Bài 51. Giá trị của sự tử tế?
1. Lời Chúa: Thánh Phao-lô khuyên tín hữu Cô-lô-xê: “Anh em hãy ăn ở khôn ngoan với người ngoài; Hãy tận dụng thời buổi hiện tại. Lời nói của anh em phải luôn luôn mặn mà dễ thương, để anh em biết đối đáp sao cho phải với mỗi người”. (Cl 4,5-6).
2. Câu chuyện: Lễ tân tử tế nhường phòng riêng cho khách.
Ở một thành phố nhỏ ven biển, vào lúc đêm khuya, có một đôi vợ chồng cao niên lỡ đường phải đi đến từng khách sạn gần biển hỏi thuê phòng. Nhưng ở đâu cũng không còn phòng trống. Khi đến khách sạn cuối đường, nhân viên lễ tân không đành lòng để đôi vợ chồng già phải lang thang ngoài trời đêm lạnh lẽo, nên đã dẫn họ đến một căn phòng và nói: “Khách sạn hiện không còn phòng trống. Mời hai bác nghỉ tạm tại phòng này. Cháu rất tiếc hiện không còn phòng nào khác tốt hơn”. Hôm sau, khi họ đến thanh toán, anh nhân viên lễ tân liền nói: “Hai bác không cần trả tiền đâu ạ, vì căn phòng đó là phòng riêng của cháu. Chúc hai bác một chuyến du lịch vui vẻ !”
Thì ra, nhân viên lễ tân đó đã sẵn sàng ngủ đêm tại sảnh tiếp tân của khách sạn để nhường phòng riêng cho khách. Cặp vợ chồng hết sức cảm động nói: “Chàng trai trẻ à, cậu là nhân viên lễ tân khách sạn tốt nhất mà chúng tôi đã từng gặp đấy. Sau này cậu nhất định sẽ được đền đáp xứng đáng!”. Chàng trai cũng chỉ mỉm cười đáp lại và sau khi tiễn họ ra cửa, anh không còn nhớ đến câu chuyện đó.
Bỗng vào một ngày mùa hè, anh ta đã nhận được một bức thư, trong đó có kèm theo một tấm vé mời anh đi du lịch đến New York. Anh đã đi và tìm đến khách sạn theo địa chỉ ghi trong vé mời. Thì ra đây là một khách sạn rất đẹp của hai vợ chồng đã được anh ta tiếp đón trong đêm khuya cách đó ít lâu. Họ là đôi vợ chồng tỷ phú rất giàu có. Sau chuyến đi ấy họ đã mua được một khách sạn mới xây và quyết định chọn anh nhân viên tử tế kia làm giám đốc khách sạn. Nhờ tính tình vui vẻ thân thiện, luôn quan tâm giúp đỡ mọi người, nên anh đã có cơ hội thuận lợi trở thành giám đốc một khách sạn hạng sang tại một thành phố lớn Hoa Kỳ.
3. Suy niệm:
– Một người tử tế là “người thân thiện, hào phóng và biết quan tâm đến người khác”. Tử tế còn ám chỉ một người làm việc cẩn thận, chu đáo như câu nói của người trên thường căn dặn nhân viên cấp dưới: “Anh hãy cố gắng làm mọi việc cho tử tế nhé !”.
– Xã hôi chỉ bình an khi người với người biết cư xử tử tế với nhau, biết ứng xử thân thiện và luôn quan tâm đến người khác chứ không chỉ ích kỷ lo cho mình; Trong công việc, nhân viên tử tế sẽ làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, làm mọi việc cẩn thận chu đáo và luôn được cấp trên đánh giá tốt.
– Trong giao tiếp xã hội, ngoài một số nhân viên công quyền làm việc nghiêm túc, vẫn còn không ít nhân viên có hành vi sách nhiễu dân chúng khi xử lý các vụ việc lỗi luật an toàn giao thông; Một số nhân viên bệnh viện đã đòi người nhà nạn nhân phải lập tức đóng tiền viện phí trước khi nạn nhân được cấp cứu, khiến nhiều nạn nhân đã bị chết oan vì không đóng tiền kịp thời. Nhiều vụ án tham nhũng liên quan đến việc quản lý các lô đất vàng khiến một số quan chức cao cấp thành phố phải ngồi tù… Các hành vi này đã làm soi mòn lòng tin của dân chúng…
– Như vậy, tử tế không những ám chỉ người ứng xử thân thiện, làm việc nghiêm túc chu đáo… mà còn bao gồm cả những người có tinh thần trách nhiệm, dám can đảm đấu tranh để loại trừ cái xấu cái ác trong xã hội nữa.
4. Thảo luận: Giả như bạn ở trong hoàn cảnh nhân viên lễ tân của khách sạn trong câu chuyện trên, bạn sẽ làm gì để cũng được khách hàng đánh giá là một nhân viên tử tế và có tinh thần trách nhiệm cao ?
5. Lời cầu: Lạy Chúa Giê-su. Xin cho mỗi người chúng con biết ứng xử thân thiện với những người chúng con gặp gỡ tiếp xúc. Xin cho chúng con biết luôn nghĩ đến người khác và nhiệt thành đáp ứng nhu cầu của họ. Xin cho chúng con biết chu toàn nhiệm vụ được trao cách nghiêm túc, để gây được thiện cảm với mọi người và góp phần xây dựng xã hội chúng con đang sống ngày một an toàn sạch đẹp hơn, công bình nhân ái và hạnh phúc hơn.- Amen.