[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 1,26-38″]
Khi ấy, thiên thần Gáp-ri-en được Chúa sai đến một thành xứ Ga-li-lê-a, tên là Na-da-rét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giu-se, thuộc chi họ Ða-vít, trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.
Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng : “Kính chào bà đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng bà, bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ”. Nghe lời đó, bà bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa : “Ma-ri-a đừng sợ, vì đã được nghĩa với Chúa. Này bà sẽ thụ thai, sinh một con trai và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là con Ðấng tối cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ða-vít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Gia-cóp, và triều đại Người sẽ vô tận”. Nhưng Ma-ri-a thưa với thiên thần : “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam”. Thiên thần thưa : “Chúa Thánh Thần sẽ đến với bà và uy quyền Ðấng tối cao sẽ bao trùm bà. Vì thế Ðấng bà sinh ra, sẽ là Ðấng thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Ê-li-sa-bét chị họ bà cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ họi là son sẻ ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được”. Ma-ri-a liền thưa : “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần truyền”. Và thiên thần cáo biệt bà.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
VÂNG THEO THÁNH Ý CHÚA
“Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần truyền”(Lc 1,38)
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại sự kiện thiên thần truyền tin cho Đức Maria, ghi dấu thời điểm Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người. Đây là một biến cố trọng đại của lịch sử cứu độ, là bước đầu tiên trong công trình cứu độ của Chúa Giêsu. Sau khi nguyên tổ sa ngã, Thiên Chúa đã hứa ban Đấng Cứu Độ cho nhân loại, thì nay, lời hứa ấy được trở thành hiện thực, khởi đi từ sự vâng phục của Ngôi Hai Thiên Chúa và Đức Trinh Nữ Maria.
Trình thuật Tin Mừng đã nêu lên nguồn gốc sự kiện Ngôi Hai nhập thể: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với bà và uy quyền Ðấng tối cao sẽ bao trùm bà. Vì thế Ðấng bà sinh ra, sẽ là Ðấng thánh và được gọi là Con Thiên Chúa”. Mầu nhiệm nhập thể là công trình tuyệt vời của Ba Ngôi Thiên Chúa nhằm cứu chuộc loài người. Ngôi Hai Thiên Chúa đã nhập thể làm người vì vâng phục thánh ý Chúa Cha, nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần. Qua mầu nhiệm nhập thể này, loài người được kết hợp với Thiên Chúa ngay ở cõi đời này, được nhìn thấy và cảm nhận một Thiên Chúa bằng xương bằng thịt là Đức Giêsu. Đức Giêsu đã vâng theo thánh ý Chúa Cha và thực hiện tất cả những điều mà Cha trao phó. Sự vâng phục ấy đạt đến đỉnh cao nhất khi Đức Giêsu tự hiến chính thân mình làm của lễ đền tội cho nhân loại trên thập giá. Chính sự vâng phục đến tự hủy mình ra không của Đức Giêsu đã đưa nhân loại trở về với Thiên Chúa để được hưởng ơn cứu độ.
Cũng trong biến cố truyền tin này, chúng ta thấy sáng lên hình ảnh Đức Trinh Nữ Maria, người nữ đã khiêm tốn xin vâng và cộng tác vào công trình cứu độ của Thiên Chúa. Khi can đảm thưa tiếng xin vâng, Mẹ Maria đã nhận lãnh nơi Thiên Chúa một nhiệm vụ quan trọng, đó là cộng tác với Đức Giêsu trong công trình cứu độ mà Ngài sẽ thực hiện. Mẹ đã vâng theo thánh ý Chúa, và đón nhận tất cả những điều Thiên Chúa xếp đặt cho cuộc đời mình. Chính vì thế, ngay sau lời thưa xin vâng của Mẹ, Ngôi Hai Thiên Chúa đã ngự xuống nơi cung lòng Mẹ và ban cho Mẹ ân sủng của Người, để qua Mẹ, nhân loại cũng được hưởng nguồn ơn cứu độ.
Thái độ khiêm tốn vâng phục của Đức Giêsu và Mẹ Maria trước thánh ý của Thiên Chúa cũng là thái độ mà người tín hữu chúng ta cần có trong đời sống đức tin của mình. Chúng ta được mời gọi thưa lời xin vâng với Chúa trong mọi biến cố của cuộc đời. Xin vâng với thánh ý Thiên Chúa là biết dẹp bỏ ý riêng của mình, dẹp bỏ những chương trình cho cuộc đời mình, và dấn thân cộng tác vào công trình mà Chúa muốn ta thực hiện. Được như thế, vâng theo thánh ý Chúa sẽ là con đường dẫn chúng ta đến với nguồn vui trong Chúa và được hưởng ơn cứu độ Ngài ban.
Thiên Chúa đã xếp đặt mọi sự cách khôn ngoan, và mời gọi chúng ta cộng tác vào công trình kỳ diệu của Ngài. Xin cho chúng ta biết quảng đại đón nhận sứ mạng Chúa trao phó, biết cộng tác với ơn Chúa, để dù có phải đối diện với bóng tối, hiểm nguy, ta vẫn vững tin và sẵn sàng thưa lên hai tiếng “xin vâng”.
[/loichua]