Chúng ta bắt đầu suy tư từ câu chuyện về hai hạt giống:
Hạt giống thứ nhất nói: “Tôi muốn lớn lên! Tôi muốn rễ đâm sâu vào trong lòng đất, lộc đâm xuyên lên mặt đất… tôi muốn đâm chồi nảy lộc để báo hiệu mùa xuân tới… tôi muốn cảm nhận được sự ấm áp của Mặt Trời và hứng trọn những giọt sương mai đọng trên cánh hoa…”.
Và hạt giống thứ nhất chôn vùi vào lòng đất, bị mục nát… nẩy mầm, được lớn lên như đúng ý nguyện. Rồi đơm hoa kết trái thơm ngon…
Hạt giống thứ hai nói: “Chà, nếu tôi đâm rễ xuống lòng đất, tôi không biết mình sẽ gặp phải những thứ gì trong bóng tối. Nếu tôi đâm chồi lên mặt đất rắn chắc, những nhánh mầm non yếu ớt của tôi có thể bị hỏng… nếu tôi đâm chồi rồi bị một con ốc sên ăn mất thì sao? Nếu tôi nở hoa, một đứa trẻ có thể tiện tay hái hoa. Không, tốt hơn là cứ đợi đến khi nào an toàn”…
Và hạt giống thứ hai cứ chờ đợi như ý muốn…
Vào một buổi sáng mùa xuân, một con gà mái đi loanh quanh trên mảnh đất. Nó tìm thấy hạt giống thứ hai đang nằm đợi và nhanh chóng ăn mất…
Hành trình trĩu hạt của hạt giống thứ nhất là hình ảnh biểu tượng của hành trình hình thành nhân cách chúng ta dưới sự nuôi dưỡng của văn hóa… Con người cũng cần cắm sâu trong cội nguồn, với một không gian văn hóa và thời gian nhất định, tiếp thu những giá trị của văn hóa, dần lớn lên… theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Một con người dần lớn lên được coi là có năng lực phải là con người có kiến thức khoa học, khả năng ứng dụng để góp phần phát triển kho tàng tri thức của nhân loại, con người có phẩm chất là con người sống những giá trị cao quý cho mình có chiều sâu tâm hồn, thấm nhuần giá trị tinh thần văn hóa của nhân loại, của dân tộc, để có sức đi xa hơn trong cuộc sống cá nhân và mang hoài bão trong từng bước đường phục vụ cộng đồng…
I. Hình thành giá trị sống dưới mái nhà chung của nhân loại
Theo Robert Campeau, các thành viên trong một xã hội chia sẻ cùng một thế giới quan, những giá trị, những biểu tượng và chung một ngôn ngữ. Hơn nữa, những cách xử sự của những thành viên phải phù hợp với những giá trị và thế giời quan bao quát trong xã hội mà họ là thành viên. Văn hóa quy định những kiểu mẫu cách hành xử luôn đi kèm với những chuẩn mực xã hội được hình thành một phần trên những truyền thống dân tộc. Thông qua nghiên cứu và phân tích, Robert Campeau giới thiệu những kiểu mẫu cư xử như “những hoa trái cây văn hóa” được nuôi dưỡng bằng “nhựa sống của các giá trị” đến từ “gốc rễ truyền thống”, nối kết với thân cây tư tưởng và được biểu thị sống động bằng “ những chiếc lá biểu tượng và ngôn ngữ”[1] . Một nền văn hóa luôn tạo ra những kiểu mẫu riêng dựa trên những giá trị riêng đặc trưng của một dân tộc, cho thành viên tuân theo, nhà nhân loại học Linton sau khi nghiên cứu cách hành xử cá nhân thành viên theo kiểu mẫu xã hội xây dựng, đã kết luận về tương quan những cách sống chung theo chuẩn văn hóa của mỗi dân tộc và hành xử cá nhân:
“Những kiểu mẫu văn hóa mà sự sống còn của cả xã hội lệ thuộc, được xây dựng như kiểu mẫu trả lời cách hành xử thường ngày nơi những cá nhân thành viên”[2].
Những kiểu mẫu văn hóa, chính là những mô hình, giá trị sống của một dân tộc.
Giá trị sống có ý nghĩa và vai trò quan trọng tạo ra động lực thúc đẩy con người phát triển: tạo ra động cơ cho hành động, hành vi; thúc đẩy ham muốn hướng đến chân, thiện, mỹ; giải quyết tốt những mâu thuẫn cùa cá nhân với cộng đồng, với tự nhiên…[3]. Giá trị sống được xem là cần thiết, có ảnh hưởng chi phối đến tình cảm, thái độ, hành vi của một cá nhân và là những nguyên tắc hướng dẫn, giúp ta chọn đúng đường đi. Giá trị sống được hình thành trong quá trình phát triển của mỗi cá nhân, đặc biệt, giai đoạn vị thành niên (10-18 tuổi) là giai đoạn có ý nghĩa nhất[4]. Đó là độ tuổi mà thanh thiếu niên ngồi trên ghế học đường, và nhà trường có trách nhiệm trực tiếp và trên hết chuyển giao cho các em, nhất là trong việc chuyển giao giá trị sống trong giai đoạn thanh thiếu niên…
Nhà tâm lý giáo dục học Diane Tillman có công trình “Những giá trị sống cho tuổi trẻ”[5], một tài liệu cũng đang được ứng dụng để phổ biến và giảng dạy của Chương trình Giáo dục các giá trị sống khắp nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Công trình phân tích các giá trị và các điểm thảo luận, suy ngẫm cũng như các bài tập thực hành thiết thực 12 giá trị sống: hòa bình, tôn trọng, yêu thương, khoan dung, trung thực, khiêm tốn, hợp tác, hạnh phúc, trách nhiệm, giản dị, tự do và đoàn kết đã được UNESCO, UNICEF[6] cùng các nhà giáo dục đưa ra và xây dựng thành một chương trình giáo dục. Đó là những giá trị sống phổ quát chung cho toàn nhân loại.
II. Giá trị sống Việt Nam qua các nghiên cứu
Riêng những giá trị sống của người Việt Nam, những nghiên cứu ve xã hội, văn hóa và con người Vtệt Nam, chúng ta ghi nhận từ các công trình nghiên cứu tiêu biểu:
Joel Luguem trong tác phầm tiếng Pháp Le Vietnam[7] nhấn mạnh đến các giá trị sống Việt Nam: cần cù, trí (khi ham học, khôn ngoan…) dũng cảm (và khi kiên trì, chịu đựng, bền bỉ), tín – lòng tin…
Tác giả Lê Hữu Khoa trong tác phẩm tiếng Pháp l’Immigration confuceenne en France, on s’exile toujours avec ses ancêtres (Sự nhập cư Khổng giáo ở Pháp, chúng tôi luôn luôn đi lưu vong với tổ tiên)[8] nhấn mạnh giá trị: nhân đạo, trung thực, lịch thiệp, khôn khéo, lòng tin và những đức tính khác như cần, kiệm, liêm, chính. Từ “diligence – chuyên cần” được thay bằng “travailleur – siêng năng làm việc” mang cùng nội dung.
Việt Nam Văn Hóa Sử Cương xuất bản năm 1938 của Học giả Đào Duy Anh nhấn mạnh đến các đức tính nơi người Việt bao gồm: trí (vì ham học, thông minh…), cần, nghĩa (hy sinh vì đại nghĩa), lễ (trọng lễ giáo), dũng (biết nhẫn nhục)…[9].
Học giả Nguyễn Vãn Huyên trong Văn minh Việt Nam[10], nhấn mạnh đến các tính cách nơi người Việt bao gồm: trí (bắt chước và óc thực tế), cần, nhẫn nại (một phần của đức dũng)… Giáo sư Trần Văn Giàu trong Giá trị tinh thần truyền thống dân tộc Việt Nam đã khái quát những phẩm chất tinh thần truyền thống tốt đẹp của người Việt thành bảy giá trị tinh thần cốt lõi: “Yêu nước, cần cù, anh hùng, sáng tạo, lạc quan, thương người, vì nghĩa”[11] . Nhấn mạnh đến tính cách người Việt là trung tín (yêu nước), anh hùng (phải có sự dũng cảm), trí (sáng tạo), nhân (thương người) và nghĩa tình…
Trong Tìm hiểu tính cách dân tộc, giáo sư Nguyễn Hồng Phong[12] nhấn mạnh đến các đức tính nơi người Việt Nam: lễ (trọng đạo đức), cần, kiệm, trí (óc thực tiễn), dũng cảm và trung tín (yêu nước bất khuất), nhân ái…
Giáo sư Trần Đình Hượu trong nghiên cứu Về vấn đề tìm đặc sắc văn hóa dân tộc[13], nhấn mạnh đến dũng, trí và một phần của nhân, của nghĩa (khi biết dung hòa, hòa nhập)…
Giáo sư Phan Ngọc trong Văn hóa Việt Nam và cách tiếp cận mới[14] chỉ ra một số đặc trưng nổi trội của người Việt là trí, cần, tín, liêm, chính, nghĩa, kiệm, nhân, lễ…
Nhà xã hội học Đoàn Văn Chúc cũng là nhà nghiên cứu văn hóa trong công trình Xã hội học văn hóa[15] đề cập đến những đức tính được gọi là ngũ thường: “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” làm thành những giá trị căn bản trong cuộc sống thường nhật của người dân Việt.
Học giả Trần Trọng Kim nghiên cứu quá trình lịch sử của dân tộc Việt Nam ghi chú: Người Việt “trí tuệ minh mẫn, học chóng hiểu, khéo chân tay, nhiều người sáng dạ, nhớ lâu, lại có tính hiếu học, trọng sự học thức, quý sự lễ phép, mến điều đạo đức: lấy sự nhân, nghĩa, lễ, trí, tín làm năm đạo thường cho ăn ở”[16].
Linh mục Nguyễn Hữu Tấn cho rằng những đức tính “cần”, “kiệm”, “liêm”, “chính”, “dũng”, “trí”, “tín”, “nhân” là những kiểu mẫu rèn luyện trong giáo dục nhân cách, đó là “nền” cho giáo dục toàn vẹn con người Việt. Mỗi kiểu mẫu biểu hiện bao gồm những phẩm chất khác. Chẳng hạn đức tính “nhân” bao gồm yêu đồng loại, tha thứ, khoan dung…[17]
Những đức tính nhân bản là những đức tính tự nhiên giúp người có giáo dục và rèn luyện, đạt được mức trưởng thành nhân bản. Theo giáo trình Giáo dục nhân bản: Những đức tính nhân bản Á Đông trong đó có Việt Nam được trình bày ngắn gọn, dễ nhớ, gồm mười đức tính trong hai mối tương quan. Với bản thân: cần, kiệm, liêm, chính, dũng. Với tha nhân: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín[18]…
Quốc văn giáo khoa thư[19] là bộ sách giáo khoa đầu tiên của Việt Nam, sách xuất bản đầu tiên vào những năm đầu thế kỉ XX trình bày những mẩu chuyện, câu thơ, bài học nho nhỏ dạy học làm người ngay từ những ngày đầu cắp sách đến trường. Đặc biệt các bài học có nội dung nổi bật về ngũ thường: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín và năm nhân đức cần, kiệm, liêm, chính, dũng tạm gọi là năm nhân đức xã hội.
Từ những nghiên cứu về văn hóa, lịch sử xã hội Việt Nam, đặc biệt là các tác giả nghiên cứu những cách sống từ nguồn văn hóa vừa được trình bày, chúng ta rút ra những mẫu xử thế “làm người” theo đặc trưng văn hóa Việt như là những kiểu mẫu sống mang giá trị mà văn hóa quy định, hình thành nên cách sống chung cho người Việt từ xưa cho đến hôm nay : nhân, nghĩa, lễ, trí, tín và các đức tính quan trọng khác : cần, kiệm, liêm, chính, dũng, …[20]:
Nhân: cư xử cho có lòng yêu thương, tình người và nhân đạo… Từ đó, đi xa hơn sống tinh thần đối thoại, vị tha, bao dung …
Nghĩa: sống sao cho phải đạo hiếu với ông bà cha mẹ, kính trên nhường dưới, biết ơn người làm phúc cho mình … sống tình bằng hữu bạn bè, tình đồng nghiệp, tình hàng xóm láng giềng, nghĩa lớn vì tập thể …
Lễ: lễ phép cư xử hiếu kính với ông bà cha mẹ, kính trọng đối với thầy cô, với người phụ trách … Lễ nghĩa còn biểu lộ trong chào hỏi và ngôn từ giao tiếp, ứng xử lịch sự với mọi người.
Trí: cố gắng học hành để trở thành người có học, có kiến thức, hiểu biết sâu rộng … biểu lộ qua cách sắp xếp việc lớn nhỏ có trật tự, có phương pháp, có tổ chức, sáng suốt, sáng kiến, phán đoán đúng …
Tín: giữ lời hứa, được tín nhiệm, thành thật trung thành trong lời nói việc làm … sống tinh thần trách nhiệm …
Cần: tiết kiệm, biết hạn chế đúng mức, biết tiêu pha dè sẻn, không hoang phí xa hoa, kiểu cách trong sử dụng tiền của, sức khỏe và thời gian.
Chính: ngay thẳng, đứng đắn không làm gì trái lương tâm gian dối ; đặt việc công lên việc tư, biểu lộ qua sự chính trực, công bằng và vâng lời, nhờ vâng lời sự chỉ bảo, giúp đỡ của người khác, hoàn thiện mình.
Dũng: là sức mạnh thể chất và sức mạnh tinh thần tạo nên khả năng đương đầu với sức chống đối, với nguy hiểm để làm những việc nên làm …Biểu lộ qua các đức tính tự chủ, cương nghị, nhẫn nại và tương quan giữa ba nhân đức đó tạo nên đức khiêm tốn…
Các giá trị trên trở thành những “nguyên tắc đạo đức” chứa đựng mối quan hệ biện chứng của văn hóa Việt Nam : truyền thống – mở. Tính truyền thống : những giá trị hình thành trong lòng dân tộc Việt và tính mở hội nhập: đón nhận những giá trị đến từ những nền văn hóa khác, khi giao thoa trong quá trình hình thành và phát triển trong lịch sử của con người, của dân tộc và đất nước Việt Nam. Ví dụ như lễ nghĩa trong truyền thống là kính trên nhường dưới, cư xử hiếu kính với ông bà cha mẹ, hệ hệ tống hóa khi tiếp xúc với Khổng giáo và bồi đắp thêm phép lịch sự của Tây Phương… , trong quá trình gặp gỡ giao thoa văn hóa. Tính truyền thống – mở trong các giá trị sống luôn thấm sâu vào con người Việt do sống trong tiến trình “enculturation – hòa nhập văn hóa”[21] , mọi thành viên được thừa kế, lãnh nhận, hấp thụ từ văn hóa[22] cùng với hành trình lịch sử của dân tộc và đất nước…
Những cách sống từ văn hóa dân tộc Việt Nam như đang bàn, là những giá trị thuộc về tư tưởng, lối sống, chuẩn mực đạo đức được cộng đồng thừa nhận và bảo tồn, gìn giữ liên tục từ đời trước sang đời sau và luôn được bổ sung qua tính truyền thống và mở cửa văn háo Việt Nam. Có vai trò như “kim chỉ nam” cho cá nhân điều chỉnh hành vi của mình, vì hạnh phúc cá nhân, vì ổn định và phát triển cộng đồng xã hội. Biểu hiện ở quan điểm sống, mục đích sống, động cơ, thái độ lựa chọn các hoạt động và các mối quan hệ trong cuộc sống. Cho nên, tiến trình hội nhập xã hội của người Việt là quá trình gặp gỡ, đón nhận và đồng hóa những giá trị xã hội Việt Nam.
III. Con đường chuyển tải giá trị sống
Khi nói đến sự phát triển của người trẻ trong xã hội, cần chú ý đến hai thành phần mang chức năng quan trọng quyết định tiến trình hội nhập xã hội của các thành viên: gia đình và nhà trường. Hai thành phần cơ bản và quyết định này chuyển tải cho các thành viên theo ba chiều kích sau đây:
Logique chuyển tải: Do xã hội, đặc biệt là cha mẹ qua giáo dục gia đình chuyển tải đến con em, hệ giá trị, văn hóa, lý tưởng… Các trẻ xây đựng mối liên hệ cho sự chuyển giao các kiến thức và sự thừa kế này.
Logique tổ chức: Quá trình hội nhập xã hội diễn ra trong cấu trúc đặc biệt theo những phương pháp, kết cấu, sắp xếp (dựa vào phong cách giáo dục của cha mẹ, phương pháp đào tạo của giáo viên). Trẻ phát triền quan hệ với quyền bính xã hội.
Logique định hướng: Trẻ phát triển và bắt đầu có những chương trình định hướng cho tương lai, gia đình và nhà trường có trách nhiệm hỗ trợ, giúp đỡ các em[23].
Giá trị cho chúng ta có lẽ sống rõ ràng, chứa đựng lẽ phải và được hiển hiện ngay trong công việc và cuộc sống hằng ngày, làm nên một cuộc sống có ý nghĩa. Chúng ta ý thức rõ được giá trị của riêng mình với cuộc đời và giá trị cuộc đời. Ý thức được điều đó, chúng ta có thêm niềm tin vào cuộc sống. Dominique Gégnier khi soạn thảo “Một số tài liệu lý thuyết tham khảo cho tâm lý giáo dục”[24], cho các họạt động tham vấn trong việc định hướng như tham vấn tâm lý và nghề nghiệp, chú ý một cách đặc biệt khi tập trang vào “tổng hợp tính xã hội”, vị giáo sư này nhấn mạnh các giá trị góp phần hình thành các dự án tương lai:
“Như là hệ thống biểu tượng, các giá trị đi vào cơ cấu của chủ thê thành viên trong tất cả các ý nghĩa xã hội đã có trước, và được chuyên giao như sự thừa kế cộng đồng. Như là những phương thức ly tương, cho việc thực hiện chính mình, quan hệ vói người khác và với thê giới, các giá trị mang lại ý nghía cho các hoạt động của chủ thể và dự phóng hướng tương lai. Những hệ thống biểu tượng và giá trị đi vào nội tại hóa mỗi thành viên bải tiến trình hội nhập xã hội – tiến trình vận chuyển nội tại hóa nhừng tiêu chuẩn, giá trị luôn liên tục giừa các thế hệ”[25].
Thanh thiếu niên sống toàn bộ thời gian trong và giừa trường học, trường học chính là một tổ chức cho các em học sinh sống giữa trường học. Là một tổ chức sau khi được hình thành, tồn tại và phát triển thì tự khắc nó sẽ dần dần hình thành nên những nề nếp, chuẩn mực, lễ nghi, niềm tin và giá trị, gắn kết các thành viên trong tồ chức lại với nhau cùng phấn đấu cho những giá trị chung của tổ chức, đó là văn hóa tổ chức, và đó là tổ chức trong học đường hay gọi đó là văn hóa học đường. Văn hóa học đường hiện diện trong khăp các hoạt động của nhà trường.
Xây dựng văn hóa học đường là xây dựng hệ thống giá trị giáo dục trong moi trường học. Hệ thống giá trị, là một tập hợp các phẩm chất đạo đức cơ bản của mỗi công dân cần phải có, những đặc trưng cua người Việt Nam, các giá trị mang tính truyền thống và hiện đại, là nền tảng để thực thi sứ mệnh của trường lớp, với tầm nhìn và chiến lược phát triển[26]. Văn hóa học đường dựa trên cơ bản giá trị của xã hội quy ước, xây dựng văn hóa học đường, chuyển giao những giá trị cho phù hợp với tuổi trẻ.
“K.D.Peterson nhấn mạnh, trường học phải có trách nhiệm tạo nền “Văn hóa học đường”, có nhiệm vụ tổng hợp các chuẩn mực, giá trị và niềm tin, các lễ nghi và nghi thức, các biểu tượng và truyền thống, thông truyền cho học sinh. Còn theo Stephen Stolp, đó là một cấu trúc, một quá trình và bầu không khí của các giá trị, chuẩn mực dẫn dắt giảng viên và học sinh đến việc giảng dạy, học tập có hiệu quả, tạo tiền đề cho tương lai học sinh”[27].
Giáo sư viện sĩ Phạm Minh Hạc định nghĩa văn hóa học đường Việt Nam là hệ các chuẩn mực, giá trị giúp các cán bộ quản lý nhà trường, các thầy cô, các phụ huynh và các em học sinh, sinh viên có các cách thức suy nghĩ, tình cảm, hành động tốt đẹp. Mục tiêu cơ bản nhất làm nền tảng văn hóa học đường là xây dựng một môi trường học tập, sinh hoạt chuẩn mực, lành mạnh với những hệ giá trị tốt đẹp để đảm bảo chất lượng giáo dục trong cũng như ngoài nhà trường. Tuy nhiên, điều này vẫn còn xa vời vì văn hóa học đường của chúng ta bị ảnh hưởng nhiều áp lực, những ai thao thức với nền giáo dục Việt Nam đều cảm nhận được điều này (khi điều kiện cho phép chúng tôi sẽ phân tích thêm…).
Durkheim (1858-1917), nhà xã hội học, triết gia và tâm lý xã hội học người Pháp nói về trách nhiệm của học đường với học sinh và sinh viên: Đi vào học đường, đó là cơ hội người trẻ khám phá những hình mẫu mới của hành vi, đặc biệt là trong các mối quan hệ thân thiện… Nhà trường thông qua các chức năng của giáo dục cung cấp, truyền tải các giá trị của xã hội và phát triển nơi các em khả năng trí thức và tinh thần đạo đức[28]. Nhà bác học vĩ đại Albert Einstein nhấn mạnh mục tiêu của học đường góp phần đào tạo toàn diện con người:
Nhiều khi người ta nhìn nhận mục tiêu của nhà trường đơn giản chỉ là chuyển giao một khối lượng tối đa tri thức nào đó cho thế hệ trẻ. Điều này không đúng. Tri thức có tính xơ cứng và bất động, trong khi học đường phục vụ cho những con người sinh động. Nhà trường phải giúp cho từng cá nhân phát triển những phẩm chất và năng lực có giá trị đối với lợi ích chung của cộng đồng[29].
IV. Từ giá trị sống đến kỹ năng sống
Giá trị sống là nền tảng hình thành kỹ năng sống[30]. Kỹ năng sống là “khả năng thích nghi và hành vi tích cực cho phép cá nhân có khả năng đối phó hiệu quả với nhu cầu và thách thức của cuộc sống hằng ngày”[31].
Kỹ năng sống là kết quả quá trình chuyển đổi kiến thức (phải làm gì) và thái độ (ta đang nghĩ gì, cảm xúc như thế nào, hay tin tưởng vào giá trị nào) thành hành động (làm gì và làm như thế nào để đạt được kết quả). Học những kỹ năng để đối diện, giải quyết các tình huống sẽ xảy ra trong cuộc sống thông qua giảng dạy hay kinh nghiệm, các phương cách đối diện hay đương đầu với những khó khăn thường gặp trong cuộc sống hàng ngày của con người…, và những cách vượt qua…
Cho nên, thanh thiếu niên nâng cao nhận thức giá trị sống, làm nền xây dựng các kĩ năng sống, giúp các em có những năng lực để lựa chọn lành mạnh và tiến bước trên con đường mang tên cuộc đời còn rất dài, trong đó có đối diện, giải quyết những khó khăn mọi mặt vốn luôn đầy rẫy…
Một cách tương tác, kỹ năng sống là công cụ hình thành và thể hiện giá trị sống, hay nói cách khác kỹ năng sống thể hiện giá trị sống bằng hành động sẽ cho kết quả tích cực và nó lại củng cố các giá trị.
Nếu các kỹ năng sống quá chú trọng đến “kỹ thuật hành vi” mà không chú tâm đến nền tảng giá trị sống, kỹ năng khuyết giá trị sống có thể dẫn chủ thể đến các hành vi phi đạo đức, không phù hợp với mục đích tốt đẹp. Ví dụ thiếu giá trị sống như thanh liêm, trách nhiệm con người rất dễ rơi vào tham ô, tham nhũng nếu các kỹ năng chỉ chạy theo vật chất, và các hệ lụy sẽ kéo theo: thiếu trung thực, vị kỷ, bất nhân,…
Hơn nữa, nếu không có nền tảng giá trị sống rõ ràng và vững chắc thì dù cho được học nhiều kỹ năng đến đâu chăng nữa, chúng ta sẽ không biết ứng dụng sao cho hợp lý trong đời sôngs. Ví dụ như khi thiếu sự nhân ái – một giá trị sôngs, rất dễ thiếu sự hòa hợp, đối thoại với mọi người, sẽ khó có thể hợp tác làm việc chung, như thế chủ thể tự gây rắc rối với mối quan hệ xã hội, sẽ là một thảm họa trong sự cao ngạo…[32]
Kết
Giá trị sống luôn là những điều chúng ta cho là quý giá, có nghĩa đối với cuộc sống mỗi con người, phù hợp với chuẩn mực trong xã hội mà chúng ta đang sống. Đối với người trẻ thanh thiếu niên khi tìm hiểu về các giá trị sống cơ bản này, sẽ có sự định hướng về tương lại của chính mình, được tư duy dựa trên một nền tảng tốt, giá trị sống cơ bản. Riêng với các vị trách nhiệm, các bậc phụ huynh, tìm hiểu sâu sắc những giá trị sống để đặt cho gia đình, cho tổ chức, cho cộng đồng mình đang sinh sống.
Những giá trị sống cho tuổi trẻ luôn là kim chỉ nam và là con đường duy nhất để có thể học tập, trải nghiệm cho chính cuộc sống của mình. Và là con đường dẫn đến quyết định chọn lựa mục đích sống của mỗi người một cách có ý nghĩa cao nhất.
Lm Vinhsơn Nguyễn Cao Dũng. SCJ
Thư ký UBGD/ HĐGMVN
Nguồn: Báo Hiệp Thông (số 108, tháng 8 – 9 năm 2018)
[1] Campeau Robert, Individu et Société, Introduction à la société (cá nhân và xã hội, dẫn vào Xã hội học), Gaetan Moria, 1993, pp. 100-105.
[2] Linton, Le fondement de ỉapersonnalité (Cơ sở của nhân cách), Dunod, 1986.
[3] Lê Anh Tuấn, Quàn lý giáo dục giá trị sống cho học sinh ở trường trung học phổ thông huyện Thạch Thất, Hà Nội hiện nay, Luận văn Thạc sĩ ngành Quản lý giáo dục, 2011, tr.5-6.
[4] Tài liệu Giáo dục giả trị sống, Caritas Việt Nam.
[5] Diane Tillman, Những giả trị sống cho tuổi trẻ (Living Values activities for young adults), Nxb Tổng hợp Tp.Hcm & First News, 2011.
[6] UNESCO, UNICEF, Living Values: An Educational Program (Những giá trị sống: Một chương trình giảo dục).
[7] Joel Luguem, Le Vietnam, tr. 284.
[8] Lê Hữu Khoa, l’Immigration confuceenne en France, on s’exile toujours avec ses ancêtres (Sự nhập cư Khổng giáo ở Pháp, chúng tôi luôn luôn đi lưu vong với tổ tiên), Harmattan, 1996.
[9] Đào Duy Anh, Việt Nam văn hóa sử cương, NXB Bốn Phương, 1938. tr. 22-23.
[10] Nguyễn Văn Huyên, Văn minh Việt Nam, NXB Thế giới, 2003, tr. 763-770.
[11] Trần Văn Giàu, Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam, nxb. Sự Thật, 2011.
[12] Nguyễn Hồng Phong, Tìm hiểu tính cách dân tộc, nxb. Khoa học xã hội, 1963.
[13] Trần Đình Hượu, Đến hiện đại từ truyền thống, nxb. Văn Hóa, 1994, tr. 149 – 164.
[14] Phan Ngọc, Văn hóa Việt Nam và cách tiếp cận mới, nxb. Văn hóa – Thông tin, 1994, tr. 34, 144-150.
[15] Đoàn Văn Chúc, Xã hội học văn hóa, nxb. Văn hóa thông tin, 1997, tr.168 – 169.
[16] Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, quyển 1,nxb. Tp. HCM, 2000, tr.6.
[17] Nguyễn Hữu Tấn, Giáo dục nhân bản, ĐCV Sài Gòn, 1980, tr.4.
[18] Nguyễn Văn Việt, Giáo dục nhân bản, ĐCV Xuân Lộc.
[19] Quốc văn giáo khoa thư: Bộ sách giáo khoa đầu tiên đã được in vào khoảng năm 1923. Trong vòng 25 năm, từ 1923 – 1948, sách giáo khoa thư này đã được dùng để dạy trong học đường. Sau này được in lại rất nhiều lần. Từ đầu thập niên 1990, (QVGKT), được nhà xuất bản Trẻ tái bản khoảng năm lần (1993 – 2007), nhưng đây là lần đầu tiên, bộ sách được làm sống lại gần y như bản gốc (theo bản in từ năm 1938 – 1948 của Nha học chính Đông Pháp). Năm 2000 nhà xuất bản Thanh Niên tái bản QVGHT. Năm 2011 nhà xuất bản Văn Học xuất bản “Tuyển tập Quốc Văn Giáo Khoa Thư”.
[20] Nguyễn Vinh Sơn, Cơ sở giáo dục nhân cách – Văn hóa Việt nam – Văn hóa giao thoa Đông Tây, Nxb Đại học Quốc Gia Tp.HCM, 2017.
[21] Enculturation : quá trình tương tác, tiếp nhận các đặc điểm của nền văn hóa cụ thể mà cá nhân sinh sống trong một xã hội.
[22] Nguyễn Vinh Sơn, Cơ sở giáo dục nhân cách – Văn hóa Việt nam – Văn hóa giao thoa Đông Tây, Nxb Đại học Quốc Gia Tp.HCM, 2017
[23] Anne Marie Fontaine et Jean Piere Pourtois, Regards sur l’éducation familiale (Một cái nhìn về giáo dục gia đình), De boeck Université, 1998, tr.31.
[24] Conseillers d’orientation – psychologue, des psychologues pour l’avenir (những tham vấn viên của định hướng tâm lý, những nhà tâm lý học cho tương lai), ADAPT, 2001, tr.77 – 80.
[25] Socialisation,(en ligne) disponible sur http://www.acbordeaux.fr/Etablissemen/SudMedoc/ses/2000/socialisation.htm
[26] Phạm Văn Khanh, Văn hóa học đường bàn chất, nội dung và biện pháp xây dựng, Kỷ yếu Hội thảo khoa học toàn quốc “Tâm lý học và vấn đề cải thiện môi trường giáo dục hiện nay” do Hội các khoa học tâm lý, giáo dục Việt Nam tổ chức tại Cần Thơ 13/7/2013.
[27] Nguyễn Như Bình, Văn hóa học đường mấy lý luận và thực tiễn nhìn từ góc độ người học, Kỷ yếu Hội thảo “Giáo dục đạo đức cho sinh viên trong các trường đại học, cao đẳng Việt Nam”, 2012.
[28] Psychelogie sociale: “L’individu et le groupe (Tâm lý học xã hội cá nhân và nhóm), Editions Bréal, 1966, tr.47.
[29] Albert Einstein, Out of My Later Years, Philosophical Library Inc., New York, 1950. Chuyển ngữ Tiến sĩ Phạm Thị Ly.
[30] Bacon, Burak anh Rann, Sex differences in the relationship between sensation seeking, trait emotional intelligence and delinquent behavior (Những khác biệt giới tính trong tương quan giữa cảm xúc tìm kiếm, đặc điểm chỉ số cảm xúc và hành vi phạm pháp), The Journal of Forensic Psychiatry & Psychology, 2014, Vol.25, tr.673-683.
[31] Nguyễn Thanh Bình, Tài liệu tập huấn kỹ năng sống, Cục nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục-Bộ giáo dục và đạo tạo, tr.4-5.
[32] Nguyễn Vinh Sơn, La Bàn, NXB. Khoa học Xã Hội, 2016.