Thứ 2 Tuần 32 Thường Niên – Ngày 11/11/2019

Lời Chúa: Lc 17,1-12

Khi ấy, Chúa Giê-su phán cùng các môn đệ rằng: “Không thể nào mà không xảy ra gương xấu, nhưng vô phúc cho kẻ nào gây ra gương xấu. Thà nó bị cột cối đá vào cổ mà ném xuống biển còn hơn là làm gương xấu cho một trong những trẻ nhỏ này. Các con hãy cẩn thận nếu có anh em con lỗi phạm, con hãy răn bảo nó, và nếu nó hối cải, thì hãy tha thứ cho nó; cho dù một ngày nó phạm đến con bảy lần, và bảy lần nó trở lại nói cùng con rằng:’Tôi hối hận’, thì con hãy tha thứ cho nó”. Các tông đồ thưa với Chúa rằng: “Xin Thầy ban thêm lòng tin cho chúng con”. Chúa liền phán rằng: “Nếu các con có lòng tin bằng hạt cải, thì dẫu các con khiến cây dâu này rằng ‘Hãy tróc rễ lên và xuống mọc dưới biển’, nó liền vâng lời các con”.

 


Suy niệm

TRÁCH NHIỆM VỚI NGƯỜI ANH EM

“Nếu có anh em con lỗi phạm, con hãy răn bảo nó, và nếu nó hối cải, thì hãy tha thứ cho nó” (Lc 17,3).

Con người có đặc tính xã hội. Không ai là không thuộc về một cơ cấu hay một tổ chức nào trong sinh hoạt của con người. Ở nơi đó, người ta luôn sống cùng, sống với và sống cho nhau. Cuộc sống đó luôn có những việc tốt nhưng cũng không thiếu các việc xấu, bởi con người thì nhân vô thập toàn.

Điều đó đã được Chúa Giêsu đã khẳng định với các môn đệ trong bài tin mừng hôm nay “Không thể nào mà không xảy ra gương xấu” (Lc 17,1). Nó là một điều không thể tránh khỏi trong đời sống của con người. Dẫu vậy, Chúa lại nói tiếp thật vô phúc cho kẻ nào gây ra gương xấu (Lc 17,1). Điều không thể tránh được và lại bất hạnh cho người tạo ra gương xấu. Vậy cách nào để giải quyết những gương xấu trong đời sống chung. Chúa Giêsu đã đưa ra cho chúng ta một phương cách. Đó chính là biết sửa dạy: “nếu anh em con lỗi phạm, con hãy răn bảo nó” (Lc 17,3). Quả thế, cách tốt nhất để không cho gương xấu xảy ra là hãy giúp người sai lỗi nhận ra lỗi lầm của họ. Việc sửa lỗi cho người anh em phải hết sức chân thành và khéo léo. Chúa mời gọi các môn đệ khi sửa lỗi cho anh em hãy sửa lỗi “một mình anh với nó thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em” (Mt 18,15). Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba nhân chứng… Quả thế, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ hãy kiên trì trong việc sửa lỗi anh em. Không chỉ có thế, Ngài còn mời gọi các ông cũng phải quảng đại trong việc tha thứ cho người anh em đó, khi họ hối cải. Sự hối cải chính là điều mà Chúa muốn thấy nơi người có lỗi. Do vậy, Chúa mời gọi các môn đệ phải đi xa hơn nữa trong việc tha thứ cho anh em mình. Đó là phải tha thứ mãi mãi cho dù một ngày nó lỗi phạm đến con bảy lần và bảy lần đều trở lại nói cùng con rằng “tôi hối hận” thì các con hãy tha thứ cho nó (Lc 17,3). Các môn đệ cảm thấy những điều Chúa dạy ngoài sự hiểu biết của các ông. Do đó, các ngài mới xin Chúa ban thêm lòng tin cho các ông. Đức tin sẽ mở ra cho trí năng những kho tàng khôn ngoan và hiểu biết trong Đức Kitô (x. Cl 2,3).

Thực tế trong đời sống chung, mỗi chúng ta thấy những sai lỗi của con người là không thể tránh khỏi. Đôi khi nó còn làm cớ cho người khác sa ngã. Lời Chúa cho chúng ta phương cách để giải quyết cớ vấp phạm. Bước đầu tiên, chúng ta hãy sửa lỗi cho người anh em lỗi phạm, giúp họ nhận ra lỗi lầm của mình. Sau đó, chúng ta hãy tha thứ người có lỗi. Những điều này thật không dễ chút nào, bởi ai cũng có một cái tôi rất lớn. Thế nhưng, nó lại là trách nhiệm của chúng ta với anh em.

Xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng ta để mở ra cho trí năng những kho tàng khôn ngoan và hiểu biết trong Đức Kitô. Nhờ đó, chúng ta có thể thực thi trách nhiệm cách quảng đại và yêu thương tha nhân hết mình trong việc sữa lỗi và tha thứ cho nhau.


Comments are closed.