Bài 35. Tránh tranh cãi vô ích
1. Lời Chúa: Thánh Phao-lô khuyên các tín hữu nhẫn nhịn tha nhân như sau: “Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại. Hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau” (Ep 4,2).
2. Câu chuyện: Sự nhẫn nhịn của sư tử cha.
Sư tử cha trông thấy một con chó điên đến gần liền tránh mặt. Sư tử con thấy vậy đã lên tiếng trách:
– Con thấy cha dám sống chết đánh nhau với hổ dữ, nhiều lần cùng loài báo to lớn so tài. Sao hôm nay cha lại khiếp nhược sợ hãi một con chó điên nhỏ bé như vậy ? Thật mất mặt quá !
Sư tử cha hỏi con:
– Con thấy thắng một con chó điên có vinh quang không ? Sư tử con lắc đầu.
– Nếu chẳng may con lại bị nó cắn một miếng thì chẳng phải là xui xẻo lắm sao?. Một lần nữa sư tử con lại gật đầu đồng ý.
– Như vậy, chúng ta cần chi phải gây sự đánh nhau với con chó điên ấy phải không con ?
3. Suy niệm:
– Trong cuộc sống có nhiều hạng người. Đối với những người thiện chí muốn nghe thì bạn không cần nói dài dòng. Ngược lại, đối với những người cố chấp hay đang tìm cách công kích bạn, thì cho dù bạn có giải thích đến đâu cũng phí công vô ích.
– Khi Khổng Tử đang đi chu du liệt quốc, ngày nọ gặp hai người thợ săn ở bìa rừng đang tranh cãi nhau quyết liệt. Khi tìm hiểu, Khổng Tử mới biết họ đang cãi nhau về số học đơn giản: Người thợ săn lùn nói 8 lần 3 là 24, đang khi người thợ săn cao nói 8 lần 3 là 23. Hai bên đều cho mình là đúng. Cuối cùng họ quyết định tìm một vị thánh hiền phân giải, và kẻ nào thắng sẽ được hưởng các thú săn được hôm ấy.
– Nghe biết Khổng Tử là một thánh hiền trong thiên hạ, nên cả hai đến nhờ phán quyết. Khổng tử phán người thợ săn cao đúng và người thợ săn lùn sai. Người thua phải trao các con thú săn được hôm ấy cho người thắng. Sau khi chiến thắng, người thợ săn cao vui mừng bỏ đi, đang khi người thợ săn lùn không phục nên đã ở lại gặp riêng Khổng Tử. Anh ta nói với vẻ đầy tức giận: “3 lần 8 là 24. Ngay cả một đứa trẻ cũng biết rõ như vậy. Ông là bậc thánh hiền trong thiên hạ. Vậy mà ông lại bảo là 23 nghĩa là sao? Phải chăng danh hiệu thánh hiền của ông chỉ là hư danh!”
Bấy giờ Khổng Tử liền cười đáp: “Anh nói không sai: 3 lần 8 là 24, và đây là chân lý mà một đứa trẻ con cũng biết. Nhưng nếu anh đã biết đó là chân lý thì tại sao lại phải tranh cãi với một kẻ ngốc?” Nghe vậy, người thợ săn lùn như bừng tỉnh. Bấy giờ Khổng Tử liền nhẹ nhàng vỗ vai anh ta và nói: “Người thợ săn kia tuy nhận được vài con thú săn, nhưng anh ta vẫn là một kẻ ngốc. Còn anh tuy thua, nhưng lại nhận được bài học sâu sắc cho cuộc sống phải không?”.
Nghe vậy, người thợ săn lùn lại gật đầu lia lịa tỏ ý bái phục lời dạy của Khổng Tử.
– Trong cuộc sống, chân lý tuy cần phải giữ vững, nhưng không phải lúc nào cũng nên mang ra tranh luận. Do vậy khi bị chỉ trích hay hiểu lầm, chúng ta không cần lúc nào cũng phải tranh cãi hơn thua. Tốt hơn là hãy im lặng lùi lại một bước và dùng cái tâm an hoà để đối xứ với người kia. Chắc chắn sớm muộn họ cũng sẽ nhận ra chân lý. Kẻ tiểu nhân nhầm tưởng rằng: Cứ nói nhiều là sẽ khẳng định chân lý thuộc về mình. Đang khi thực ra chân lý vốn là đạo cao siêu của vũ trụ vượt trên con người, nên mọi người đều nhận biết mà không cần tranh cãi.
Tóm Lại: Trong cuộc sống, nếu thấy người nào đó không đáng làm đối thủ của bạn, thì bạn đừng mất thòi gian tranh cãi hơn thua làm chi. Bạn chỉ cần mỉm cười và im lặng rời xa họ là đủ. Đừng để họ có cơ hội làm hại danh dự và uy tín của bạn như nhà văn Mark Twain người Mỹ từng nói: “Đừng bao giờ tranh cãi với những kẻ ngu ngốc. Họ sẽ kéo bạn xuống cùng đẳng cấp với họ, và sẽ đánh bại bạn bằng kinh nghiệm láu cá của họ”.
4. Thảo luận: Khi gặp kẻ ngu dốt cố chấp, thay vì tranh cãi mất thời giờ, bạn nên làm gì để giữ được an bình và giúp người kia tự tìm ra chân lý ?
5. Lời cầu: Lạy Chúa Giê-su. Con thường không giữ được bình tĩnh khi thấy ai đó nói những điều không đúng. Con muốn chứng tỏ cho mọi người biết con hoàn toàn có lý và người kia hoàn toàn sai. Nhưng thực ra, dù con có chiến thắng cũng chẳng vẻ vang gì, và về mặt giao tế con lại tỏ ra thiếu khôn ngoan khi có thêm kẻ thù mới. Xin cho con biết tránh làm mất thể diện của kẻ khác, nhờ đó con xứng đáng nên môn đệ đích thực của Chúa.- Amen.