Bài 25. Thái độ cởi mở thân thiện
1. Lời Chúa: Thánh Phê-rô khuyên các tín hữu như sau: “Tất cả anh chị em hãy đồng tâm nhất trí, thông cảm với nhau. Hãy yêu thương nhau như anh em. Hãy ăn ở nhân hậu và khiêm tốn. Đứng lấy ác báo ác, đừng lấy lời nguyền rủa đáp lại lời nguyền rủa. Nhưng trái lại, hãy chúc phúc. Vì anh chị em được Thiên Chúa kêu gọi chính là để thừa hưởng lời chúc phúc” (1Pr 3,8-9).
2. Câu chuyện: Dân đảo quốc xanh-ga-po thân thiện.
Có lẽ ai trong chúng ta là người Việt Nam cũng cảm thấy tự hào khi thỉnh thoảng được nghe lời nhận xét của một số người nước ngoài đến làm việc hay đi du lịch tại Việt Nam: “Con người Việt Nam rất thân thiện”. Tuy nhiên, có thể đó chỉ là những lời động viên mang tính ngoại giao của người nước ngoài khi phải phát biểu công khai. Chúng ta cần khiêm tốn nhìn nhận thực trạng về thái độ giao tiếp ứng xử của một bộ phận không nhỏ người Viêt còn nhiều hạn chế. Gần đây trên mạng có đăng một bài báo của một nữ tác giả đã nêu nhận xét về thái độ và con người của đảo quốc Xanh-ga-po (Singapore) nhân chuyến mang con sang đó chữa bệnh trong 2 tuần lễ. Chị đã nêu nhận xét khá trung thực khi so sánh giữa thái độ thân thiện của người Xanh-ga-po với thái độ không mấy tốt đẹp của người Việt chúng ta như sau:
1) Tại phi trường: Chị kể: “Ấn tượng đầu tiên của tôi là hộp kẹo nhỏ để trên bàn nhân viên hải quan tại sân bay Xanh-ga-po . Nó cho tôi cảm giác tôi được chào đón ở đất nước xinh đẹp này. Sau chừng hai phút làm thủ tục nhập cảnh, viên chức hải quan Xanh-ga-po tuổi trạc tứ tuần đã ân cần dặn dò tôi: “Bạn nhớ đến cơ quan di trú để gia hạn, nếu thời gian chữa bệnh cho em bé kéo dài hơn 30 ngày nhé”. Khi ấy, trong đầu tôi lại liên tưởng đến hình ảnh cặp mắt quắc lên đầy giận dữ của một nhân viên hải quan Việt Nam khoảng 20 tuổi dành cho người mẹ 70 tuổi đi cùng tôi. Anh ta nói to: “Ai cho lên đây một lúc cả đống như thế này hả?”. Do bà cụ lần đầu đi nước ngoài nên đã không biết phải xếp hàng khi làm thủ tục hải quan.
2) Trên xe ta-xi: Chị kể: “Đi ta-xi, thấy đồng hồ tính tiền chỉ số tiền phải trả là 5,5 đô Xanh, tương đương 55 ngàn tiền VN, tôi đưa tờ 5 đô Xanh và lục túi để tính đưa thêm 50 xu nữa. Nhưng thật bất ngờ khi anh tài xế Ta-xi lại đưa trả lại cho tôi 50 xu. Anh giải thích vì đi nhầm đường bị lố mất 1 đô, nên anh chỉ lấy tôi đúng 4,5 đô thôi. Tôi thật ngạc nhiên, vì tôi có than phiền gì đâu! Vì thực sự tôi cũng đâu có biết đường đi xa hay gần để than phiền. Hôm khác, khi gọi điện thoại kêu ta-xi, tôi vẫy gọi một chiếc khác đang vắng khách. Lên xe rồi, tôi gọi lại cho hãng ta-xi ban nãy để báo mình không cần gọi xe nữa. Anh tài xế chờ tôi cúp máy xong, liền nhẹ nhàng nói: “Lần sau, nếu không quá khẩn cấp, chị hãy ráng ngồi đợi xe đến nhé. Vì khi chị báo hoãn không đi nữa, thì có thể người tài xế do hãng điều tới cũng sắp chạy đến chỗ hẹn rồi. Đây không phải là vấn đề tiền bạc đâu, nhưng có lẽ anh tài xế bị đón hụt sẽ rất buồn vì thấy mình không được khách hàng tôn trọng”.
3) Ở bệnh viện nhi: Chị kể: “Ở những cơ sở y tế cho trẻ em, dù là bệnh viện công to lớn hay phòng khám tư nhân nhỏ bé, đâu đâu cũng thấy có nhiều đồ chơi con nít. Trong phòng khám, trẻ con được tự do chạy nhảy đang khi phụ huynh nói chuyện với bác sĩ. Lỡ các em có đụng làm đổ đồ chơi thì cũng chỉ nhận được nụ cười cảm thông, như vị giáo sư già ở bệnh viện trẻ em. Ông nói: “Không sao đâu. Trẻ con mà. Đó là do lỗi của chúng tôi đã để đồ chơi trong tầm tay trẻ em”. Tôi thấy ông đã ghi dày đặc cả một trang giấy hồ sơ bệnh án của con tôi. Về những phương pháp đã chữa trị ở Việt Nam, ông hỏi tôi phương pháp nào thành công, phương pháp nào không… Ông khiến tôi không thể không so sánh với những lần đi khám bệnh ở Việt Nam. Tôi chỉ dám trả lời đúng những câu hỏi rất ngắn của bác sĩ, vì đã có lần tôi lỡ nói về những kinh nghiệm chữa trị cho bé mà tôi đã áp dụng trong thời gian trước đó, tôi đã nhận được “lời bình”: “Hóa ra chị là bác sĩ chứ đâu phải tôi!”
4) Ở phòng tập vật lý trị liệu: Chị kể: “Lần khác, tôi được giới thiệu đưa con đi tập vật lý trị liệu ở phòng tập tên là “Pa-xi-phíc Pên Ke-ơ Xen-tơ” (Pacific Pain Care Center). Sau khi quan sát khoảng 5 phút, anh kỹ thuật viên đã hỏi tôi sao lại mang cháu đến trung tâm này ? Tôi muốn lấy lòng anh nên nói: “Tôi được bạn bè giới thiệu đây là chỗ tốt nhất để tập vật lý trị liệu cho bé”. Anh ta làm tôi bất ngờ khi nói: “Tôi biết ở đây còn có những nơi khác thích hợp hơn cho bé. Ơ đây chúng tôi không có đủ phương tiện chuyên dùng cho trẻ em”. Nói rồi anh ta gọi điện thoại đến một phòng tập trẻ em, cố gắng sắp xếp một cái hẹn vào ngày hôm sau cho con tôi, vì biết tôi là người nước ngoài, không thể chờ đợi lâu. Rồi anh ngồi vào máy tính, lên mạng chỉ dẫn cho tôi lộ trình đi đến đó thật cặn kẽ. Tính ra anh đã mất 40 phút với hai mẹ con tôi. Nhưng sau đó anh ta cương quyết không nhận số tiền tôi trả cho anh. Chẳng cần phải tính toán nhiều, tôi cũng biết anh đã chịu thiệt. Vì sau đó tôi đã phải trả gần 200 đôla Xanh (tương đương 2 triệu đồng VN) cho 1 giờ tập ở phòng tập trẻ em. Tôi thấy anh nhân viên phụ trách tập cho con tôi thật tận tụy. Anh đã không quản ngại quì một gối xuống đất khi nói chuyện với bé, trong khi tôi ngồi giữ bé ở yên trên ghế. Quả là quá tương phản với thái độ thiếu thân thiện của không ít nhân viên y tế, thậm chí cả hộ lý tại các bệnh viện Việt Nam, khi tự cho mình có quyền nạt nộ bệnh nhân.
5) Trên đường phố: Chị kể: “Đi trên đường phố Xanh-ga-po , bạn sẽ có cảm giác chẳng khác gì ở Pa-ri hay Nữu Ước. Vì Xanh-ga-po cũng quy tụ đủ thứ sắc dân tây ta lẫn lộn. Người dân đảo quốc Sư Tử đã học được rất nhiều “chất Tây”. Chẳng hạn: Làm việc với tinh thần trách nhiệm cao và làm đến nơi đến chốn. Nhưng đồng thời họ vẫn tỏ ra có tình cảm thân thiện theo kiểu Á Đông. Khi hỏi đường và nhờ chỉ dẫn ở Xanh-ga-po, đa số người được hỏi đều tạm ngưng việc để chỉ dẫn, thậm chí có người còn bỏ công dẫn bạn đến tận nơi cần tìm nữa.
Xin cảm ơn đất nước Xanh-ga-po đã để lại trong tôi ấn tượng rất sâu sắc và bài học thực tế về thái độ ứng xử thân thiện với tha nhân”.
3. Thảo luận: Bạn đề ra giải pháp nào khả thi để giúp người Việt chúng ta học tập cách cư xử thân thiện của người Âu Châu, đặc biệt của người dân đảo quốc Sư Tử như trên?
4. Lời cầu: Lạy Chúa. Xin cho chúng con học nơi Chúa tinh thần nhân ái bao dung thể hiện qua thái độ thân thiện và quên mình phục vụ vô vụ lợi. Xin cho chúng con ngày một nên người trưởng thành về nhân cách và nên con thảo của Cha trên trời.- Amen.
“Gieo suy nghĩ, gặt hành động. Gieo hành động, gặt thói quen. Gieo thói quen, gặt tính cách. Gieo tính cách, gặt số phận.” (Samuel Smiles).
4 điều không thể cứu vãn được như sau:
– Một là Viên đá… đã ném khỏi tầm tay.
– Hai là Lời nói… đã thốt ra khỏi miệng.
– Ba là Cơ hội… đã bị mất.
– Bốn là Thời gian… đã qua đi.