[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Ga 10,11-18″]
Khi ấy, Chúa Giêsu phán: “Ta là mục tử tốt lành. Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên. Kẻ làm thuê không phải là chủ chiên, và các chiên không phải là của người ấy, nên khi thấy sói đến, nó bỏ chiên mà trốn. Sói sẽ bắt chiên và làm chúng tản mát. Kẻ chăn thuê chạy trốn, vì là đứa chăn thuê, và chẳng tha thiết gì đến đàn chiên. Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta. Cũng như Cha biết Ta và Ta biết Cha, và Ta thí mạng sống vì đàn chiên. Ta còn những chiên khác không thuộc đàn này; cả những chiên đó Ta cũng phải mang về đàn; chúng sẽ nghe tiếng Ta. Và sẽ chỉ có một đàn chiên và một chủ chiên. Vì lẽ này mà Cha yêu mến Ta, là Ta thí mạng sống để rồi lấy lại. Không ai cất mạng sống khỏi Ta, nhưng tự Ta, Ta thí mạng sống. Ta có quyền thí mạng sống và cũng có quyền lấy lại. Ðó là mệnh lệnh Ta đã nhận nơi Cha Ta”.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
TÌNH YÊU, LINH ĐẠO CỦA MỤC TỬ
“Ta là mục tử tốt lành. Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên” (Ga 10,11).
Mục tử chăn chiên là một hình ảnh gần gũi của người Israel. Chúa Giêsu mượn hình ảnh này để nói về tương quan giữa Người và đoàn dân Chúa. Điều làm Chúa Giêsu chọn hình ảnh này thay vì một hình ảnh khác, là vì tương quan giữa mục tử và đàn chiên không nằm ở vấn đề lợi ích kinh tế, nhưng là tương quan của tình yêu. Giữa đồng cỏ mênh mông, tình yêu của người mục tử chỉ có thể dành hết cho đàn chiên của mình. Tình yêu trở thành linh đạo của mục tử với đàn chiên.
Mở đầu đoạn Tin Mừng, Chúa Giêsu khẳng định với chúng ta rằng “Ta là mục tử tốt lành”. Sự tốt lành của Chúa Giêsu làm cho Người trở nên khác biệt so với những mục tử chăn thuê khác. Sự tốt lành này hệ tại ở tình yêu của Người dành cho đàn chiên. Đối với Chúa Giêsu, mục đích duy nhất của Người ở trần gian là để quy tụ chiên về một đàn và để cho đàn chiên được sống dồi dào, dù phải hy sinh cả mạng sống của mình. Tình yêu đó được thể hiện qua những trang Tin Mừng thật sống động. Người thường rong ruổi trên những nẻo đường, đến với những con chiên bơ vơ để giảng dạy và chữa lành bệnh tật (x. Mt 9,35). Người đến với những con chiên ở tận vùng ngoại biên như Samari để mang chúng trở về đàn (x. Lc 17,11-19, Ga 4,1tt). Người không ngại chung bàn với những con chiên thu thuế và tội lỗi (x. Mt 9,10). Người chạnh lòng khi thấy những con chiên của mình lầm than vất vưởng (x. Mt 9,36), đau khổ (x. Mc 9,22; Lc 7,13), hay đói khát (x. Mt 15,32).Tình yêu thương đàn chiên đạt tới đỉnh là cái chết của Người để đàn chiên là chúng ta được sống trong hạnh phúc của ơn cứu độ.
Nhìn vào mẫu gương mục tử tốt lành của Chúa Giêsu, chúng ta tìm ra một con đường, một hướng sống cho chính mình. Đó là con đường của tình yêu, một cách sống tốt lành như Chúa Giêsu Mục Tử đã sống và đã yêu. Mỗi người trong chúng ta đều có thể là mục tử tốt lành cho ai đó. Dù là Linh mục, tu sĩ hay người sống trong bậc hôn nhân thì Chúa đều trao cho chúng ta những con chiên để chăm sóc. Đối với linh mục-tu sĩ thì đàn chiên là những giáo dân trong cộng đoàn, trong giáo xứ; với người làm cha mẹ thì đàn chiên là những con cái thân yêu; với những người lãnh đạo thì đàn chiên là những người trong tổ, trong nhóm, trong cộng đồng mà Chúa trao phó. Điều mà Chúa Giêsu mục tử muốn chúng ta làm là chăm sóc đàn chiên với tất cả tình yêu của người mục tử, quan tâm đến những nhu cầu của họ, biết chạnh lòng trước những đau khổ khó khăn của họ, chăm sóc họ như thể Chúa Giêsu đã làm, kể cả thí mạng sống mình vì đàn chiên.
Lạy Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành, xin Chúa ban nhiều ơn lành hồn xác cho quý Đức Giám Mục, quý Linh Mục trên toàn thế giới, để các ngài có thể can đảm sống và loan báo tình yêu của Chúa đến tận cùng trái đất. Amen
[/loichua]