Lts. Những con số ngày tháng, 25 tháng 12…có thể gợi lên những nếp cũ quen thuộc nhưng đồng thời, vẫn đang diễn ra những điều mới mẻ. Mỗi năm, mỗi mùa Giáng Sinh lại là một mùa ân phúc mới…
Trong bộ sách ‘Đức Giêsu Thành Nazareth’, tập nhất, ‘Thời Thơ Ấu của Đức Giêsu’, phát hành năm 2012, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhận định ‘Vấn nạn về nguồn gốc cũng là vấn nạn về hữu thể và sứ vụ của Đức Giêsu’. Trong cuộc hỏi cung Đức Giêsu, ông Philatô bất ngờ đặt câu hỏi cho bị cáo: ‘Ngài từ đâu đến?’. Những kẻ tố cáo kêu gào đòi giết Đức Giêsu, họ giải thích rằng Đức Giêsu này tự xưng là Con Thiên Chúa, một xúc phạm mà lề luật buộc phải xử tử. Vị thẩm phán duy lý La mã, nói lên nghi ngờ của mình trong câu hỏi về chân lý (x. Ga 18:38), có lẽ xem lời tự xưng của bị cáo thật buồn cười. Dù vậy ông ta cũng sợ hãi. Bị cáo trước đó đã tuyên bố, mình là vua, nhưng Nước của mình ’không xuất phát từ thế gian này’ (Ga 18:36). Bị cáo đã giải thích một cách bí ẩn về ‘việc xuất phát từ đâu’ và ‘để làm gì’, khi nói: ‘Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian, để làm chứng cho sự thật’ (Ga 18:37)
Đoạn văn này là những dòng đầu tiên viết về thời thơ ấu của Chúa Giêsu. Đức Thánh Cha dùng cùng một phương pháp ‘Kérygma’ của các tông đồ, từ nhãn quan Phục Sinh hiểu toàn bộ cuộc đời của Chúa…Trong chiều hướng này, chúng ta cùng với cha Karl Rahner chiêm niệm mầu nhiệm Chúa Giáng Sinh…
Ta hãy chiêm ngắm Chúa để thấy Chúa đặt mình vào thời gian như thế nào! Quả là mạo hiểm, khi liều bước vào một gia đình, trong khoảng thời gian nào đó, với sự sống Thiên Chúa! Thiên Chúa biểu hiện trong xác thân!
Chúng ta thường phải chịu đựng khi sống trong một hoàn cảnh, hoàn cảnh là kết quả của lịch sử đã qua với những yếu tố tạo nên. Chúng ta thường bị cư xử như một ‘đồ chơi’ của chính trị và phải đau khổ nhiều. Chúng ta lo lắng nhìn về tương lai. Chúng ta tự hỏi làm cách nào, với những điều kiện như thế, cuộc sống chúng ta hoạch định cho mình có thể thực hiện được. Ưu tư về cuộc sống và không tin được những gì nó cho thấy, chúng ta thường xuyên tự hỏi liệu thực tế sẽ cho ta những dữ liệu cần thiết để hoạch định đời sống chúng ta không.
Ngôi Lời Thiên Chúa liều bước vào thực tế tẻ nhạt để trở nên ‘một người gây rối’ bị loại trừ, người nhà của một gia đình bị bóc lột, và công dân của miền đất bị nô lệ. Người đã được sinh ra trong nghèo nàn, trong chuồng chiên bò, vì Maria và Giuse không được tiếp nhận trong quán trọ. Do đó thánh Phaolô đã có thể nói về Chúa: ‘Vì anh em, Người đã nên nghèo khó, dù Người giàu có’ (2Cor 8:9). Vì cảnh nghèo khó này không phải hiếm nên không ai để ý tới. Điều mà Maria và Giuse trải qua tại Bêlem có lẽ không gây sốc mạnh cho các Ngài. Đúng hơn, các Ngài đón nhận như cách đối xử bình thường dành cho dân nghèo.
Tuy nhiên, việc sinh ra trong hoàn cảnh tầm thường và thấp hèn như thế, ít nhất, theo cách suy nghĩ của chúng ta, xem ra khó mà thích hợp cho một khởi đầu của một cuộc đời rạng rỡ. Tất cả những hoàn cảnh của việc Chúa Giêsu chào đời cho thấy việc sinh ra trong nghèo nàn, rất bình thường, và quá tầm thường. Vì việc sinh ra quá nghèo khó, cũng vì hoàn cảnh như thế mà người ta không thể nói trước về một cuộc đời quý phái. Việc Người được sinh ra không hề được ai biết đến: nó xẩy ra ở một góc ngoài bìa làng, và dân chúng đương thời còn bận tâm về những chuyện khác. Chỉ một vài mục đồng rách rưới khám phá đó là biến cố của trời cao, lịch sử trên đời tuyệt nhiên không màng tới.
Dầu sao chính việc được sinh ra cũng là chuyện đau lòng. ‘Được sinh ra’ có nghĩa đi vào hiện hữu mà không được hỏi ý kiến. Tính chất ‘nay còn mai mất’ và không được hỏi ý kiến khi bước vào hiện hữu là những yếu tố thuộc về thực tại của hữu thể hữu hạn. Điểm khởi đầu của cuộc đời ta, cuộc đời xác nhận mãi mãi có sự khởi đầu đến nỗi chúng ta không bao giờ thoát khỏi, lại nằm trong tay người khác. Chấp nhận tình huống không thể thay đổi này là cái gì đó thuộc về những thành tố căn bản của hiện hữu làm người và đặc biệt hiện hữu làm Kitô hữu. Thực tại làm người của Ngôi Lời Thiên Chúa không thể có số phận khác với số phận tạo vật, ít nhất không khác vào giây phút được tạo nên do quyền năng sáng tạo của Thiên Chúa. Ngay cả Thiên Chúa phải bắt đầu hiện hữu!
Chúng ta có thể hình dung những điều lạ lùng nhất về vinh quang của thơ nhi này, được ban cho ta, nhưng việc Người sinh ra, bất cứ thế nào, là sự tự hạ chấp nhận bị tước đoạt. Qua việc được sinh ra, Chúa thực sự mặc vào mình lịch sử của chúng ta. Làm cách nào chúng ta có thể và phải hòa hợp sự kiện này với những điều trổi vượt mà thần học diễn tả một cách chí lý về Chúa, và đây là một vấn đề khác. Ở đây chúng ta nên ghi nhận rằng Chúa vào trong trần gian cùng cách thức như chúng ta, đến nỗi đi đến cái mức với những sự việc cố hữu của hiện sinh làm người, và bắt đầu chết. Trong số 116 sách ‘Linh Thao’ thánh Inhã muốn người thao luyện ‘quan chiêm Maria, Giuse và những người khác đang làm gì, chẳng hạn, lên đường ra đi, lao động cực nhọc và trong hoàn cảnh đó Chúa chúng ta được sinh ra trong sự khó khăn tột cùng, và sau biết bao lao nhọc, đói, khát, nóng bức, lạnh lẽo, sau những sỉ vả khinh khi, Người phải chết trên thập giá, tất cả vì tôi’. Theo thánh Inhã, chúng ta cần chiệm niệm đời sống của Chúa mà không ‘gột’ chân chất đi, không dùng lời lẽ lãng mạn, và không ủy mị. Suy niệm việc Chúa sinh ra, chúng ta cần chiêm ngắm cho rõ điểm sau đây: Được sinh ra, Lời nhập thể bắt đầu đi đến cái chết và mọi việc được nói tới trong câu truyện sinh ra của Chúa là báo trước đích đến trong nghèo khó tột bực, yếu thế hoàn toàn và chết tất tưởi.
Trong viễn tượng này của câu truyện sinh ra của Chúa Kitô, chúng ta còn không được quên rằng một thực tại mới và vĩnh cửu biểu hiện trong cuộc sinh này. Thực tại này không chỉ là sự trường cửu như sự bất tử bẩm sinh của một chủ thể thiêng liêng, nhưng còn là sự trường cửu của một chủ thể làm người có giá trị trước nhan Thiên Chúa: đời sống trong ‘vinh quang Thiên Chúa’. Hài nhi vừa cất bước trong hành trình cuộc đời từ lòng mẹ, vẫn mãi mãi thực là Thiên Chúa. Bây giờ khi ta chiêm ngắm Thiên Chúa, chúng ta luôn nhìn thấy một con người mà lịch sử cuộc đời đã bắt đầu với cuộc sinh ra đầy ân phúc. Qua việc sinh ra này, lòng lành, tình yêu và lòng ‘từ hậu ái nhân’ của Thiên Chúa biểu lộ (Ti 3:4-7). Đàng khác, thân phận người sẽ chỉ trở nên đáng yêu khi bảo đảm được chết hạnh phúc, khi Thiên Chúa thiết lập việc khởi đầu của cái kết thúc này bằng phú ban phúc lành của chính Người trong suốt cuộc đời. Chỉ với như thế, người đời mới sống nổi. Nếu không, đời người chỉ là một vấn nạn cho bản thân, cho mọi kẻ khác, một vấn nạn không có lời đáp, bởi vì vô vàn vấn đề chồng chất: Sự siêu việt hướng tới vô biên, sự hữu hạn, tinh thần và xác thịt, vận mệnh vĩnh cửu và thân phận mau qua trong thời gian, cái đầy vơi trong cuộc đời.
Trước những vấn đề căn bản liên hệ tới hiện hữu làm người của chúng ta, chúng ta không có giải đáp thực sự nào ngoài nơi một người được sinh ra như một thành viên của giống nòi chúng ta và giống chúng ta mọi đàng. Thực tại làm người của người ấy và cũng là của chúng ta, có ý nghĩa và hướng đi, và quả thực có cả cái lý hữu vượt trên sức hiểu của chúng ta, vì Ngôi Lời hằng hữu Thiên Chúa đã được sinh ra, là sự biểu lộ diễm phúc của mầu nhiệm của Đấng ‘vô thủy vô chung’, và vì là Thiên Chúa, khi Người muốn tự tỏ mình, thì đã tỏ mình làm người. Đây là khởi đầu của ‘thời sau hết này’ (1Cor 10:11).
Trước biến cố này, cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và nhân loại rộng mở, không ai biết cuộc đối thoại sẽ đi về đâu hay sẽ kết thúc thế nào. Thiên Chúa giữ lại cho riêng mình những bước diễn tiến của nó (Eph 3:9). Không ai có thể nói gì về lịch sử thế giới sẽ kết thúc ra sao trước khi Chúa Kitô đến. Nhưng với sự kiện Chúa chào đời, Lời tuyệt đỉnh của Thiên Chúa đã cất vang lên trong thế giới: Thiên Chúa thiết lập Lời của Chúa làm Lời của thế giới, đến nỗi hôm nay đây, như đã diễn ra, Lời và tiếng gọi của Thiên Chúa và lời thưa đáp của thế giới hòa hợp trong một Thiên Chúa-làm Người và muôn đời vẫn là một chủ thể. Vì lý do này mà lịch sử thế giới thực sự đi vào cuộc đối thoại với Thiên Chúa và kết thúc trong Thiên Chúa. Chẳng có gì bất ngờ lại có thể xẩy ra. Do đó các thiên thần hân hoan và lời loan báo nhiệm mầu về ‘vinh quang’ của Thiên Chúa trên trái đất hòa nhịp với sự kiện Giáng Sinh. Vào thời trước sự kiện này, Thiên Chúa từ chối loan tin ấy và thực sự chưa thể thực hiện điều ấy, vì thế giới còn thiếu bình an và thiếu hiệp nhất bên trong mà chỉ có thể có từ ‘lòng lành’ của Thiên Chúa.
Lúc này chỉ còn một vấn đề đặt ra cho chúng ta: Chúng ta đáp lại như thế nào Lời tuyệt đỉnh của Thiên Chúa đã được ban cho thế giới, lời từ bi của Thiên Chúa đã đến trong thế giới, lời nói lên Thiên Chúa hoàn toàn đón nhận loài người? Chân trời thế gian của hiện hữu làm người của chúng ta nhất thiết phải là Lời của Thiên Chúa, Đấng đã bước vào thế giới. Chúng ta không thể dửng dưng trước chân trời thế giới này. Đây chính là gốc sinh ra hoặc sự khắc khoải điên đảo hay niềm vui sâu xa trong tâm hồn. Giờ đây ta hãy chiêm niệm những sự kiện ấy trong lòng như Đức Mẹ Maria (Lk 2:19).
Linh mục Gioan chuyển ngữ
Đại Chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc.
—————————————————————————————–
[1] Linh Thao, dg. Kenneth Baker, S.J. (New York: Herder and Herder, 1965), 146-150