Nước Trời cả đâu ! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi”(Mt 7,21). Khi tuân giữ lời Chúa, chúng ta đang thể hiện tình yêu của chính mình dành cho Thiên Chúa. Còn “ai không yêu mến Thầy thì sẽ không giữ lời Thầy” (Ga 14,24). Điều này cho chúng ta nhớ lại việc nguyên tổ phạm tội do không tuân giữ lời Chúa: “Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn; nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết”(St 3,16-17). Vì muốn được bằng Thiên Chúa, ông bà đã ăn trái cây Chúa cấm. Từ đó, họ đã tự mình cắt đứt mối tương quan tình yêu với Người và họ không còn ở trong vườn địa đàng như trước nữa. Như thế, việc tuân giữ Lời Chúa và yêu mến Chúa có liên kết mật thiết với nhau và kiến tạo nên đời sống đức tin nơi mỗi người. Chỉ khi “giữ và yêu mến” Lời Chúa thì Thiên Chúa “sẽ đến và ở lại” (Ga 14,23) nơi cuộc đời chúng ta.
“Lời Ngài là sức sống của con, Lời Ngài là ánh sáng đời con”. Lỵ Chúa, xin cho chúng con biết nhận ra giá trị đích thực của Lời Chúa và mang ra thực hành với tất cả tình yêu, nhất là trong từng biến cố cuộc sống thường ngày. Ước gì mỗi chúng con luôn lắng nghe, đọc và học hỏi để Lời Chúa sẽ trở nên nguồn mạch sự sống nuôi dưỡng và biến đổi đời sống đức tin chúng con. Amen.
[/loichua]