Báo chí tại Rôma đã nhanh chóng tường thuật về cái chết đột ngột của Đức Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc. Nhân dịp này, thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc đã có cuộc gặp gỡ với Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám Mục giáo phận Xuân Lộc.
Học tập, giảng dạy, làm việc trong nhiều năm tại Rôma, Đức Cha Đạo đã đóng một vai trò phiên dịch quan trọng trong chuyến hành hương ad limina lần này của các Giám Mục Việt Nam.
Ngài ngậm ngùi nói với thông tấn xã Fides:
“Cái chết bất ngờ và bi thảm của Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, Tổng Giám Mục thành phố Hồ Chí Minh (trước đây gọi là Sàigòn), trong chuyến hành hương ad limina tại Rôma, đã làm chúng tôi xúc động sâu xa. Ơn quan phòng của Chúa muốn gọi Đức Tổng Giám Mục đến với Ngài vào lúc này. Mặc dù phải chịu nỗi đau mất đi một người anh em yêu dấu, nhưng giờ đây chúng tôi cảm thấy sự hiện diện của Thiên Chúa trong sự kiện này: chúng tôi tự hỏi chính mình Chúa muốn nói với chúng tôi điều gì qua sự kiện này”
Đức Cha Đạo, Giám Mục giáo phận Xuân Lộc, đã chia sẻ như trên với thông tấn xã Fides, thay mặt cho Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, đang trong chuyến hành hương ad limina tại Vatican, sau cái chết của Đức Tổng Giám Mục Sàigòn hôm qua, ngày 6 tháng 3, tại Rôma.
Hồi tưởng lại những kỷ niệm cá nhân của mình với Đức Tổng Giám Mục quá cố, Đức Cha Đinh Đức Đạo cho biết: “Chúng tôi là những sinh viên học chung với nhau tại trường Truyền Giáo Urbanô. Ngài là một con người, một linh mục có trái tim luôn tràn đầy niềm vui của Chúa. Khẩu hiệu giám mục của ngài là ‘Ad Deum laetitae mae’, nhấn mạnh đến niềm vui mà mọi người đã chịu phép rửa tội tìm thấy nơi Chúa Kitô.”
“Ý chí và sứ mệnh của ngài là mang niềm vui Phúc Âm đến với mọi người và hướng dẫn dân Chúa được ủy thác cho ngài biết sống niềm vui của Chúa. Hôm nay ngài đang ở trên thiên đàng để tận hưởng niềm vui này”
Đức Cha Đinh Đức Đạo nói thêm tại Tổng Giáo phận Sàigòn “công việc mục vụ của ngài nhắm đến việc xây dựng và sống tình hiệp thông và hiệp nhất giữa tất cả các thành phần khác nhau của Giáo Hội địa phương. Bên cạnh đó, có nhiều người nhập cư và người nghèo sống ở thành phố này, và việc tông đồ mà ngài cổ võ và tổ chức đã dành một sự chú ý lớn cho người nhập cư, theo tinh thần tiếp đón, liên đới, và phục vụ”.
Ngày nay, trên thực tế, có một hiện tượng khổng lồ những người di cư nội địa tại thành phố này, trong bối cảnh người dân nông thôn đang đổ xô về các thành phố lớn. Trong một thành phố có đến 7 triệu dân như thành phố Sàigòn, trong vài năm gần đây lại có thêm hai triệu người nữa đổ vào, trong đó 10% là người Công Giáo. Đức Tổng Giám Mục đã cố gắng phối hợp, qua Caritas tổng giáo phận, tất cả các thành viên của Giáo hội địa phương như các dòng tu, giáo xứ, các phong trào giáo dân, để đáp ứng nhu cầu của những người này. Giải thích ý nghĩa của sự dấn thân này, Đức Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc đã từng nói với thông tấn xã Fides: “Chúng tôi tiếp tục thể hiện sự chú ý của chúng ta đối với người nghèo và người yếu thế, như một chứng tá cho tình yêu của Chúa Kitô và như là một dấu chỉ của sự chăm sóc cho thiện ích chung của xã hội”.
Nguồn | giaophanxuanloc