Bài 22. Tránh vui đùa trên nỗi đau của kẻ khác
1. Lời Chúa: Chúa phán: “Cây mà tốt thì quả cũng tốt. Cây mà sâu thì quả cũng sâu, vì xem quả thì biết cây. Loài rắn độc kia. Xấu như các ngươi thì làm sao nói điều tốt được ? Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra. Người tốt thì rút cái tốt từ kho tàng tốt của mình. Kẻ xấu thì rút cái xấu từ kho tàng xấu của mình. Tôi nói cho các người hay: đến ngày phán xét, người ta sẽ phải trả lời về mọi điều vô ích mình đã nói” (Mt 12,33-37).
2. Câu chuyện: Đăng cảnh nóng lên mạng xã hội.
1) Gần đây, một nam sinh viên năm nhất ở Mỹ đã nói lời tạm biệt gia đình, bạn bè trên trang mạng Facebook rồi đi nhảy cầu tự tử vì hình ảnh quan hệ tình dục của anh bị hai người bạn thân cùng phòng đặt máy “tường thuật trực tiếp” trên mạng, khiến cho cư dân mạng trong cả nước Mỹ đều xôn xao bàn tán. Từ khi anh chết, người ta không còn thấy những lời bình luận tàn nhẫn hay những tiếng cười châm biếm nào trên nhật ký riêng của anh ta nữa. Hai gã sinh viên cùng phòng là kẻ đã quay lén và tung lên mạng đã bị tòa án buộc tội “xâm phạm đời tư của công dân” và đã chịu án tù xứng đáng với tội của mình.
2) Tại Việt Nam, một mữ sinh viên tên Đ.T.H. cũng đã bị rơi vào hoàn cảnh tương tự như anh chàng sinh viên người Mỹ nói trên: Sau khi bị bạn bè dùng điện thoại di động quay lén rồi phát tán đoạn phim Đ.T.H đang nằm ngủ lên trang mạng xã hội. Tác giả đoạn video clip đã cố tình tập trung cận ảnh vào bộ phận nhạy cảm trên cơ thể của cô H trong lúc đang ngủ say, khiến cô trở thành nhân vật được mọi người chú ý tại giảng đường đại học Hà-nội. Mỗi lần vào lớp, Đ.T.H. lại nghe được những lời bình luận thô tục về các bộ phận nhạy cảm trên thân thể cô. Cô đã tâm sự như sau: “Em thật khốn khổ: Đầu óc em lúc nào cũng bất an và thần kinh luôn căng thẳng nên rất khó ngủ. Em chỉ sợ một ngày nào đó đoạn phim đó đến tai bố mẹ hay một người thân quen thì em sẽ không biết phải ăn nói thế nào ?” Sau đó Đ.T.H. đã bị bệnh trầm cảm phải nghỉ học một tuần lễ liền và chỉ mong mau kết thúc năm học và sẽ chuyển sang học tại một đại học khác để bắt đầu một cuộc sống mới”. Trước hậu quả nghiêm trọng gây ra cho Đ.T.H, một cô bạn cùng phòng, kẻ đã quay lén và tung lên mạng xã hội tâm sự: “Mình cảm thấy rất hối tiếc vì đã làm khổ H. Mình không biết phải làm gì để tháo gỡ đoạn phim đã đăng lên đó. Mà cho dù có gỡ xuống được, thì cũng không thể xóa sạch đoạn phim và những lời bình luận thô tục khiếm nhã đã được lưu lại trong các máy tính của nhiều bạn khác ở khắp nơi trong nước.”
3. Suy niệm:
1) Nhiều hình ảnh “nóng”, những đoạn phim ngắn khó coi đã được tung lên mạng gây “sốc” đang là thú chơi đùa tai hại của một bộ phận không nhỏ các bạn sinh viên học sinh Việt Nam và các nước khác trên thế giới. Điều đáng nói ở đây là cách chơi này lại ngày càng lan rộng, để lại cho các nạn nhân của chúng những cú “sốc” tâm lý rất tai hại. Nội dung của những tấm ảnh hoặc đoạn phim nhằm vào một người nào đó đang trong tình trạng hớ hênh về quần áo lót hoặc đang trong tình huống tế nhị khó xử nào đó. Những hình ảnh này được tung lên mạng kèm theo những lời bình luận thiếu văn hoá của Người xem ở khắp nơi.
2) Câu chuyện trên báo Tuổi Trẻ gần đây về hai bạn nữ sinh cùng lớp A3 khoá K44 Trường Trung Học Phổ Thông Thái Hoà (Nghệ An) là một điển hình của trò đùa tai ác này: Trong lúc nghỉ giải lao giữa hai giờ học, một bạn nữ sinh vô tình bị hớ hênh hở ngực áo, đã bị một bạn trai cùng lớp “quay” bằng điện thoại di động, rồi phát tán lên diễn đàn học sinh của nhà trường để mọi người cùng xem và bình luận, dẫn đến chỗ bạn trai của nữ sinh bị quay lén kia bức xúc đòi trả đũa kẻ đã làm điều tồi tệ này. Câu chuyện chỉ tạm thời lắng xuống khi giáo viên chủ nhiệm lớp họp mặt cả lớp, để buộc kẻ đã phát tán đoạn phim nói trên phải xin lỗi công khai và tháo gỡ toàn bộ đoạn phim đã đăng lên kia.
3) Một sinh viên Trường đại học nọ tại TP.HCM, nạn nhân của một đoạn phim được đăng trên Facebook kể: “Trong một lần đi dã ngoại, mình tham gia vào trò chơi tập thể và bị phạt phải bò dưới sàn nhà, một bạn nam liền cầm máy di động ghi lại và cố tình nhắm thẳng vào những bộ phận nhạy cảm của mình, rồi phát tán trên Facebook. Tấm ảnh của mình đã trở thành trò đùa của nhiều bạn khác kèm theo những lời bình luận độc ác thô tục. Mình cảm thấy xấu hổ vì bị xúc phạm nghiêm trọng và đang cố tìm ra thủ phạm để cho hắn một bài học nhớ đời!”.
4) Nhận định về vấn đề này một Giáo sư Khoa Tâm lý Giáo dục Đại Học Sư Phạm TP HCM đã phát biểu như sau:
“Không ai muốn mình trở nên xấu xí trước mặt người khác. Không ai muốn mình bị kẻ khác bôi nhọ và bị mang tai tiếng. Do đó, cách chơi này không được xã hội chấp nhận. Có lẽ nhiều bạn trẻ cũng đồng ý rằng: việc chụp lén khoảnh khắc “lộ hàng” của người khác để rồi tung lên mạng làm nhục và cố dìm cho họ “chết” là một hành vi ứng xử vô văn hoá và đáng bị các bạn trẻ lên án. Chính khi vấy mực bôi đen Người khác là lúc kẻ đó cũng đang tự bôi đen phẩm hạnh và tư cách của mình. Việc mang hình ảnh của bạn ra đùa cợt thì tuy nhất thời có thể làm trò vui trong chốc lát, nhưng đồng thời cũng gây thương tổn nghiêm trọng về tinh thần cho tha nhân. Tại sao các bạn không dùng máy ảnh ghi lại những khoảnh khắc tốt đẹp trong cuộc sống ? Điều đó sẽ mang lại niềm vui lớn, hơn là chụp những tấm ảnh nhằm dẫm đạp bạn mình xuống hố sâu tuyệt vọng và còn có thể dẫn đến cái chết oan ức đau thương như đã từng xảy ra đó đây.
4. Thảo luận: Bạn nên làm gì để cảm thông với người bị tung phim ảnh cá nhân lên mạng và cần tỏ thái độ thế nào đối với những kẻ tìm vui đùa trên nỗi đau của tha nhân ?
5. Lời cầu: Lạy Chúa Giê-su. Xin cho các bạn trẻ ý thức được sự tai hại của trò chơi ngu dại khi lén quay phim chụp ảnh nhạy cảm của bạn bè và tung lên mạng để bêu xấu làm nhục nhau. Xin cho họ ý thức rằng: Vui đùa trên nỗi đau của người khác chắc sẽ phải lãnh hậu quả là sự trừng phạt ngay ở đời này và đời sau theo định luật nhân quả: “Gieo giống nào gặt giống đó”- “Gieo gió gặt bão”. – Amen.