Phúc Cho Ai Không Thấy Mà Tin (Ga 20,29) – Bài Giảng Chúa Nhật 2 Phục Sinh – Năm C

Giáo Hội đã bước vào mùa Phục sinh từ chủ nhật tuần trước. Chúa Giêsu Phục sinh đã từ cõi chết bước qua sự sống. Đối với các môn đệ của Ngài, chiều thứ sáu đã là một thử thách đau thương. Chính bản thân họ không còn tự hào về mình. Cảm thấy nguy hiểm gần kề, họ đã bỏ chạy hết; ông Phêrô đã ba lần khẳng định là không biết Ngài. Còn các ông khác đã phản bội lòng tin tưởng của Thầy mình.

Ngay chính lúc mà họ không còn một chút hi vọng gì thì chính Chúa Giêsu đã đến gặp họ. Ngài có thể trách họ: “Tại sao anh em lại bỏ Thầy trong lúc Thầy chịu khổ nạn? Và Phêrô, tại sao anh lại chối Thầy? Tại sao anh không tin vào Thầy?”. Nhưng Ngài đã không trách họ điều gì cả. Trái lại Ngài nói với họ về sự bình an, và chúc họ: “Bình an cho anh em”, Ngài muốn trấn an họ, giúp họ lấy lại can đảm và tin tưởng, để họ có thể làm lại cuộc hành trình cho một sứ mạng rộng lớn đang chờ đợi họ.

Ngày hôm nay, cũng còn những kitô hữu thất vọng và chán nản qua cách sống của mình. Sau khi đã lãnh nhận tình yêu của Thiên Chúa cho cuộc sống, cuối cùng họ rời xa Ngài: họ nói: “Chán quá, tôi không còn ra trò gì nữa. Xưng tội có ích gì, xưng tội rồi phạm lại, thì xưng làm gì! Trong chính lúc mệt mỏi chán chường đó mà Chúa tìm cách gặp họ. Ngài không muốn đưa ra những lời trách cứ, nhưng giúp họ tìm lại bình an và niềm vui sống. Ngài muốn có những liên hệ thân hữu và tin cậy lẫn nhau với mọi người nhằm chuẩn bị thực hiện sứ vụ mà Ngài ủy thác cho họ. Ngài sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta ngay cả khi chúng ta quay lưng lại với Ngài.

Đó là sự bình an mà Chúa muốn cho ban các môn đệ của Ngài và cho từng người chúng ta. Chính vì lẽ đó mà Ngài ban quyền năng tha thứ tội lỗi. Bí tích tha thứ là cuộc gặp gỡ với Chúa không ngừng yêu thương chúng ta. Chính lúc quay trở lại với Ngài và hòa giải với Ngài mà chúng ta tìm lại sự bình an đích thực. Chỉ cần chúng ta chìm vào trong đại dương tình yêu ở trong Ngài. Chúng ta hãy nhớ lại dụ ngôn người con hoang đàng: khi một người tội lỗi trở về, Thiên Chúa mở tiệc ăn mừng.

Và đó là cuộc gặp gỡ thứ nhất của Chúa Giêsu với các môn đệ của Ngài. Ngày đó, ông Tôma vắng mặt. Khi anh em kể lại những gì đã xảy ra, thì ông đòi bằng chứng. Ông muốn thấy tận mắt và sờ tận tay. Vậy cần phải có một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu để vượt qua sự bất tín ấy. Đối với chúng ta cũng thế, chúng ta có được chứng từ của cha mẹ, thầy cô dạy giáo lí, và của những người mà chúng ta gặp gỡ trên đường. Nếu không, chúng ta sẽ rất khó lòng mà khám phá ra Đức Kitô. Nhưng những điều đó chưa đủ, cần phải có một sự gặp gỡ thực sự với Đức Kitô phục sinh.

Cũng như Tôma, chúng ta cần những nơi chốn mà chúng ta có thể diễn tả sự hoài nghi của chúng ta. Đối với ông, đó là nhóm các môn đệ. Đối với chúng ta, đó sẽ là cộng đoàn giáo xứ, một nhóm nghiên cứu hay cầu nguyện nào đó. Chính khi cùng với nhau, với mọi người mà chúng ta có thể như ông Tôma “sờ” được Đức Kitô phục sinh. Nếu bản thân chúng ta không đi đến với Ngài, nếu chúng ta không sờ vào Ngài trong lời cầu nguyện và trong các bí tích, đức tin của chúng ta sẽ tàn héo và không động lực. Làm sao chúng ta có thể là những người tín hữu mà không trở thành những người thực hành gặp gỡ thường xuyên với Đức Kitô?

Trong cuộc lữ hành đức tin ấy, chúng ta lấy trường hợp Tôma để làm gương. Chúng ta có thói quen cười nhạo sự cứng lòng của ông. Nhưng cần phải nhìn lại cho kĩ. Thật ra, ông đã đi xa hơn anh em mình vì ông là người đầu tiên đã nói: “Lạy Chúa, và Thiên Chúa của con!” Điều đó có nghĩa là đức tin của ông đã thúc đẩy ông thờ lạy. Đức Kitô phục sinh không chỉ là một người bạn mà ông đã biết: Ngài còn là “Chúa của tôi và là Thiên Chúa của tôi”.

Điểm cuối cùng là cả hai lần gặp giữa Chúa Giêsu và các môn đệ đều xảy ra vào ngày thứ nhất trong tuần, nghĩa là vào ngày Chủ nhật. Cũng chính vào ngày đó mà Ngài gặp các cộng đoàn nhóm họp nhân danh Ngài. Ông Tôma đã vắng mặt lần đầu; ông phải chờ đợi tám ngày sau, nghĩa là chủ nhật sau đó để nhận ra nơi Chúa Giêsu “Chúa và là Thiên Chúa của con!”

Cũng chính Đức Kitô phục sinh ấy chờ đợi chúng ta ở nhà thờ. Rất thường chúng ta sẵn sàng nại đủ mọi lí do để không đến tham dự. Dù sao thì sự gặp gỡ với Ngài cũng là giây phút quan trong nhất trong tuần. Ngài đến mang lại bình an cho chúng ta. Ngài nuôi dưỡng chúng ta bằng Lời và Tiệc Thánh Thể của Ngài. Chúng ta đến kín múc nơi nguồn suối cho phép chúng ta nuôi dưỡng đức tin và làm chứng.

Ngày hôm đó, ông Tôma đã trải qua một ngày chủ nhật rất đẹp. Còn chúng ta phải làm cho 52 ngày chủ nhật cũng đẹp như thế.

Phục vụ Lời ĐCV Xuân Lộc

Comments are closed.