[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mt 17, 22-27″]
Khi thầy trò tụ họp ở miền Ga-li-lê, Đức Giê-su nói với các ông: “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ngày thứ ba Người sẽ trỗi dậy”. Các môn đệ buồn phiền lắm.
Khi thầy trò tới Ca-phác-na-um, thì những người thu thuế cho đền thờ đến hỏi ông Phê-rô: “Thầy các ông không nộp thuế sao?” Ông đáp: “Có chứ!” Ông về tới nhà, Đức Giê-su hỏi đón ông: “Anh Si-môn, anh nghĩ sao? Vua chúa trần gian bắt ai đóng sưu nộp thuế? Con cái mình hay người ngoài?” Ông Phê-rô đáp: “Thưa, người ngoài.” Đức Giê-su liền bảo: “Vậy thì con cái được miễn. Nhưng để khỏi làm gai mắt họ, anh ra biển thả câu; con cá nào câu được trước hết, thì bắt lấy, mở miệng nó ra: anh sẽ thấy một đồng tiền bốn quan; anh lấy đồng tiền ấy, nộp thuế cho họ, phần của Thầy và phần của anh.”
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
SỐNG Ý THỨC LÀ CON THIÊN CHÚA
“Vua Chúa trần gian bắt ai đóng sưu nộp thuế? Con cái mình hay người ngoài?” (Mt 17,25)
Đoạn Tin Mừng hôm nay gồm hai phần: phần đầu là lời tiên báo lần thứ hai của Chúa Giêsu về cuộc thương khó và phần sau là việc Chúa Giêsu nộp thuế Đền thờ theo đúng luật Do Thái. Về ngữ cảnh, Đoạn Tin Mừng nằm sau biến cố Chúa Giêsu hiển dung trên núi Tabor, đó là biến cố mặc khải căn tính của Ngài như Lời Chúa Cha phán: “Đây là con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người” (Mt 17, 5). Đây là sứ điệp quan trọng của Tin Mừng theo Thánh Mátthêu : Đức Giêsu Kitô chính là Con Thiên Chúa. Trong suốt cuộc đời rao giảng, Chúa Giêsu không ngừng mặc khải sự thật về căn tính của mình cho các môn đệ, tuy nhiên các ông vẫn chưa hiểu dù được cùng ăn cùng ở với Người (x. Mc 16,18; Mt 9,10). Ngang qua câu hỏi dành cho ông Simôn: “Anh Simôn, anh nghĩ sao? Vua chúa trần gian bắt ai đóng sưu nộp thuế? Con cái mình hay người ngoài?” (Mt 17,25), Chúa Giêsu muốn minh chứng rằng ngài thật sự là Con Thiên Chúa. Bởi lẽ, người con thì không cần phải đóng thuế mà chỉ có người ngoài. Chúng ta càng hiểu rõ hơn ý của Chúa Giêsu qua lời này: “Nhưng để khỏi làm gai mắt họ”, như một ngụ ý rằng đích thực Ngài là Người Con của Thiên Chúa – Đấng là chủ của Đền thờ (x. 1V 8,11). Bởi vì ngài biết rằng không chỉ có các môn đệ mà cả những người Do Thái cũng chưa thể đón nhận mặc khải lớn lao này. Dầu vậy, Chúa Giêsu luôn ý thức Ngài là “Con Thiên Chúa” và không ngừng tỏ mình ra qua lời nói, cử chỉ, các phép lạ, nhất là qua cuộc tử nạn và phục sinh của Ngài.
Câu hỏi của Chúa Giêsu dành cho thánh Phêrô năm nào, thì giờ đây cũng dành cho từng người Kitô hữu. Liệu chúng ta có thực sự ý thức mình đang là con của Thiên Chúa? Nhờ Bí tích Rửa Tội, chúng ta mãi mãi là con của Thiên Chúa qua việc Chúa Thánh Thần ghi khắc vào tâm hồn ta ấn tín không thể tẩy xóa. Tuy nhiên, cuộc sống của chúng ta lại chưa thể hiện được chúng ta đã thuộc trọn về Chúa. Nói một cách khác, dù mang danh là một Kitô hữu nhưng những lời nói và cung cách sống đạo của chúng ta lại chưa giới thiệu về Chúa cho những anh chị em chưa biết Chúa.
Lạy Chúa Cha nhân lành, được làm con của Cha là điều quý giá nhất trong cuộc đời của chúng con. Tuy nhiên, cuộc sống của chúng con lại chưa trở thành chứng tá cho Ngài, vì chưa trở nên giống Chúa Giêsu. Xin Chúa Cha ban Thánh Thần, để chúng con không chỉ ý thức mà còn thêm can đảm để sống đúng với tư cách là con của Chúa Cha – Đấng giàu lòng thương xót. Amen.
[/loichua]