‘Học thuyết’ Khổng Tử có phải là một tôn giáo?

Ngày 5.2.2012, tạp chí New York Times đăng tải câu chuyện về một viện Khổng Tử ở Nam Hàn. Đây là một trong 150 viện như vậy ở đất nước này. Chương trình chính yếu của các viện này là tu tâm dưỡng tính, đặc biệt là cho trẻ em. Chương trình này, dường như hơi nhiệm nhặt, nhằm chuẩn bị một sự đào luyện về thái độ đạo đức cũng như cách đối nhân xử thế – lễ giáo (hai tư tưởng này rất gần gũi với tư tưởng Khổng Tử).

Park Seok-hong, hiệu trưởng của một học viện lớn được thành lập vào năm 1543, giải thích các ý niệm căn bản của những chương trình này: “Chúng tôi có thể xây dựng được nền kinh tế của mình, trong khi đó lại để cho nền luân lý trên bờ vực bị hủy hoại.”

Đây không phải là một lời ta thán mới mẻ. Nó thực sự đang gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh ở nhiều quốc gia, kể cả các nước Tây phương. Ở đó, hiện đại hóa đất nước dẫn tới sự phát triển kinh tế, nhưng song song với nó là sự suy yếu của các khuôn mẫu truyền thống về niềm tin và các giá trị.

Kỳ vọng vào học thuyết Khổng Tử không phải là một điều gì xa lạ. Chính phủ Singapore đã từng lo lắng trong một thời gian dài rằng, sự thành công về phương diện kinh tế của đảo quốc này sẽ dẫn tới một lỗ hổng về đạo đức. Để giải quyết vấn đề này, chính phủ Singapore đã cùng một lúc đưa ra một chương trình giáo dục đạo đức ở các trường học, dựa trên giáo thuyết của các tôn giáo truyền thống lớn đang hiện diện như: Phật giáo, Hồi giáo, Ấn giáo, Kitô giáo – cộng thêm học thuyết Khổng Tử vào tổ hợp phổ cập này vì cho rằng nó sẽ thu hút những người gốc Hoa đang sinh sống trên lãnh thổ. Điều này vô hình trung đưa đến một sai lầm: Các phụ huynh được tự do chọn lựa chương trình học phù hợp với con cái họ; và phần lớn phụ huynh người Hoa đã chọn Kitô giáo. Trong suốt cuộc cách mạng văn hóa ở Trung Quốc, học thuyết Khổng Tử đã bị tấn công một cách dã man vì bị xem là mê tín và phản động (như tất cả các tôn giáo). Trong những năm gần đây, chính phủ nước này (về danh nghĩa vẫn là một nhà nước theo chủ nghĩa Mác) đang phục hồi lại danh dự cho Khổng Tử như là một ‘vạn thế sư biểu’ của đạo đức xã hội. Quê hương của ông được cải tạo trở thành một nơi hành hương và du lịch. Và các trung tâm văn hóa Trung Hoa trên khắp thế giới thì được gọi là viện Khổng Tử. Giống như các truyền thống với bề dày lịch sử nhiều thế kỷ, học thuyết Khổng Tử nhấn mạnh các giá trị khác nhau ở những thời khác nhau. Cũng thật dễ hiểu, các nhà cầm quyền ưa chuộng các giá trị đề cao quyền lực và trật tự xã hội (trong khi lờ đi những giá trị khác của học thuyết Khổng Tử, chẳng hạn như quyền lực phải tìm kiếm sự kính trọng nhờ một cách hành xử ngay chính và nhân đạo).

Rõ ràng, học thuyết Khổng Tử có một ảnh hưởng lớn lên nền văn hóa của các nước Đông Á như Trung Hoa, Nhật Bản, Nam Hàn và Việt Nam trên bình diện xã hội và chính trị.

Trên bình diện đạo đức xã hội, học thuyết Khổng Tử nhấn mạnh tới sự kỷ luật và lòng trung thành, được rèn luyện trong khuôn khổ một xã hội có thứ bậc. Khi bước vào ngưỡng cửa của xã hội hiện đại, nhất là trước hiện tượng tản cư người Hoa, học thuyết Khổng Tử biến thành cái mà Robert Bellah gọi là “chủ thuyết Khổng Tử tư sản”, bộc lộ một nét tương đồng thú vị với “đạo đức Tin Lành” nổi tiếng. Hệ thống khoa cử hà khắc của học thuyết Khổng Tử, cái đào tạo nên giai cấp thống trị trong các xã hội phong kiến Trung Hoa, đã tồn tại trong một “địa ngục khoa cử” (một cách gọi của người Nhật), cũng đã ít nhiều ảnh hưởng lên hệ thống trường học ở các nước Đông Á ngày nay. Trên bình diện chính trị, cả những người ủng hộ và phê bình học thuyết Khổng Tử đều biện minh khi gọi học thuyết Khổng Tử, về cơ bản, là một tư tưởng bảo thủ.

Tất cả những giá trị đó là thế tục (Max Weber gọi chúng là “thế tục nội tại”) trong nguyên lý, tách biệt với các niềm tin và các thực hành của các tôn giáo khác. Chính vì thế, đã từng có quan điểm cho rằng học thuyết Khổng Tử không là gì hết ngoại trừ một thực tại thế tục, thậm chí có quan điểm khác cho rằng đây là một thực tại luân lý thế tục hóa. Cũng có quan điểm cho rằng học thuyết Khổng Tử, bất chấp nội dụng thế tục đầy rẫy trong giáo thuyết, được xây dựng trên nền tảng một thế giới quan tôn giáo thực sự – quan điểm nhìn nhận học thuyết Khổng Tử là một tôn giáo.

Người viết không phải là một học giả về văn hóa và tôn giáo Trung Hoa, và vì thế không có đủ khả năng để đưa ra một nhận xét xác đáng về hai quan điểm trên. Đối với người viết dường như cả hai đều có những lý lẽ hợp lý cho riêng mình. Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết này, người viết có ý nghiêng về quan điểm sau, chủ yếu nhờ vào tầm ảnh hưởng của Tu Weiming (Giảng viên Đại học Harvard và Đại học Bắc Kinh), người được xem như là một ‘nhà truyền giáo’ vì sự am hiểu về học thuyết Khổng Tử của ông như một tôn giáo trong thế giới ngày nay (ít nhất là một cách tiềm năng). Người viết cũng cám ơn những lần nói chuyện với hai đồng nghiệp, Robert Neville và John Berthrong, tại đại học Boston. Hai người này gia nhập một hội kín được biết đến với cái tên “Các Nho gia Boston” (có lẽ một cách diễn đạt dễ hiểu nhất cho nhóm này đó là những truyền nhân Tin lành kế tục công việc của Matteo Ricci, nhà truyền giáo dòng Tên, người mà cách đây hơn 400 năm, đã khẳng định rằng học thuyết Khổng Tử có thể kết hợp với Kitô giáo).

* Học thuyết Khổng Tử là nền luân lý thế tục: giáo thuyết của nó quan hệ chặt chẽ với cách ứng xử trong thế giới phong kiến: nhân – “chủ nghĩa vị tha hay “lòng vị tha”; lễ – nghi lễ và lễ giáo; hiếu – “đạo làm con”. Đây là những nguyên tắc đạo đức được ứng dụng cho cái gọi là “ngũ luân” – giữa vua tôi, cha con, vợ chồng, huynh đệ và bằng hữu. Bốn mối dây liên hệ đầu có tính thứ bậc rõ ràng, mối liên hệ thứ năm giải quyết với những tương quan công bằng, bình đẳng; nhưng sự thật là họ bình đẳng địa vị trong một xã hội có thứ bậc. Ở học thuyết Khổng Tử truyền thống, những đức tính này không phải tất cả mọi người đều có thể có được; các đức tính đó chỉ có được nhờ việc học hành và tự bồi dưỡng (bao gồm cả âm nhạc và thư pháp). Người đàn ông lý tưởng (quân tử) theo học thuyết Khổng Tử phải là người biết coi khinh sự an nhàn giả dối của tôn giáo và đối mặt với cuộc sống với một thái độ nhiệm nhặt. Một điều khá rõ ràng đó là các đức tính này (bao gồm cách ứng xử hàng ngày của họ trong các nghi lễ và lễ giáo) có thể tách biệt với bất cứ niềm tin tôn giáo nào. Kết luận này được đưa ra bởi Matteo Ricci (1552-1610), một nhà truyền giáo dòng Tên tới Trung Hoa và tin rằng nền luân lý của học thuyết Khổng Tử có thể kết hợp với niềm tin Công giáo. Ricci, người có thể nói thành thạo tiếng Trung, ăn mặc và hành xử như một người quân tử theo học thuyết Khổng Tử. Các giáo sĩ dòng Tên ở Trung Hoa duy trì lối thích nghi ứng xử đó trong vài thập niên tiếp đó, và thậm chí còn cho rằng việc thờ cúng ông bà tổ tiên chỉ là một thực hành của “đạo làm con” – một đức tính thế tục, cái mà người Trung Hoa cải đạo được tự do thực hành. Các giáo sĩ Đa-minh và Phanxicô cũng tới Trung Hoa và họ kịch liệt phản đối các giáo sĩ dòng Tên. Để rồi, Giáo hoàng cấm các giáo sĩ dòng Tên cũng như việc tiếp tục quá đà lối thích nghi ứng xử của họ, cái mà sau này người ta gọi là ‘chinoiseries’, cốt để chế diễu lối làm nhái mọi thứ của người Trung Hoa. Người ta có thể nói rằng Giáo hoàng ngầm kết luận học thuyết Khổng Tử là một tôn giáo.

* Học thuyết Khổng Tử là một tôn giáo: Người viết không cho rằng việc Giáo hoàng ra sắc chỉ cấm các giáo sĩ dòng Tên là có chủ đích thi hành ơn bất khả ngộ, vì vậy ngay cả những tín hữu Công giáo bảo thủ cũng có thể hiểu rằng học thuyết Khổng Tử chỉ là nền luân lý thế tục mà thôi. Tuy nhiên, cũng có một trường phái cổ điển và khá trung lập cho rằng niềm tin của học thuyết Khổng Tử mang tính tôn giáo rõ ràng – đó là niềm tin về ‘thiên’, thường được hiểu là “trời”. Học thuyết Khổng Tử không phải là hữu thần, mặc dù nó có liên hệ đến các thần linh. Đúng hơn, đó là một trật tự của vũ trụ, của siêu nhiên ở chỗ nó siêu việt hóa thế giới thực nghiệm, thống lĩnh nó và tương tác với nó. Nhờ vậy, nó phục vụ như là cái nền tảng tôn giáo tự thân và cần thiết cho tất cả các đức tính thế tục, truyền bá bởi giáo huấn của học thuyết Khổng Tử. Đối với người viết, khái niệm “thiên” đầy tính tôn giáo này là cái gì đó được thể hiện một cách rõ ràng nhất trong quan niệm “thiên mệnh” (mandate of heaven): Một nhà cầm quyền phải có “mệnh lệnh” này, điều căn bản cho sự hợp pháp của ông ta, nếu ông ta trị vì theo những nguyên tắc đạo đức đang điều khiển những tương quan giữa ông ta và dân chúng. Còn nếu ông ta không trị vì theo kiểu vừa nêu trên, thì “thiên mệnh” sẽ bị lấy khỏi tay ông ta, sự thống trị của ông ta trở nên bất hợp pháp và dân chúng sẽ có một lí do chính đáng để bất tuân và thậm chí phế truất ông ta. Thể chế chuyên biệt theo học thuyết Khổng Tử này phát xuất từ ý tưởng là “các quan ngự sử” (imperal censors) – hay còn gọi là các quan chức triều đình, có nhiệm vụ khiển trách hoàng đế nếu ông ta lầm đường lạc lối, đi trệch khỏi hành vi đạo đức và lễ tiết đúng đắn. Người viết nêu lên như vậy chứ thực tế điều này ít khi xảy ra. Lí do là, các hoàng đế ở Trung Hoa cũng như ở bất cứ đâu cư xử không hề tử tế khi bị khiển trách.

Tuy  nhiên, một điều nảy sinh khi nhìn nhận học thuyết Khổng Tử là một hiện tượng thế tục thay vì là một tôn giáo đó là: phần lớn người dân Á châu (có thể loại trừ những quân tử tự tu thân) nhìn nhận học thuyết Khổng Tử như là một kim chỉ nam cho đời sống chính trị, xã hội – và không phải là câu trả lời cho những vấn đề siêu hình mà tôn giáo luôn luôn cố gắng tìm cách giải quyết. Học thuyết Khổng Tử, tồn tại trong xã hội Trung Hoa cổ điển hay trong các thành phố đông đúc của Đông Á ngày nay, không thực sự hữu ích trong hoàn cảnh khủng hoảng đời sống cá nhân. Một trong số các khủng hoảng riêng có ở điều kiện sống của con người, đáng kể nhất là 3 Nỗi Khổ theo nhà Phật – Lão, Bệnh và Tử. Trong tất cả các xã hội ở Đông Á, các truyền thống khác chứ không phải học thuyết Khổng Tử, đã tồn tại và được thể chế hóa để cứu giúp con người trước những khủng hoảng đó (cũng như với những vấn đề thế tục khác nữa của đời sống hàng ngày). Tại các nước trong vùng, có những chùa chiền và các tín đồ của các đạo cổ truyền – tại Trung Hoa là Đạo giáo, tại Nhật Bản là Thần đạo (Shinto), tại Hàn Quốc là Saman giáo; nhưng vượt lên trên hết là Phật giáo, một tôn giáo đa dạng về niềm tin và cách thực hành, hợp với nhu cầu tôn giáo của giới trí thức cũng như tầng lớp bình dân, thất học. Không phải tình cờ khi các nhà sư Phật giáo thực sự độc quyền trong việc cử hành ma chay cho người chết. Nếu bạn có người thân nào vừa mất, bạn sẽ được nghe tụng kinh Phật, chứ không phải là những mệnh lệnh của học thuyết Khổng tử về mối liên hệ giữa quan tòa và nguyên đơn.

Người ta có thể đồng ý với những người cho rằng sự thịnh vượng vật chất không đưa ra được câu trả lời cho những song đề sâu xa hơn của đời sống con người. Cả chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa dân tộc (chủ nghĩa này đang được phát triển để trở thành một ý thức hệ thay thế) đều không thể thay thế tôn giáo trong các khủng hoảng như sự mất mát người thân – có lẽ trừ khi đối tượng của sự mất mát là những người chết do tham gia vào việc cản trở phong trào cách mạng, hay là bị chết trên chiến trường. Học thuyết Khổng Tử mới đụng phải cùng một vấn đề mà truyền thống này luôn luôn gặp phải. Ngày nay, các giải pháp thay thế tương tự luôn sẵn có. Tín ngưỡng dân gian đang trỗi dậy một cách mạnh mẽ. Phật giáo đang có những phong trào phục hưng rõ rệt ở nhiều nơi trong vùng. Và còn có một hiện tượng thú vị mà tạp chí Times không đề cập đến: sự bùng nổ của Kitô giáo ở Trung Hoa và sự tản cư người Hoa, đặc biệt là ở Nam Hàn.

Liệu Park Seok-hong có đúng khi hy vọng rằng học thuyết Khổng Tử có thể lấp đầy khoảng trống đạo đức và tâm linh của nhiều người dân Nam Hàn, cũng như người dân ở các nơi khác trong thế giới đương đại cảm nghiệm hay không? Câu trả lời là: Có lẽ có – khi cung cấp được một nền luân lý phải lẽ rõ rệt (nếu không quá nặng tính tôn ti) cho đời sống chính trị, xã hội. Nhưng trong phạm vi mà khoảng trống đó có một chiều kích tâm linh, thì câu trả lời là – có lẽ không.

Peter Berger
Người dịch Phaolô Phạm Đình Lợi
Nguồn: blogs.the-american-interest.com

Comments are closed.